| Hotline: 0983.970.780

Chín sự thật thú vị có thể bạn chưa biết về kênh đào Suez

Thứ Hai 29/03/2021 , 12:18 (GMT+7)

Trong lúc thế giới trông chờ nỗ lực giải cứu tàu Ever Given đang mắc cạn tại kênh đào Suez, mời độc giả khám phá những điều thú vị về công trình nhân tạo này.

  • Có từ thời Ai Cập cổ đại

Kênh đào Suez nối liền thế giới giữa phương Đông và phương Tây như ngày hôm nay chỉ là một trong số những tuyến đường thủy nhân tạo từng len lỏi khắp Ai Cập.

Vị trí tàu container Ever Given bị mắc cạn trên kênh đào Suez hôm 23/3/2021. Đồ họa: AP

Vị trí tàu container Ever Given bị mắc cạn trên kênh đào Suez hôm 23/3/2021. Đồ họa: AP

Vào thời Pharaoh Senusret III (vị vua trị vì Ai Cập từ 1878 trước Công nguyên đến 1839 trước Công nguyên trong thời kỳ hùng cường và thịnh vượng) được cho là đã cho khởi công đào một tuyến kênh đầu tiên nối Biển Đỏ với sông Nile vào khoảng năm 1850 trước Công nguyên. Và theo các nguồn tư liệu cổ, sau đó cả Pharaoh Necho II và Đại đế Darius -người chinh phục Ba Tư cũng bắt tay vào dự án này nhưng sau đó đều bỏ dở.

Kênh đào Suez được cho là hoàn thành vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, thuộc triều đại Ptolemaic và nhiều nhân vật lịch sử khác bao gồm cả Nữ hoàng Cleopatra- người được cho là đã đi thực tế dọc tuyến kênh nhân tạo đi xuyên qua sa mạc đến sông Nile, sau đó mới tiếp cận Địa Trung Hải.

  • Napoléon Bonaparte từng cân nhắc việc xây dựng kênh đào Suez

Sau khi chinh phục Ai Cập vào năm 1798, nhà quân sự đại tài Pháp Napoléon Bonaparte đã cử một đội khảo sát để điều tra tính khả thi của việc cắt đứt doi đất thuộc vùng Suez và tiến hành xây dựng một con kênh nối từ Biển Đỏ đến Địa Trung Hải. Tuy nhiên sau bốn chuyến thám thính và tiền trạm thực tế, các chuyên gia của vị tướng lỗi lạc đã đưa ra một bản báo cáo kết luận sai rằng Biển Đỏ cao hơn Địa Trung Hải ít nhất 30 feet.

Siêu tàu Ever Given nằm chắn ngang lòng kênh đào Suez. Ảnh: AP

Siêu tàu Ever Given nằm chắn ngang lòng kênh đào Suez. Ảnh: AP

Đồng thời các nhà khảo sát cảnh báo rằng, bất kỳ nỗ lực nào để tạo ra một con kênh đều có thể dẫn đến thảm họa lũ lụt trên khắp Đồng bằng châu thổ sông Nile. Chính vì tính toán sai lầm này đã khiến Napoléon từ bỏ dự án và kế hoạch xây dựng kênh đào Suez bị đình trệ cho đến năm 1847, khi một nhóm các nhà nghiên cứu xác nhận rằng không có sự khác biệt nghiêm trọng về độ cao giữa Địa Trung Hải và Biển Đỏ.

  • Chính phủ Anh từng phản đối gay gắt dự án

Kế hoạch xây dựng kênh đào Suez chính thức bắt đầu vào năm 1854, khi một nhà ngoại giao người Pháp tên là Ferdinand de Lesseps đàm phán một thỏa thuận với phó vương Ai Cập để thành lập Công ty Kênh đào Suez.

Kể từ khi đề xuất của ông Lesseps nhận được sự ủng hộ của Hoàng đế Pháp Napoléon III, nhiều chính khách Anh lập tức lên tiếng coi dự án này là một kế hoạch chính trị nhằm gây suy yếu sự thống trị của vương quốc Anh đối với ngành vận tải biển toàn cầu.

Đại sứ Anh tại Pháp lúc đó tranh luận rằng, việc hậu thuẫn xây dựng kênh đào Suez không khác gì là một "hành động tự sát". Và khi ông Lesseps tìm mọi cách chào bán cổ phần của công ty Kênh đào Suez, các tờ báo của Anh lúc đó đã nhất loạt dán nhãn dự án này "một vụ cướp trắng trợn nhằm chiếm đoạt công sức của dân thường".

Thậm chí ông Lesseps sau đó còn tiếp tục gây chiến với cả Thủ tướng Anh Lord Palmerston và thách thức kỹ sư đường sắt Robert Stephenson đấu tay đôi, sau khi ông trình dự án này lên Quốc hội. Mặc dù chính phủ Anh vẫn tiếp tục chỉ trích dự án kênh đào Suez trong suốt quá trình xây dựng, nhưng sau đó họ cũng đã mua 44% cổ phần của công ty nhân lúc chính phủ Ai Cập thiếu tiền mặt và chào bán đấu giá cổ phần dự án vào năm 1875.

  • Xây dựng bằng máy móc tối tân và cưỡng bức nông dân

Việc xây dựng kênh đào Suez đòi hỏi một lực lượng lao động rất lớn và chính phủ Ai Cập ban đầu đã phải huy động mọi nguồn lực, bằng cách cưỡng bức người nghèo phải làm việc chỉ với mức lương danh nghĩa và thậm chí nông dân còn bị đe dọa bạo lực.

Vị trí đoạn kênh trước mũi tàu Ever Given tải trọng 220 ngàn tấn mắc cạn chỉ rộng hơn 274 m. Đồ họa: SCA 

Vị trí đoạn kênh trước mũi tàu Ever Given tải trọng 220 ngàn tấn mắc cạn chỉ rộng hơn 274 m. Đồ họa: SCA 

Bắt đầu từ cuối năm 1861, hàng chục nghìn nông dân Ai Cập đã sử dụng cuốc và xẻng để đào những đoạn kênh đầu tiên. Thực tế tiến độ rất chậm do việc đào đất chỉ bằng tay cộng với việc dự án gặp khó khăn sau khi người cai trị đất nước lúc đó là vua Ismail Pasha đột ngột cấm sử dụng lao động cưỡng bức vào năm 1863.

Đối mặt với tình trạng thiếu nhân công nghiêm trọng, nhà thầu khoán Pháp Lesseps và Công ty Kênh đào Suez đã thay đổi chiến lược và bắt đầu sử dụng hàng trăm chiếc tàu cuốc chạy bằng hơi nước và than đá để đào kênh.

Công nghệ mới đã mang lại cho dự án sự thúc đẩy cần thiết và công ty đã đạt được tiến độ nhanh chóng trong suốt hai năm xây dựng. Trong số 75 triệu mét khối cát cuối cùng được di chuyển lúc mở tuyến kênh chính, có khoảng 3/4 khối lượng công việc được xử lý bằng máy móc hạng nặng.

  • Đáng lẽ Tượng Nữ thần Tự do đặt ở kênh đào Suez

Khi kênh đào Suez gần hoàn thành vào năm 1869, nhà điêu khắc người Pháp Frédéric-Auguste Bartholdi đã cố gắng thuyết phục ông Ferdinand de Lesseps và chính phủ Ai Cập cho phép ông dựng một tác phẩm điêu khắc có tên “Ai Cập mang ánh sáng đến châu Á” qua lối vào Địa Trung Hải.

Lấy cảm hứng từ tượng Thần Mặt trời Colossus of Rhodes cổ đại, điêu khắc gia Bartholdi đã hình dung ra bức tượng cao 90 foot, phác họa một người phụ nữ mặc áo choàng nông dân Ai Cập và cầm một ngọn đuốc lớn, được coi là đã đóng vai trò như một ngọn hải đăng để dẫn lối cho tàu bè vào kênh.

Vì nhiều lý do dự án này không bao giờ trở thành hiện thực, nhưng ông Bartholdi vẫn tiếp tục theo đuổi ý tưởng của mình, và cuối cùng vào năm 1886 ông đã công bố một phiên bản điêu khắc bằng đồng hoàn chỉnh tại Cảng New York ngày nay. Bức tượng đài theo phong cách tân cổ điển cao 90 mét, khánh thành vào ngày 28/10/1886 được coi là món quà của người Pháp tặng nước Mỹ kể từ đó đến nay đã trở nên nổi tiếng hơn với tên gọi Tượng Nữ thần Tự do.

  • Cha đẻ kênh đào Suez thất bại với kênh đào Panama

Việc dự án kênh đào Suez hoàn thành đã khiến những người chỉ trích im lặng, ông Ferdinand de Lesseps sau đó đã chuyển sự chú ý của mình sang một dự án mới là cắt một tuyến kênh xuyên qua eo đất Panama ở Trung Mỹ.

Công việc bắt đầu vào năm 1881, nhưng bất chấp dự đoán của ông Lesseps rằng con kênh mới sẽ “dễ thi công hơn” so với Suez, dự án này sau đó vẫn rơi vào hỗn loạn. Hàng nghìn người đã chết trong quá trình xây dựng kênh Panama do phải ở trong khu vực rừng sâu nước độc, sinh nhiều bệnh tật và quá oi bức. Kết quả nhóm thực hiện dự án đã đốt hết gần 260 triệu USD mà vẫn thất bại.

