Phân có khối lượng ít (dưới 100g). Theo thống kê của cố GS. Hà Văn Mạo năm 1994 trên 2092 người lớn thì có tới 0,56% số người 3-4 ngày mới đi ngoài được một lần. Do phân cứng nên mỗi lần đi ngoài phải ngồi khá lâu, hơn nữa nhiều khi thấy đau đầu, khó chịu, mệt mỏi, hơi thở hôi… Cũng có người vì táo bón mà xen vào những đợt đi 3-4 lần một ngày (lần đầu nước, lần sau khô cứng). Táo bón xuất hiện đột ngột gọi là táo bón cấp tính, táo bón kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm gọi là táo bón mạn tính.
Táo bón có thể do suy yếu cơ thành đại tràng, thường gặp ở người cao tuổi, người bị suy kiệt cơ thể, người dùng thuốc tẩy kéo dài. Phân có khối lượng quá ít và khô. Có khi là tắc ruột cơ học do khối u, do thương tổn hậu môn, trực tràng, tử cung bị sa và dô ra trước do sinh đẻ nhiều lần… Đa số trường hợp do thiếu chất xơ trong thức ăn, do thói quen đi ngoài không đều đặn, do cố nhịn đi ngoài kéo dài, do yếu các cơ tham gia vào động tác đại tiện (cơ hoành, các cơ thành bụng, các cơ tầng sinh môn...).
Để khắc phục tình trạng táo bón việc đầu tiên là thay đổi chế độ ăn uống. Cần ăn các thức ăn nhiều chất xơ như rau xanh, hoa quả tươi, hoa quả khô, măng, khoai lang, gạo lứt, bắp rang… Chất xơ có tác dụng hút nước làm tăng gia khối lượng phân và thúc đẩy sự vận chuyển của ruột. Việc thứ hai là tập thói quen uống đủ 1-1,5 lít nước mỗi ngày để làm cho phân lỏng ra.
Một cách đơn giản là hàng ngày uống sữa chua. Nếu khó khăn cần dùng đến các sản phẩm tạo chất nhầy. Cũng có thể dùng dầu thực vật như dầu ôliu, uống lúc đói với liều 30-50g/ngày. Không được dùng dầu thầu dầu vì sẽ làm tổn thương hàng rào biểu mô của ruột. Trong trường hợp táo bón nặng các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các thuốc nhuận tràng làm kích thích nhu động ruột.
Tập thể dục đều đặn, nhất là thể dụng bụng cũng góp phần khắc phục hiện tượng táo bón.
Khi bị táo bón từ bé cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để đề phòng bị chứng đại tràng to bẩm sinh (Hirschprung). Khi đó cần phải xử lý bằng phẫu thuật.
Cần phải phát hiện sớm các polip đại - trực tràng ở những người bị táo bón mạn tính bằng phương pháp soi đại tràng, vì nguy cơ bị ung thư đại - trực tràng ở những người này dễ tăng lên. Nên nhớ rằng táo bón kéo dài là con đường dẫn đến ung thư đại tràng.