Lục Yên là huyện có diện tích rừng lớn với hơn 55.000 ha, hiện nay tổng diện tích có cung ứng dịch vụ môi trường rừng là 31.757,15 ha, diện tích được chi trả DVMTR là hơn 26.700 ha với số tiền được chi trả gần 9,7 tỷ đồng.
Theo ông Hà Tiến Công, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên, trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã hạn chế hiện tượng xâm lấn, khai thác rừng trái phép, việc xâm hại đến tài nguyên rừng đã giảm đi đáng kể, chất lượng rừng trong lưu vực được ổn định.
Các cộng đồng dân cư đã xác định được vai trò chính sách tới phát triển lâm nghiệp bền vững và giá trị gián tiếp từ rừng mang lại. Một số cộng đồng đã chủ động tổ chức bảo vệ, có những kế hoạch, hành động cụ thể trong công tác bảo vệ rừng, như xây dựng lịch tuần tra, bảo vệ rừng... Năm 2023, trên địa bàn huyện xảy ra 12 vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp, năm 2024 chỉ xảy ra 1 vụ, giảm 11 vụ việc.
Tại huyện Văn Yên, chính sách chi trả DVMTR đã và đang là tiền đề cho người dân trên địa bàn phát triển nguồn lợi từ rừng để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.
Ông Đoàn Giao Lương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên cho biết, năm 2023 trên địa bàn huyện có 7/25 xã thị trấn được hưởng chính sách chi trả DVMTR, từ năm 2024 tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều nằm trong lưu vực được hưởng chính sách chi trả DVMTR.
Ngay từ đầu năm đơn vị đã phối hợp cùng các cơ quan, UBND các xã, thị trấn, Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền đến các chủ rừng về chính sách chi trả DVMTR, hướng dẫn các chủ rừng thiết lập hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng trong lưu vực được chi trả. Người dân được nhà nước chi trả kinh phí bảo vệ rừng theo đúng đối tượng, diện tích và chất lượng rừng. Nhờ đó, người dân tích cực hơn trong công tác trồng, chăm sóc bảo vệ rừng, đặc biệt đối với rừng tự nhiên, hạn chế xâm lấn, phát phá và các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Yên Bái là một tỉnh miền núi có hệ sinh thái rừng phong phú, đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu và cung cấp các dịch vụ môi trường cho cộng đồng. Những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã trở thành một công cụ hiệu quả trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nâng cao đời sống người dân nơi đây.
Hiện, tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 689.267 ha, trong đó diện tích có rừng là 462.536 ha; độ che phủ rừng đạt 63%. Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh tập trung chủ yếu tại các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên đây là những khu rừng có trữ lượng gỗ và có giá trị phòng hộ đầu nguồn rất lớn. Đặc biệt tỉnh có hai khu bảo tồn có giá trị đa dạng sinh học cao và bảo tồn loài đặc hữu.
Trong năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn thành công tác xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR năm 2023 và báo cáo, tham mưu cho Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở kết quả xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR năm 2023, Quỹ đã hoàn thành công tác xây dựng, bàn giao bản đồ chi trả DVMTR cho chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã theo đúng quy định.
Ngoài ra, phối hợp Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm các huyện và các địa phương tiến hành rà soát diện tích rừng cung ứng DVMTR năm 2024, 2025 trên địa bàn toàn tỉnh để phục vụ công tác xác định diện tích rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR năm 2024 và xây dựng kế hoạch thu chi tiền DVMTR năm 2025.
Ông Tô Xuân Quý, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái cho biết thêm, đến nay Quỹ đã hoàn thành công tác chi trả tiền DVMTR năm 2023 theo Quyết định số 910 ngày 14/05/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái. Việc chi trả 100% không dùng tiền mặt mà thông qua hình thức chuyển khoản vào các tài khoản của chủ rừng được mở tại Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, thông qua dịch vụ chi trả của Bưu điện tỉnh.
Chính sách chi trả DVMTR tại tỉnh Yên Bái đã mang lại nhiều tác động tích cực trong việc bảo vệ rừng, cải thiện sinh kế cho người dân và nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Để phát huy tối đa hiệu quả của chính sách này, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tổ chức, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp, nhằm tạo ra những giải pháp cho việc bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững tại địa phương.