| Hotline: 0983.970.780

Chợ nón vào xuân

Thứ Ba 10/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Năm ngày một lần, chợ nón Cát Tân (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) vừa bán nón lá thành phẩm, vừa bán nguyên liệu. 

Phiên chợ nón nơi đây có từ khi nào, đến cả những bậc lão niên cũng không nhớ, nhưng nó đã làm nên nét đẹp làng quê...

Chợ đêm

Có thể nói, chợ nón Cát Tân là chốn mưu sinh của những phụ nữ nông thôn. Dạo chợ, chúng tôi không hề thấy bóng đàn ông, họp chợ là gương mặt lam lũ, mộc mạc của những thôn nữ từ khắp các làng quê tụ tập về.

Bắt đầu từ 3 giờ sáng vào những ngày mùng 5, mùng 10, 15... hàng tháng phiên chợ được nhóm họp. Người làm nón ở các xã Cát Tân, Cát Tường, Cát Trinh thuộc huyện Phù Cát, xã Bình Tường thuộc huyện Tây Sơn đổ dồn về đây họp chợ.

Nằm sâu trong một xóm nhỏ, chợ nón Cát Tân sáng bừng một góc đêm, rộn rã người mua kẻ bán. Những ngày đầu tháng Chạp năm nay lạnh buốt người, thế nhưng phiên chợ mùng 5 dường như còn rộn ràng hơn những phiên chợ trước.

Bởi lẽ, Tết đã cận kề, người quê cần hơn chiếc nón mới để đi du xuân, người làm nón tranh thủ thời điểm nhu cầu tăng cao làm nhặt tay hơn để có sản phẩm bán kiếm tiền tiêu Tết.

“Có lẽ chợ nón Cát Tân có mặt từ khi có nghề làm nón. Thuở còn nhỏ, tui đã thấy bà, mẹ tui đi chợ nón. Chợ nón bây giờ tuy không còn nhộn nhịp như xưa vì nhu cầu người đội nón giảm đi nhiều, nhưng hễ còn nghề làm nón là còn chợ nón”, bà Trần Thị Sáng (67 tuổi) ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh nói.

Gia đình bà Sáng theo nghề làm nón đến đời bà là đời thứ 3. Đến nay, con gái bà Sáng đã có gia đình riêng, khi về nhà chồng đã mang theo nghề làm nón.

Giải thích vì sao chợ nón Cát Tân lại nhóm ban đêm, bà Sáng nói: “Làm nón là nghề phụ những lúc nông nhàn. Trước đây, khi chuyện làm nông chỉ dựa vào chân tay, chưa có máy móc, suốt cả ngày ông bà mình bám ruộng bám vườn, chỉ ban đêm mới rảnh để họp chợ. Cứ thế thành lệ, chợ nón chỉ họp về đêm”.

Mỗi phiên chợ, chị Huỳnh Thị Kim Liên (37 tuổi) ở xã Cát Tân lại mang theo những vành nón được vót sẵn ra chợ bán.

4130232878
Người đi chợ mua vành nón

Chị Bùi Thị Lệ (55 tuổi) ở thị trấn Ngô Mây (Phù Cát), một thương lái đi chợ nón Cát Tân cho biết: “Mỗi phiên chợ tui mua gom khoảng 300 chiếc để cung ứng cho các thị trường TPHCM, Tây Nguyên... Mỗi thợ làm nón có đường kim, mũi chỉ rất riêng. Mua bán thành quen, chỉ cần soi dưới đèn là biết nón của ai làm ra. Qua bao đời, người đi chợ nón cũng bấy nhiêu gương mặt nên cứ thân thiết như người thân trong nhà”.

“Ngoài làm nón, vợ chồng tui tranh thủ chẻ tre, vót thành những vành nón để bán cho những gia đình có nghề làm nón nhưng không có lao động đi chặt tre, vót vành. Mỗi vành nón vót sẵn có giá 6.000đ, vành thô chưa vót có giá 4.000đ. Ngoài việc đồng áng, mỗi tháng, từ nghề chằm nón và vót vành, vợ chồng tui cũng kiếm được vài ba trăm ngàn. Người quê không tiêu pha gì nhiều, khoản tiền ấy cũng đủ đắp đổi tiền chợ qua ngày”, chị Liên chia sẻ.

Mưu sinh giữa đêm

Lặn lội giữa đêm khuya lạnh buốt, đem chồng nón 12 chiếc của mình đi chợ nón Cát Tân, chị Lê Thị Tiến (27 tuổi) ở thôn Phong An (Cát Trinh) tâm sự: “20.000đ một chiếc, hôm nay tui bỏ sỉ được 240.000đ. Mua lá, mua giang, cước, chỉ màu... hết 50.000đ, số tiền còn lại để dành mua mớ cá, chút mắm cho những bữa cơm hàng ngày.

5 ngày nữa lại tới phiên chợ, gần chục chiếc nón đang làm dang dở ở nhà sẽ đi chợ vào phiên sau. Nghề làm nón không sung túc, nhưng có đồng ra đồng vào chi tiêu hàng ngày, khỏi phải bán lúa bán gạo”.

Nghề làm nón còn kéo theo những nghề phụ khác chuyên cung cấp nguyên liệu cho nghề làm, giúp người dân nông thôn lấp đầy những ngày nông nhàn, kiếm thêm thu nhập.

“Hàng tuần, chồng tui đi xe máy lên huyện Hoài Ân, leo lên tận núi Kim Sơn để bức giang, lồ ô về bán cho những hộ làm nón. Mỗi chuyến đi 2 ngày, chồng tui bức được khoảng 200 đốt giang. Đến phiên, tui đưa số giang nói trên ra chợ nón Cát Tân bán.

Mỗi đốt giang bán được 2.000đ, người mua về làm được 4 chiếc nón. Đốt lồ ô bán 9.000đ, làm được khoảng 15 chiếc. Thu nhập từ việc bức giang mỗi tháng cũng được 6-7 trăm ngàn, đủ lo cho con cái học hành”, chị Châu Thị Kiều Loan (45 tuổi) ở thôn Phú Gia (Cát Tường) cho biết.

Mùa này trời lạnh, đi rừng bức giang cực khổ hơn, trong khi đó nhu cầu nguyên liệu làm nón tăng cao nên nên giang tăng giá, thu nhập của vợ chồng chị Loan từ mỗi phiên chợ nón Cát Tân nhỉnh hơn những phiên chợ trước.

Gọi là chợ nón nhưng chợ nón Cát Tân không chỉ có nón, mà còn bày bán lá kè, lá cọ, lá trắng. Muốn làm nón đẹp thì mua lá kè với giá 50.000đ/bó. Làm nón thô chỉ cần mua lá trắng có giá 6.000đ/bó. Các loại chỉ, cước để làm nón cũng được bày bán đầy chợ với giá 2.000đ/cuộn.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.