| Hotline: 0983.970.780

Chủ động chống đói rét cho gia súc

Thứ Ba 30/09/2014 , 10:15 (GMT+7)

Trước mùa đông năm nay, mặc dù các tỉnh đã triển khai với nhiều chính sách rất quyết liệt nhằm chống đói rét cho gia súc, tuy nhiên nguy cơ chết rét vẫn rất nguy hiểm.

Nhằm sớm chủ động triển khai công tác phòng chống đói rét cho gia súc trong mùa đông năm nay, tại Lạng Sơn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã chủ trì cuộc họp cùng các tỉnh phía Bắc bàn phương án triển khai.

Lo nhất chuồng trại

Theo Cục Chăn nuôi, sau đợt rét đậm rét hại lịch sử năm 2008 làm chết hơn 200 nghìn gia súc tại các tỉnh phía Bắc, các địa phương đã có những bài học xương máu nhằm giảm thiểu số lượng gia súc chết trong các mùa đông gần đây. Tuy nhiên đến mùa đông 2013, vẫn còn hơn 2.800 gia súc bị chết rét tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Trước mùa đông năm nay, mặc dù các tỉnh đã triển khai với nhiều chính sách rất quyết liệt nhằm chống đói rét cho gia súc, tuy nhiên nguy cơ chết rét vẫn rất nguy hiểm.

Theo Sở NN-PTNT Lào Cai, hiện vẫn còn 25% số hộ chăn nuôi gia súc ở tỉnh này chưa có chuồng trại đảm bảo an toàn phòng chống rét. Số hộ có chuồng trại kiên cố mới đạt khoảng 45%, còn lại khoảng 20% là chuồng lán tạm bợ.

 Trong khi đó, toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 1.700 ha đất trồng cỏ, mới đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thức ăn xanh cho gia súc. Theo đánh giá của Lào Cai, trước mùa đông 2014 vẫn có khoảng 30% số hộ, tương đương với 43.000 con gia súc có nguy cơ chết rét rất cao.

Tại cuộc họp với Bộ NN-PTNT, vấn đề chuồng trại cho gia súc ở các tỉnh MNPB, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn rất đáng ngại. Ông Trần Văn Khẩn, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Cao Bằng lo lắng cho biết, mặc dù sau những thiệt hại nặng nề sau các đợt rét đậm, rét hại năm 2008 và 2011, tỉnh đã dành nhiều chính sách để xây dựng cải tạo hơn 10.000 chuồng trại cho người dân.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn, GĐ Sở NN-PTNT Lạng Sơn cho rằng, bên cạnh các biện pháp phòng chống đói rét cho gia súc, trước mùa đông các địa phương nên khuyến cáo cho dân rà soát tình trạng gia súc để tiến hành loại thải bớt những con già yếu, có nguy cơ chết rét.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là toàn tỉnh vẫn còn hơn 23.000 hộ nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn lầy lội, nguy cơ gia súc chết rét rất cao. Hiện UBND tỉnh Cao Bằng đã có kế hoạch chi hơn 1 tỷ đồng để đưa toàn bộ số chuồng trại dưới nhà sàn này ra ngoài ở 3 huyện, nhưng xem ra chưa có phương án khả thi.

Tương tự tỉnh Lào Cai cũng cho biết, với đặc thù trâu bò thả rông rất nhiều, tỉnh này đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho dân làm chuồng, tuy nhiên với những hộ có số lượng gia súc lớn từ 30-50 con/hộ, việc làm chuồng là một thách thức không nhỏ cho người dân. Tỉnh này cũng khẳng định khó có thể hoàn thành việc làm chuồng cho gia súc xong trong năm 2014.

Băn khoăn hỗ trợ gia súc chết rét

Tại cuộc họp, nhiều địa phương cho rằng, chính sách hỗ trợ cho gia súc chết rét của Chính phủ trong nhiều năm gần đây có mặt tốt, nhưng cũng có mặt trái.

Theo ông Đặng Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lai Châu, nhiều hộ có nghé con mới sinh ra bị chết rét không đáng giá trị bao nhiêu, cũng được hỗ trợ mấy triệu đồng. Gia súc chết rét, vừa có thịt ăn, lại vừa được tiền hỗ trợ nên có tình trạng dân không để tâm gì tới chuyện phòng chống rét cho gia súc, bởi họ không thấy xót gì khi gia súc chết cả.

 Vì thế những năm gần đây, Lai Châu đã kiến quyết không dễ dãi trong việc hỗ trợ cho gia súc bị chết rét. Thay vào đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ để dân làm chuồng nếu hộ nào chưa có chuồng. Đối với gia súc chết rét, nếu kiểm tra thấy người dân không triển khai phòng chống, không làm chuồng, thả rông... khiến gia súc bị chết thì kiên quyết không hỗ trợ.

“Nhờ cách làm này cộng với tuyên truyền, từ chỗ người dân không có khái niệm về việc trữ thức ăn cho gia súc trước mùa rét, đến nay gần như 100% hộ có trâu bò, ngựa đều đã có trữ rơm khô, cỏ khô cho gia súc, số gia súc chết rét hiện còn không đáng kể”, ông Hào cho biết.

Ông Trần Văn Khẩn, PGĐ Sở NN-PTNT Cao Bằng cũng đồng tình về quan điểm này khi cho biết, mặc dù Cao Bằng đã có hẳn một nghị quyết về hỗ trợ chống đói rét cho gia súc, tuy nhiên việc hỗ trợ khi gia súc chết rét phải được giám sát cặn kẽ.

Theo đó khi gia súc chết rét, chính quyền tới kiểm tra mà thấy hộ đó không che chắn chuồng, để chuồng lầy lội, không tiêm phòng... thì kiên quyết không hỗ trợ.

Không hỗ trợ tràn lan

“Qua 5 năm triển khai công tác phòng chống đói rét cho gia súc, cái được lớn nhất là chúng ta đã thay đổi được nhận thức của người dân cũng như chính quyền địa phương về vấn đề này, nhiều nơi còn có hẳn nghị quyết chống đói rét cho gia súc, giao trách nhiệm cho người đứng đầu các cấp nếu để xẩy ra nhiều gia súc chết rét thì hạ điểm thi đua, thậm chí kỷ luật...

Tuy nhiên, lo lắng nhất là tình trạng trâu bò thả rông, việc đưa về chuồng đúng là không đơn giản, nhưng nhất quyết phải chấm dứt cho được trước mùa đông 2014.

Đề nghị các địa phương rà soát củng cố lại BCĐ phòng chống đói rét cho gia súc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, không để tình trạng trâu bò chết rồi mới xuống kiểm tra, địa phương nào chưa làm tốt, nguy cơ cao, Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản đề nghị thực hiện.

Đối với chính sách hỗ trợ gia súc chết rét, tinh thần là phải hài hòa việc hỗ trợ đảm bảo tính nhân văn của nhà nước, nhưng phải đặt mục tiêu hỗ trợ để dân tái đàn, tái SX là chính.

Theo đó, nên chăng các tỉnh cần nghĩ tới chính sách, cứ ai có trâu bò chết, nhưng phải mua mới tái đàn thì mới được hỗ trợ, chứ không nên hỗ trợ tràn lan, vừa tốn ngân sách, vừa khiến dân ỷ lại.

Bên cạnh đó, cơ quan thú y các địa phương cũng phải kiểm tra kỹ các trường hợp, xem gia súc nào chết vì bệnh, gia súc nào chết vì rét để có biện pháp khắc phục phù hợp. Yêu cầu Cục Chăn nuôi phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu rà soát, lập bản đồ gia súc chết rét để chủ động phòng chống trước mùa đông 2014”.

(Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám)

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm