| Hotline: 0983.970.780

Chính phủ giao Yên Bái trồng 30,51 triệu cây xanh

Thứ Ba 11/05/2021 , 08:46 (GMT+7)

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 'Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025', Yên Bái được giao trồng 30,51 triệu cây…

Cán bộ Kiểm lâm huyện Văn Chấn cùng người dân tham gia trồng rừng. Ảnh: Thanh Miền.

Cán bộ Kiểm lâm huyện Văn Chấn cùng người dân tham gia trồng rừng. Ảnh: Thanh Miền.

Sở NN-PTNT Yên Bái vừa có báo gửi UBND tỉnh Yên Bái về việc triển khai trồng cây tràm nước ngọt trên hồ Thác Bà. Đây là việc làm kịp thời, nhằm thực hiện Quyết định của Thủ tướng “Trồng một tỷ cây xanh”, đồng thời góp phần ngăn chặn sự xói mòn trên các đảo hồ Thác Bà, tạo cảnh quan môi trường cho phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản…

Theo khảo sát của Chi cục Kiểm lâm Yên Bái, hồ Thác Bà hiện có 2.404,8 ha đất bán ngập từ cốt 48-58m, diện tích có khả năng trồng được tràm là 810 ha nằm trên các 10 xã của huyện Lục Yên (diện tích trồng 310,8 ha) và 15 xã và thị trấn huyện Yên Bình (diện tích trồng 499,2 ha).

Cây tràm nước ngọt được trồng trên hồ Thác Bà năm 2001. Ảnh: Thái Sinh.

Cây tràm nước ngọt được trồng trên hồ Thác Bà năm 2001. Ảnh: Thái Sinh.

Diện tích bán ngập không thể trồng được cây tràm là 1.574,9 ha. Đây là các sườn núi đá, đồi núi có độ dốc lớn, đồi lẫn đá lộ đầu, nằm chủ yếu ở các xã của huyện Lục Yên và xã Mông Sơn của huyện Yên Bình.

Tổng kinh phí trồng 810 ha cây tràm nước ngọt là 23,717 tỷ đồng, được phân kỳ trong 5 năm bằng nguồn vốn thuộc Đề án trồng một tỷ cây xanh, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Như vậy, với diện tích 810 ha được trồng với mật độ 2.500 cây/ha, số cây tràm trồng trên hồ Thác Bà là 2,025 triệu cây. Đây là diện tích trồng bền vững, không bị áp lực khai thác để trồng mới nên rừng ổn định rất cao.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, Yên Bái được giao trồng 30,51 triệu cây xanh, trong đó có 2.700 ha là rừng tập trung, tương đương 5,51 triệu cây, được phân ra diện tích trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là 1.700 ha, rừng sản xuất 1.000 ha, còn lại 25 triệu cây trồng phân tán.

Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Thái Sinh.

Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Thái Sinh.

Hiện nay, tỷ lệ che phủ rừng của Yên Bái là 63%, vì thể để tìm đất trồng rừng tập trung là rất khó khăn, ngoài 810 ha trồng tràm trên đất bán ngập hồ Thác Bà còn lại nằm ở 2 huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, cũng như các xã vùng cao của 2 huyện Văn Yên, Văn Chấn.

Phần lớn đất trống đồi núi trọc nằm ở các triền núi đá dốc và một phần không nhỏ là bãi chăn thả gia súc lâu đời của người dân nên không dễ dàng trồng được, dễ xảy ra tranh chấp và mâu thuẫn với sự phát triển.

Đây là bài toán khó mà Yên Bái phải thực hiện bằng được kế hoạch mà Chính phủ đã giao. Ông Nguyễn Tư Khoa, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Mù Cang Chải cho biết: Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, Mù Cang Chải trồng 1.200 ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất và cây phân tán. Nhưng khó khăn nhất của Mù Cang Chải là vốn trồng rừng. Theo kế hoạch năm 2021, BQL phải trồng 186 ha rừng, nhưng chỉ có vốn để trồng rừng thay thế là 56 ha…

Người dân huyện Mù Cang Chải trồng hoa tớ dầy tạo cảnh quan môi trường. Ảnh: Trần Phượng.

Người dân huyện Mù Cang Chải trồng hoa tớ dầy tạo cảnh quan môi trường. Ảnh: Trần Phượng.

Huyện Trạm Tấu cũng khó khăn trong việc tìm đất và nguồn vốn trồng rừng. Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Trạm Tấu, ông Đào Công Trình cho biết: Theo kế hoạch 2021- 2025, huyện Trạm Tấu trồng mới 650 ha, chủ yếu là trồng rừng tập trung. Hiện BQL đang tiến hành rà soát diện tích đất đã được quy hoạch trồng rừng phòng hộ không chồng lấn với đất của người dân để lên kế hoạch trồng...

Ông Nguyễn Thái Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái cho biết: Việc trồng 25 triệu cây phân tán, tỉnh Yên Bái sẽ giao cho các địa phương trồng các loại cây bóng mát, cây đô thị, cây cảnh, cây ăn quả bản địa... trên các tuyến đường, quanh thôn bản từ nông thôn đến thành phố, trong các công sở, trường học... Đây là vấn đề không quá khó.

Tuy nhiên, việc trồng rừng tập trung sẽ rất khó khăn, nhất là tìm được diện tích đất để trồng. Tới đây, Chi cục sẽ đề nghị các địa phương rà soát thật kỹ quỹ đất để trồng rừng tập trung, thực hiện bằng được Đề án trồng một tỷ cây xanh mà Chính phủ đã giao cho Yên Bái...

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.