Gia đình bà Nông Thị Vệ, xóm Huyền Du là một trong những hộ chăn nuôi lợn lớn ở thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang với 6 lợn nái, 60 - 70 lợn thịt/lứa. Công tác phòng chống dịch được gia đình thực hiện rất chặt chẽ, chuồng trại được phun khử khuẩn thường xuyên, hạn chế người ngoài ra vào trại.
Bà Vệ chia sẻ: Với những hộ chăn nuôi lớn như gia đình tôi, chỉ một chút chủ quan, lơ là sẽ dẫn đến dịch bệnh, gây thiệt hại lớn. Chuồng trại của gia đình cũng từng bị dịch tả lợn Châu Phi nên cũng đã có thêm nhiều kinh nghiệm để phòng, chống dịch.
Hiện khu chuồng trại của gia đình rộng hơn 300m2, chia thành nhiều ô chuồng, có thể nuôi tối đa hơn 100 con lợn thịt. Tuy nhiên, giá lợn hiện nay chỉ khoảng 45 - 50 nghìn đồng/kg, trong khi giá thức ăn ngày càng tăng cao gây khó khăn cho các hộ chăn nuôi muốn mở rộng quy mô đàn.
Không chỉ với những hộ chăn nuôi quy mô lớn, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, kể cả ở những vùng sâu, vùng xa cũng dần ý thức hơn về công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi.
Ông Hoàng Tòn Nhậy, xóm Lũng Rảo, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình tâm sự: Cả xóm có 62 hộ dân thì đa số các hộ đã tái đàn lợn, chủ yếu là nuôi giống lợn đen bản địa. Sau mấy năm dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh, người dân trong xóm đã quan tâm đến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Rắc vôi bột, phun khử trùng chuồng trại trước khi tái đàn. Con giống cũng chọn ở những khu vực không có dịch để đảm bảo an toàn.
Bà Hoàng Thị Hòa, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) thông tin: Do làm tốt công tác chỉ đạo, tuyên truyền nên từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện không có ổ dịch tả lợn Châu Phi tái phát. Các hộ chăn nuôi đã tổng vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại trước khi tái đàn.
Đến nay, đàn lợn của huyện đạt gần 32.000 con. Tuy nhiên, do đều là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ nên nguy cơ bùng phát dịch tả lợn Châu Phi trở lại vẫn là cao nếu các hộ chăn nuôi chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh.
Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Cao Bằng, dịch tả lợn Châu Phi làm mắc và tiêu hủy hơn 400 con lợn với tổng trọng lượng hơn 17 tấn. Từ tháng 5 đến nay, dịch bệnh tả lợn Châu Phi đã hết, không phát sinh ổ dịch mới.
Ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Cao Bằng cho biết: Địa phương vẫn chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức nông hộ. Số lượng chuồng trại chăn nuôi lớn, chuyên nghiệp theo quy mô hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư còn hạn chế.
Do đó, dịch bệnh tả lợn Châu Phi từ khi nổ ra đã lây lan ra diện rộng và hàng năm vẫn âm ỉ bùng phát nếu người dân không đảm bảo các yếu tố an toàn, phòng chống dịch bệnh như khuyến cáo.
Đối với dịch tả lợn Châu Phi, biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh hữu hiệu nhất vẫn là việc nâng cao ý thức của các hộ chăn nuôi. Nhiều địa phương đang làm tốt việc tuyên truyền người dân đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, tiến hành vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột khử khuẩn khu chuồng trại và các khu vực xung quanh rồi mới tiến hành tái đàn.
Tuy nhiên, việc đầu tư chuồng trại khép kín cần nguồn vốn lớn, diện tích đất chăn nuôi rộng, mà nhiều hộ chăn nuôi lại thuộc hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn nên để làm được không phải điều đơn giản.
Thời gian tới, các địa phương cần tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi theo hướng dẫn của chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT cùng các ngành liên quan.
Nêu cao trách nhiệm của hệ thống cán bộ thú y cấp xã, cơ sở để báo cáo dịch bệnh kịp thời. Người chăn nuôi tuyệt đối không được dấu dịch mà phải báo cáo sớm cho chính quyền địa phương biết để có biện pháp xử lý, hạn chế dịch bệnh tiếp tục lây lan, ông Đạt cho biết thêm.