Giống lúa OM9921 có khả năng chịu mặn 4‰, chịu phèn khá |
Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Các viện nghiên cứu đã ứng dụng các công nghệ chọn tạo hiện đại bằng đánh dấu phân tử, lai hồi quy... các gen chống chịu mặn để chuyển nạp thành công vào các con lai và chọn thuần, đánh giá chống chịu trong điều kiện nhân tạo.
Các giống lúa chịu mặn được Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL chọn tạo có thời gian sinh trưởng từ 85 - 110 ngày. Điển hình hiện nay là các giống: OM5464, OM5166, OM9916, OM9921, OM9584, OM9577 và OM9579.
Các giống này đều có khả năng chịu mặn trong điều kiện nhân tạo ở nồng độ muối 4‰ - 6‰ (tương đương và cao hơn giống chuẩn kháng quốc tế Pokkali), năng suất cao, phẩm chất gạo tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, khả năng chịu khô hạn tốt (OM5464).
Giống lúa OM8017 có thời gian sinh trưởng: 90-95 ngày, chiều cao cây: 95-100 cm, thân rạ cứng, khả năng đẻ nhánh khỏe, năng suất: 7 - 9 tấn/ha. Tỷ lệ gạo nguyên cao 51 - 53%, không bạc bụng, dài hạt, chất lượng gạo tốt, cơm mềm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hàm lượng amylose: 22%, hàm lượng sắt trong gạo trắng: 6,70 - 6,90 mg/kg. Giống hơi kháng với rầy nâu (cấp 3 - 5) và đạo ôn (cấp 3 - 4), chịu mặn 3 - 4‰, chịu phèn khá, thích hợp cho các tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL.
Trong thực tế sản xuất các giống này cho năng suất cao hơn một số giống chịu mặn cũ đang được nông dân trồng phổ biến trên vùng đất nhiễm mặn (OM2517, OM1490, OM576) trung bình là 0,4 tấn/ha.