| Hotline: 0983.970.780

Chính sách 'trên trời', vì đâu?

Chủ Nhật 06/05/2018 , 09:30 (GMT+7)

“Kinh nghiệm ở các nước có nền công vụ tiên tiến cho thấy chuyện một công chức ra khỏi nền công vụ là chuyện bình thường nếu anh vi phạm.

Nếu chúng ta chưa quy định rõ phần này mà chỉ “rút kinh nghiệm một cách sâu sắc” thì tôi nghĩ khó có thể tạo được nền tảng tốt trong việc thi hành đặc biệt trong đội ngũ lãnh đạo”.

Đây là quan điểm của PGS. TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia) xung quanh chất lượng đội ngũ cán bộ công chức hiện nay.

PGS. TS Ngô Thành Can

Chính sách “trên trời” cuộc đời “dưới đất” hay ngồi trên trời làm chính sách… là những cụm từ người ta hay dùng để nói về thực trạng chính sách ở nước ta. Với chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả, theo ông có nhằm hạn chế tình trạng ngồi trên trời làm chính sách?

Hiện nay chúng tôi hay dùng từ “sức khỏe” của nền công vụ, mà điểm yếu của nền công vụ chính là biểu hiện của sức khỏe không tốt. Có thể kể đến yếu về điều hành, yếu về triển khai văn bản quy phạm, điểm yếu về đội ngũ đặc biệt là năng lực thực thi công vụ. Và một vấn đề nổi trội chúng tôi hay đề cập đến đó là vấn đề đạo đức.

Với một nền công vụ ít bệnh tật thì việc chữa trị dễ dàng hơn, thậm chí vẫn có thể đảm bảo phát triển tốt, nhưng với nền công vụ bệnh nặng thì chúng ta cần phải xem xét.

Ví dụ những bệnh nổi trội như vừa qua được đề cập nhiều: tham nhũng, suy thoái về lối sống đạo đức, vô cảm… Chúng ta tiêu tốn quá nhiều cho bộ máy hành chính sự nghiệp mà năng suất lại kém - nhũng nhiễu, tham nhũng quá nhiều. Những thực tế này bắt buộc chúng ta phải cải cách.

Chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy nâng cao năng lực hiệu quả phục vụ cũng là nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có ít sai sót.

Thực tế nhiều chính sách không đi sát cuộc sống, dù chỉ mới đưa ra xin ý kiến người dân, các cơ quan chức năng hay có chính sách đã ban hành nhưng không thực hiện được vì không khả thi. Tuy nhiên, dường như chưa ai phải chịu trách nhiệm về việc này, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Nhiều năm trước chúng ta có những chủ trương chính sách không phù hợp mà nhiều người hay gọi đó “tham nhũng chính sách” nhằm chia sẻ quyền lợi cho một nhóm lợi ích hoặc những vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Thậm chí có những chính sách vấp phải nhiều ý kiến trái chiều buộc phải thay đổi. Chẳng hạn như quy định về việc bán thực phẩm tươi sống trong thời gian 8 tiếng ở nhiệt độ thường, hay chứng minh thư phải ghi cả tên cha mẹ, sổ đỏ phải ghi tên các thành viên trong gia đình… sau khi ban hành đều không thực hiện được. Hoặc những dự thảo dù đang xin ý kiến như: ngực lép không được lái xe hay răng vẩu không được lái tàu hay thuế tài sản… khiến dư luận bức xúc.

Rõ ràng dư luận bức xúc là có cơ sở. Họ có quyền đặt câu hỏi năng lực cán bộ thế nào mà lại có những chính sách lạ thế? Hoặc có những đề xuất mà chúng ta rõ ràng mười mươi có lợi ích nhóm ở đây (chính sách đầu tư xây dựng BOT, chính sách trong đấu thầu). Suy cho cùng người dân rất quan tâm đến tổ chức bộ máy gọn nhẹ, đúng là giúp tiết kiệm cho ngân sách quốc gia nhưng từng bước phải nâng cao năng lực thực thi của nền công vụ.

Năng lực này thể hiện ở kiến thức chuyên môn của những người cán bộ công chức để phục vụ nhân dân thể hiện anh có làm tốt hay không, hiệu quả phục vụ nhân dân hay không đồng thời thái độ phục vụ nhân dân như thế nào?

thutucruomr2710-48e10142244930
Ảnh minh họa

Bên cạnh việc tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nền công vụ, theo ông có cần thiết phải đưa ra những chế tài xử phạt cụ thể đổi với những cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc tham mưu cho cấp trên những chính sách không khả thi?

Đây là câu hỏi rất hay mà trong một hội thảo tôi có nhắc đến. Việc tổ chức tinh gọn bộ máy hành chính, biên chế giảm nhưng phải tăng hiệu lực hiệu quả đối với công việc cán bộ công chức phải thực thi.

Để thực hiện được điều này, chúng ta phải hoàn thiện về chế độ chính sách. Mọi vấn đề phải tường minh rõ ràng thì mới thực thi được. Vấn đề tiếp theo mà chúng ta cần tập trung đó là đánh giá thường xuyên xem cán bộ công chức thực hiện như thế nào. Không thể một người đưa ra chính sách sai mà chỉ bị phê bình, rút kinh nghiệm. Không thể một người làm ăn không tốt, gây thất thoát nhiều vẫn chỉ bị phê bình. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận để làm trong sạch bộ máy cán bộ công chức. Cuối cùng đó là đạo đức công vụ. Nếu anh không tuân theo thì phải có chế tài nhất định.

Xin cảm ơn ông!

(Kiến thức gia đình số 18)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất