| Hotline: 0983.970.780

Chống con giống gia cầm nhập lậu: Đừng 'bắt cóc bỏ đĩa'

Thứ Bảy 16/12/2023 , 08:35 (GMT+7)

Xưởng sản xuất con giống gia cầm lớn phải thu hẹp sản xuất vì giá con giống lại xuống thấp. Việc ngăn gia súc, gia cầm nhập lậu theo kỳ đợt, theo phong trào không khác gì 'bắt cóc bỏ đĩa'.

"Sau tuyến bài điều tra của Báo Nông nghiệp Việt Nam, các cơ quan chức năng vào cuộc, giá con giống gia cầm có tăng lên trong một thời gian rất ngắn, có thể do lượng giống gia cầm nhập lậu giảm bớt nhưng rồi giá lại tiếp tục tụt xuống rất nhanh", đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thanh - đại diện cho trại giống gia cầm Thanh Lương, có địa chỉ trụ sở chính tại thôn Yên Tân, xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Cơ sở nuôi gà giống tại Vĩnh Phúc của trại giống gia cầm Thanh Lương. Ảnh: Huy Bình.

Cơ sở nuôi gà giống tại Vĩnh Phúc của trại giống gia cầm Thanh Lương. Ảnh: Huy Bình.

Trại giống gia cầm Thanh Lương do ông Nguyễn Văn Ái làm chủ cơ sở, ông Ái là người đầu tiên được tỉnh Bắc Ninh cho thuê 5.000m2 đất với thời hạn 30 năm để làm trang trại sản xuất, ấp nở con giống theo hướng công nghệ cao.

Ngay từ năm 1988, trại giống gia cầm Thanh Lương đã có quy mô gần 1.000 con gà đẻ trứng và đến nay đã lên đến hơn 6 vạn con. Các trang trại được đặt tại 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Bắc Giang với thị trường phân bố rộng khắp cả nước, trong đó tiêu thụ mạnh nhất tại các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đắk Lắk…

Thế nhưng, đến với trại giống gia cầm Thanh Lương những ngày này, thay vì khung cảnh tất bật, khẩn trương chuẩn bị gà giống xuất bán như mọi năm thì hiện lên trước mắt chúng tôi lại là hình ảnh "đủng đỉnh" của các công nhân làm việc tại đây. Các lò ấp công nghệ cao hiện đại được nhập khẩu nguyên chiếc từ Đài Loan hoạt động cầm chừng, nhiều máy tỷ lệ lấp đầy chỉ còn chưa đến một nửa. 

Giá thành không ổn định khiến quy mô ấp nở của trại giống gia cầm Thanh Lương buộc phải thu hẹp. Ảnh: Huy Bình.

Giá thành không ổn định khiến quy mô ấp nở của trại giống gia cầm Thanh Lương buộc phải thu hẹp. Ảnh: Huy Bình.

"Sức mua giảm mạnh khiến cơ sở của tôi buộc phải thu hẹp sản xuất, nếu không sẽ lỗ nặng trong khi thời điểm này như mọi năm nhu cầu con giống đáng lẽ rất lớn", ông Thanh cho biết.

Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 Công điện là Công điện 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 và Công điện 694/CĐ-TTg ngày 1/8/2023 chỉ đạo các địa phương, các bộ, các lực lượng chức năng làm quyết liệt trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý gia súc, gia cầm nhập lậu. Sau tuyến bài điều tra của Báo Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã có hàng loạt văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố liên quan và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05 - Bộ Công an) đề nghị vào cuộc, phối hợp để ngăn chặn thực trạng báo phản ánh.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết: "Có những thời điểm giá gia cầm, giá con giống tăng cao thì lại có tình trạng con giống không rõ nguồn gốc xuất xứ lại nhập ồ ạt vào Việt Nam. Khiến tất cả các con giống gia cầm Việt Nam lại buộc phải giảm giá thành trong khi chi phí đầu vào không giảm, gây ảnh hưởng rất lớn đến người nuôi".

Ông Nguyễn Văn Thanh đang đi kiểm tra lồng ấp. Ảnh: Huy Bình.

Ông Nguyễn Văn Thanh đang đi kiểm tra lồng ấp. Ảnh: Huy Bình.

Hơn nữa, theo ông Thanh, để thấy được hiệu quả của công tác chống con giống gia cầm nhập lậu, chỉ cần nhìn vào giá cả trên thị trường là có thể đánh giá được. "Như trong năm nay, đầu năm bình quân giá con giống dao động khoảng 14.000 - 15.000 đồng/con sau đó tụt xuống 6.000 - 7.000 đồng/con vào thời điểm nhu cầu tăng đàn tăng cao. Sau khi có tuyến bài điều tra của Báo Nông nghiệp Việt Nam, các cơ quan chức năng vào cuộc, giá có thời điểm bật tăng về mức bình thường nhưng nay lại xuống ở mức 9.500 đồng/con. Trong khi chi phí đầu vào không giảm", ông Thanh cho biết.

Ông Thanh mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc và có biện pháp xử lý triệt để, ngăn chặn các loại con giống gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ thẩm lậu, từ đó bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước.

Tại "Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững" vừa qua do Bộ NN-PTNT tổ chức, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã thẳng thắn nêu rõ, tình trạng buôn lậu gia súc gia cầm diễn biến hết sức phức tạp từ nhiều năm nay, nhất là những lúc chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và nước ngoài. Điều này đã mang lại hậu quả vô cùng tiêu cực tới ngành chăn nuôi trong nước, làm giảm sức cạnh tranh của gia cầm trong nước. Do đó, việc phòng chống buôn lậu phải làm thường xuyên liên tục chứ không chỉ làm từng đợt cao điểm.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma bắt giữ vụ vận chuyển 1.050 con vịt giống nhập lậu. Ảnh: Minh Phúc.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma bắt giữ vụ vận chuyển 1.050 con vịt giống nhập lậu. Ảnh: Minh Phúc.

Cũng tại hội nghị, nhiều chuyên gia nhận định, bấy lâu nay công tác đấu tranh chống nhập lậu gia súc, gia cầm là thiên về kỳ đợt, thiên về phong trào. Chỉ khi dư luận, báo chí lên tiếng báo động tình hình thì lực lượng chức năng lại rầm rộ ra quân, rầm rộ vào cuộc rồi đâu lại vào đấy.

Trong khi đó, hoạt động nhập lậu này mang tính xuyên biên giới. Việc duy trì liên tục hoạt động đấu tranh chống nhập lậu gia súc, gia cầm không chỉ có tác động thay đổi tư duy, thói quen đấu tranh lâu nay mà quan trọng hơn là có tác dụng cảnh tỉnh dư luận cũng như tạo sức răn đe các đối tượng buôn bán, tiếp tay cho hoạt động nhập lậu.

Bên cạnh đó, để đối phó với con giống gia cầm nhập lậu một cách triệt để, ông Thanh cũng đề nghị người nuôi hãy là người tiêu dùng thông minh. Bởi đối với các loại con giống gia cầm không rõ nguồn gốc, dù rẻ hơn nhiều lần nhưng tiềm ẩn dịch bệnh, con giống sinh trưởng kém gây rủi ro lớn cho người nuôi.

Vì vậy, người tiêu dùng cần phải lựa chọn và tìm đến những cơ sở uy tín, có chức năng pháp lý đầy đủ. Đơn cử như đối với trại giống gia cầm Thanh Lương, mỗi lứa xuất bán đều có giấy tờ tiêm phòng do cơ quan Thú y cấp, các lứa gà giống xuất bán có tỷ lệ kháng bệnh cao. "Hơn nữa, chúng tôi bảo hành 100% bệnh Marek", ông Thanh nói.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 6/12 về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Ban Chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông... để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam;

Chỉ đạo, triển khai lực lượng kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các địa bàn tiếp giáp biên giới; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ tại địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.