Thậm chí vào năm 1889, công ty Kênh đào Suez đã gây ra tai tiếng lớn khiến ông Lesseps và nhiều nhân vật tên tuổi, trong đó có cả nhà thiết kế tháp Eiffel Gustave Eiffel, người đã được thuê để thiết kế hệ thống âu tàu trên tuyến kênh- bị kết tội gian lận và thông đồng ỉm tài chính. Phải mất 25 năm nữa, dự án kênh đào Panama do một công ty xây dựng của Mỹ chủ trì mới được hoàn thành, khép lại dự án kéo dài hàng thập kỷ.

  • Vai trò lớn thời Chiến tranh Lạnh

Năm 1956, kênh đào Suez trở thành trung tâm của một cuộc xung đột giữa Ai Cập và các quốc gia Anh, Pháp và Israel, bắt nguồn từ việc Anh chiếm đóng quân sự trong khu vực kênh đào, đã tiếp tục kéo dài ngay cả sau khi Ai Cập giành được độc lập vào năm 1922.

Nhiều quốc gia đã tham gia nỗ lực giải cứu tàu Ever Given. Ảnh: AP

Nhiều quốc gia đã tham gia nỗ lực giải cứu tàu Ever Given. Ảnh: AP

Nhiều người Ai Cập phẫn nộ với ảnh hưởng kéo dài của thực dân, và căng thẳng cuối cùng đã thổi bùng lên vào tháng 7 năm 1956, khi Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser quốc hữu hóa kênh đào Suez, động thái được cho là sẽ mở đường cho việc xây một con đập trên sông Nile.

Cuộc khủng hoảng mang tên kênh Suez đã khiến cả Anh, Israel và Pháp mở một cuộc tấn công vào Ai Cập vào tháng 10 năm 1956. Người châu Âu đã thành công trong việc tiến sát kênh đào, nhưng sau đó đã rút lui khỏi Ai Cập sau sự lên án từ Liên Hợp quốc, Mỹ và cả mối đe dọa trả đũa hạt nhân từ Liên Xô. Thủ tướng Anh Anthony Eden đã phải từ chức sau vụ bê bối này, và kênh đào Suez lại nằm dưới sự kiểm soát của Ai Cập.

  • Một đội tàu đã từng mắc cạn trong kênh đào Suez hơn tám năm

Trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày vào tháng 6 năm 1967 giữa Ai Cập và Israel, kênh đào Suez đã bị chính phủ Ai Cập đóng cửa và bị phong tỏa ở cả hai bên bởi mìn và các tàu bị đánh đắm.

Vào thời điểm đóng cửa, có 15 tàu vận tải biển quốc tế đã neo đậu tại điểm giữa của tuyến kênh đào Suez, tức đoạn hồ Great Bitter và đội tàu này đã bị mắc kẹt trong tuyến đường thủy này trong suốt tám năm, đến mức chúng được đặt cho biệt danh là “Hạm đội màu vàng” do cát sa mạc đóng dầy từng lớp trên boong.

Hầu hết các thành viên thủy thủ đoàn trên đội tàu mắc kẹt này được luân chuyển theo nhiệm kỳ 3 tháng, trong khi số người buộc phải ở lại đã lập ra một “cộng đồng nổi” và tổ chức các sự kiện thể thao và xã hội để giải khuây.

Sau nhiều năm, “Hạm đội màu vàng” thậm chí còn phát triển cả hệ thống tem và thương mại nội bộ cho tới lúc cả 15 con tàu được phép rời khỏi kênh đào vào năm 1975.

  • Đại tu vào năm 2015

Trong suốt nhiều năm vận hành, kênh đào Suez đã bị bồi lắng khiến bề ngang bị thu hẹp và độ sâu nông dần lên, không đủ để đáp ứng lưu thông hai chiều từ các tàu chở dầu và hàng hóa hiện đại.

Vào tháng 8 năm 2014, Cơ quan quản lý kênh đào Suez thuộc chính phủ Ai Cập đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm khơi thông tuyến đường thủy nối liền hai lục địa Âu- Á và tạo thêm một làn nhánh mới dài 22 dặm tách ra khỏi kênh chính. Quá trình đại tu được Tổng thống Abdel Fattah el-Sissi rót 8,2 tỷ USD ngân sách vào việc mở rộng tuyến kênh và dự án cơi nói được khánh thành vào năm 2015 đã không tránh được sự cố tàu container Ever Given bị mắc cạn hôm 23/3/2021, gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu.

(History.com; AP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Mỹ không còn hệ thống phòng không Patriot để gửi cho Ukraine

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington không còn hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, nhưng sẽ gây áp lực buộc EU và NATO chia sẻ cho Kiev.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm