Ngày 19/2, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương thông báo ông Trương Vĩnh Trọng, sinh năm 1942, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, sức yếu, bệnh nặng, ông đã từ trần vào hồi 3 giờ 25 phút ngày 19/2/2021 tại nhà riêng, ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Ông Trương Vĩnh Trọng sinh năm 1942, tại tỉnh Bến Tre; Ủy viên Bộ Chính trị Khóa X; Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, X; Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI (dự khuyết), VII, VIII, IX, X; đại biểu Quốc hội khóa VIII, XI.
Từ năm 1960, ông bắt đầu hoạt động bí mật trong phong trào học sinh chống chế độ Sài Gòn cũ. Hai năm sau, ông thoát ly gia đình, tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, công tác ở Tiểu ban Giáo dục tỉnh Bến Tre. Năm 1975, ông được cử ra Bắc học trường Tuyên huấn Trung ương ở Hà Nội.
Từ năm 1978, ông làm Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bến Tre. Sau đó, từ năm 1982, ông làm Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm.
Tại Đại hội VI của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên Trung ương dự khuyết. Đến Đại hội VII là Ủy viên Trung ương chính thức; làm Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Năm 1998, ông được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương. Năm 2000, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; một năm sau giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương giai đoạn 2001-2007 đã chủ trì nghiên cứu, tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Phòng chống tham nhũng, lãng phí" tại Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (khóa X); đồng thời, tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án nghiêm trọng, phức tạp...
Năm 2006, tại Đại hội X, ông Trương Vĩnh Trọng tái đắc cử Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, được bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 6/2006, ông đảm nhiệm cương vị Phó Thủ tướng.
Trong quá trình công tác, ông Trương Vĩnh Trọng đã được tặng thưởng Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân Chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba.