Chính khách Trương Vĩnh Trọng (11/11/1942-19/2/2021) từng đảm nhận cương vị Trưởng ban Nội chính Trung ương rồi Phó Thủ tướng Chính phủ. Nghỉ hưu, chính khách Trương Vĩnh Trọng trở về quê nhà Giồng Trôm - Bến Tre để sống như một người nông dân đích thực.
Hôm nay, 21/2, lễ viếng chính khách Trương Vĩnh Trọng được tổ chức tại hai nơi: Hội trường tỉnh ủy Bến Tre từ 8h đến 19h, và tại Nhà tang lễ Quốc gia - Hà Nội từ 8h đến 11h, để đồng bào và đồng chí tiễn đưa một vị lãnh đạo luôn gần gũi và trọng ân tình.
Chính khách Trương Vĩnh Trọng còn có bí danh Hai Nghĩa. Cái tên Hai Nghĩa gắn bó với chính khách Trương Vĩnh Trọng từ khi bắt đầu tham gia cách mạng. Một người bạn cùng tuổi đã từng học chung với Hai Nghĩa ở căn cứ Trung ương cục miền Nam là đạo diễn Lê Văn Duy, đã chia sẻ những ký ức riêng tư thật ấm áp.
Năm 1962, Hai Nghĩa là cán bộ của Tiểu ban giáo dục tỉnh Bến Tre, được cử đi học Trường Giáo dục Tháng Tám kéo dài 18 tháng, tổ chức tại chiến khu Tân Biên. Đạo diễn Lê Văn Duy lúc ấy có bí danh Lê Hằng, là con trai của nhà giáo Dương Văn Diêu- Trưởng ban Giáo dục Trung ương cục Miền Nam, cũng có mặt trong khóa đào tạo này.
Đạo diễn Lê Văn Duy nhớ lại: “Ngồi chung bàn tôi là Hai Nghĩa, người gầy gò, nước da đen sạm, dân Bến Tre. Dạo đó tôi là sinh viên Sài Gòn mới thoát ly lên R, người còn trắng trẻo, hồng hào, mới vào Đoàn. Trong khi Hai Nghĩa trạc tuổi tôi nhưng là cán bộ hoạt động trong phong trào học sinh tỉnh Bến Tre.
Chữ viết của Hai Nghĩa khá đẹp, nhưng sức học còn thấp nên bạn rất khiêm tốn thường hỏi tôi về môn khoa học, triết học. Thế nhưng trong những môn học liên hệ từ lý thuyết đến thực tế cuộc sống đồng bào, nhân dân địa phương thì Hai Nghĩa hướng dẫn tôi. Nhờ vậy mà hai anh em khá thân nhau”.
Thời gian Trường Giáo dục Tháng Tám đang diễn ra thì có cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm ở Sài Gòn, nên cả lớp học được lệnh xuống đường về vùng ven đô. Cuộc hành quân khó quên ấy, được đạo diễn Lê Văn Duy kể: “Kỷ niệm tôi nhớ nhất là khi đi qua cách đồng chó ngáp đang mùa mưa, nước ngập mấp mé lưng quần, người đi bộ tay cầm nhánh cây tràm gió tránh máy bay trực thăng, suốt ngày đêm ngâm chân trong nước, mỏi nhừ tê chân. Dân thành thị và anh chị em các tỉnh Miền Đông, khu Nam Tây nguyên không quen lội nước dễ bị lạc hướng. Các anh chị em quê miền sông nước, miền Tây đã tận tình đi tới đi lui hướng dẫn chúng tôi.
Hai Nghĩa là người đã dạy tôi câu thiệu “đêm tránh đen, nắng tránh trắng”. Có nghĩa là cứ nhìn theo khoảng nước đục trước mặt mà lần bước tới. Do mang bồng, gạo, muối và có thể là vũ khí nữa. Tôi là quần chúng nên chỉ mang những thứ cần thiết. Hai Nghĩa có súng ngắn nên phải quàng súng trên lưng bồng tránh nước. Vậy mà Hai Nghĩa vẫn tới lui kềm cặp tôi”.
Trường Giáo dục Tháng Tám có học viên khác nhau cả về trình độ văn hóa lẫn kinh nghiệm chiến đấu, nhưng có cái hay là thông qua những buổi thảo luân tổ để dung hòa kiến thức cho nhau. Kết thúc khóa đào tạo, ai về địa phương nấy. Học viên Hai Nghĩa về Bến Tre tiếp tục con đường dấn thân và trở thành chính khách. Còn học viên Lê Hằng chuyển sang lĩnh vực điện ảnh, và trở thành đạo diễn Lê Văn Duy.
Mỗi người một con đường, mỗi người một số phận. Thế nhưng, mỗi lần gặp lại, Hai Nghĩa và Lê Hằng vẫn đối đãi với nhau thân mật như thuở ngồi chung bàn ở Trường Giáo dục Tháng Tám.
Đạo diễn Lê Văn Duy hé lộ thêm: “Cách đây mấy năm, khi Hai Nghĩa đã nghỉ hưu, tôi có dịp về Bến Tre ăn Tết có ghé qua thăm bạn học cũ. Hai Nghĩa dẫn vợ chồng tôi ra sau vườn trồng bưởi, rau và nhiều loại cây kiểng. Thậm chí Hai Nghĩa còn giới thiệu các ụ phân bò, phân xanh và chiếc xe cút kít chính tay Hai Nghĩa kéo mỗi ngày.
Bữa đó, Hai Nghĩa đãi vợ chồng tôi một nồi cháo rắn và mấy cái bánh xèo. Ông cựu Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng vẫn là bạn học Hai Nghĩa hôm nào của tôi”.