| Hotline: 0983.970.780

Cây hồi, từ phận 'vất vơ' thành cây làm giàu

Thứ Năm 26/05/2022 , 07:35 (GMT+7)

CAO BẰNG Từng là cây trồng chỉ để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, không ai để tâm chăm sóc, ngày nay, cây hồi đã giúp bà con ở miền núi phía Bắc làm giàu.

Trồng hồi phủ xanh đất trống, đồi núi trọc

Cây hồi được trồng rải rác ở nhiều địa phương của tỉnh Cao Bằng từ lâu đời. Nhưng phải đến đầu những năm 1990, cây hồi mới được đưa vào trồng tại các huyện: Trà Lĩnh cũ (nay sát nhập là huyện Trùng Khánh), Thạch An, Bảo Lạc, Bảo Lâm… theo các dự án trồng rừng PAM, các chương trình 30a, 135.

Qua giới thiệu, chúng tôi tìm về xã Cao Chương, huyện Trà Lĩnh (cũ), nay sát nhập là huyện Trùng Khánh,  một trong những địa phương có diện tích trồng hồi lớn và lâu đời nhất ở tỉnh Cao Bằng.

Tán cây hồi khá dày và rộng, không chỉ là cây cho thu nhập từ hoa rất có giá trị mà còn có ý nghĩa rất lớn nhằm nâng cao độ che phủ và chất lượng rừng. Ảnh: Công Hải.

Tán cây hồi khá dày và rộng, không chỉ là cây cho thu nhập từ hoa rất có giá trị mà còn có ý nghĩa rất lớn nhằm nâng cao độ che phủ và chất lượng rừng. Ảnh: Công Hải.

Bài liên quan

Ông Lã Văn Cành ở xóm Đoỏng Giài, nguyên chủ tịch xã Cao Chương trầm ngâm: Thời đó nhiều diện tích đất đồi, đất rừng còn bỏ trống. Thực hiện chương trình giao đất giao rừng, mỗi hộ dân được giao nhận từ 3 - 4 ha rừng, một số hộ được giao 7 - 8 ha. Đầu những năm 1990, Nhà nước hỗ trợ cây giống trồng rừng, trong đó có cây hồi theo chương trình PAM. Từ năm 1997 - 2000 là giai đoạn diện tích hồi được trồng nhiều nhất.

Tuy nhiên, thời điểm đó người dân đa số đều chưa biết trồng hồi đúng quy trình, nơi trồng dày quá, nơi lại trồng thưa quá. Ngoài ra, giá trị hoa hồi thời điểm hơn 20 năm trước cũng chưa cao nên người dân chỉ coi cây hồi như cây rừng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc và gần như không hề chăm sóc.

Ông Thang Văn An, Chủ tịch UBND xã Cao Chương thông tin: Nhận thấy hồi là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao…, cấp ủy, chính quyền xã đã đưa cây hồi vào chiến lược phát triển kinh tế của xã và định hướng trở thành cây trồng mũi nhọn trong giảm nghèo tại địa phương.

Thông qua các chương trình, dự án, xã đã phối hợp với huyện đầu tư cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồi, tuyên truyền, vận động nông dân mở rộng diện tích trồng hồi.

Nhờ trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, rừng hồi ở xóm Đoỏng Giài, xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh phát triển rất tốt. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nhờ trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, rừng hồi ở xóm Đoỏng Giài, xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh phát triển rất tốt. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đến nay, hầu hết các xóm trong xã đều có diện tích trồng hồi nhưng tập trung nhiều tại các xóm: Bản Pát, Đoỏng Giài, Tài Nam, Tân Lập, Sơn Lộ... với tổng diện tích trên 600 ha, trong đó có gần 500 ha đang cho thu hoạch với năng suất hoa hồi đạt bình quân 3 - 4 tấn/ha, sản lượng bình quân từ 1.300 - 1.500 tấn hồi tươi, thu nhập hằng năm từ hoa hồi toàn xã đạt 30 - 40 tỷ đồng.

Ông Hà Minh Hải, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trùng Khánh cho biết: Cây hồi là một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Từ cây trồng bị người dân coi như cây rừng, vài năm gần đây, khi giá hoa hồi tăng cao và ổn định, người dân đã tự ý thức được việc đầu tư công chăm sóc, bón phân để cây phát triển tốt từ khi trồng đến khi cho thu hoạch.

Diện tích cây hồi của toàn huyện hiện nay hơn 1.000 ha, trong đó, có khoảng 90% diện tích đang cho thu hoạch. Hằng năm, sản lượng bình quân hoa hồi tươi của huyện đạt khoảng 2.500 - 3.000 tấn, tập trung chủ yếu ở các xã Cao Chương, Xuân Nội và Thị trấn Trà Lĩnh.

Mỗi năm, cây hồi đem lại tổng thu nhập trung bình tư 50 - 70 tỷ đồng cho người dân. Từ trồng hồi, nhiều hộ gia đình có thu nhập trung bình từ 20 - 30 triệu đồng/năm, nhiều hộ dân có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm. Cây hồi đã thực sự đem lại thu nhập cao, làm đổi thay cuộc sống của nhiều hộ dân huyện Trùng Khánh.

Hàng năm, huyện phối hợp với Ban quản lý Rừng phòng hộ sông Quây Sơn triển khai trồng mới, trồng thay thế các diện tích cây hồi đã già cỗi, kém năng suất. Từ nhiều nguồn, huyện Trùng Khánh cũng bố trí hỗ trợ người dân cây giống, phân bón để tiếp tục mở rộng diện tích trồng hồi.

Đưa cây hồi thành cây hành hóa giá trị cao

Nói đến cây hồi, Thạch An là huyện đang phát triển mạnh và có diện tích lớn nhất tỉnh Cao Bằng. Hiện nay, huyện Thạch An có 2.560 ha hồi, tập trung tại các xã: Vân Trình, Đức Xuân, Lê Lai, Thụy Hùng, Đức Long, Quang Trọng, Thị trấn Đông Khê…

Hiện nay, hồi là cây trồng mang lại thu nhập chủ lực cho bà con ở vùng cao tỉnh Cao Bằng, nhiều nơi bà con giàu lên nhờ cây trồng này. Ảnh: Công Hải.

Hiện nay, hồi là cây trồng mang lại thu nhập chủ lực cho bà con ở vùng cao tỉnh Cao Bằng, nhiều nơi bà con giàu lên nhờ cây trồng này. Ảnh: Công Hải.

Vụ hồi năm 2021, ông Hoàng Văn Siến ở xóm Lũng Mằn, xã Vân Trình được mùa lớn. Hơn 4 ha hồi của ông đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng nhờ giá hồi cao, ổn định ở cả chính vụ và trái vụ.

Ông Siến phấn khởi tâm sự: "Nhờ trồng hồi, cuộc sống gia đình tôi thay đổi nhiều lắm. Từ diện tích nhỏ lẻ ban đầu, đến nay với 4 ha đất trồng hồi, trong đó hơn 3 ha cho thu hoạch đã đem lại thu nhập trung bình từ 80 đến hơn 100 triệu đồng/năm. Nhờ cây hồi mà gia đình tôi đã xây được nhà, đời sống ngày càng được nâng cao hơn".

Trồng cây hồi khá đơn giản, chỉ phải bỏ công chăm sóc, bảo vệ lúc cây còn nhỏ; khi cây đã phát triển cao hơn 1m thì không tốn nhiều công chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh như một số loại cây trồng khác mà hiệu quả kinh tế tương đối ổn định và cho thu hoạch lâu dài. Mỗi năm hồi ra hoa 2 lần kế tiếp nhau.

Đợt hoa đầu tiên từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 7, gọi là hoa vụ tứ quý và vụ kế tiếp cho thu hoạch vào tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau. Đợt hoa thứ hai nở tiếp ngay sau lứa đầu, khoảng tháng 8 - 9 sẽ cho thu hoạch, gọi là vụ hồi mùa. Sau khi thu hoạch hồi, bà con trong xã chủ yếu bán tươi cho các tiểu thương từ Thành phố Cao Bằng và Lạng Sơn đến thu gom.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ hoa hồi đã rất thuận lợi. Ảnh: TN.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ hoa hồi đã rất thuận lợi. Ảnh: TN.

"Giá hoa hồi mấy năm gần đây khá cao. Giá hoa tươi trung bình từ 30 nghìn - 45 nghìn đồng/kg, hoa hồi trái vụ có những thời điểm lên đến 80 - 90 nghìn đồng/kg. Tình trạng hoa hồi bị ứ đọng, bị tư thương ép giá cũng đã không còn diễn ra như những năm trước", ông Siến cho biết thêm.

Bà Hoàng Thị Duyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng cho biết: Cây hồi ngoài giá trị kinh tế cao từ sản phẩm hoa hồi thì còn là cây lâm nghiệp có giá trị phủ xanh đất trống, đồi núi trọc ở nhiều địa phương của tỉnh Cao Bằng.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ đầu tư thâm canh diện tích trồng hồi hiện có trong khu vực rừng sản xuất, cải tạo rừng hồi già, việc trồng xen bổ sung, trồng mới tại những diện tích đất trống trong rừng hồi, đất đồi kém hiệu quả cũng được quan tâm.

Thời gian qua, các quy trình từ chọn giống, ươm cây, quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch cũng được các cấp, ngành tuyên truyền đến tận từng hộ dân để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hồi. Người dân đã chịu khó phát rừng hồi mỗi năm 1- 2 lần, bón phân để cây phát triển tốt, nhờ đó sản lượng hồi cũng tăng cao, không còn tình trạng phụ thuộc vào thời tiết như trước đây.

Để nâng cao giá trị, cần thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm từ hoa hồi. Ảnh: CH.

Để nâng cao giá trị, cần thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm từ hoa hồi. Ảnh: CH.

Theo thống kê, diện tích hồi toàn tỉnh Cao Bằng đến nay hơn 5.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Thạch An, Bảo Lạc, Trùng Khánh, Bảo Lâm. Hàng năm, sản lượng hồi vẫn chủ yếu là bán hoa hồi tươi, khô cho các thương lái trong và ngoài tỉnh thu mua vận chuyển xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ngoài ra, tại huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, nhiều tổ hợp tác, hộ dân đã đầu tư máy chiết xuất tinh dầu từ lá hồi, đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Có sản phẩm tinh dầu hồi đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, được đánh giá tốt về chất lượng.

Ông Nguyễn Ngọc Truân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Bằng cho biết: Thổ nhưỡng của Cao Bằng rất phù hợp với cây hồi. Những năm tới, cây hồi vẫn là một trong những cây lâm nghiệp đa tác dụng, chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương.

Có thể thấy, giá trị của hoa hồi, lá hồi nếu qua chế biến sẽ cao hơn hẳn bán sản phẩm tươi nhưng số lượng các hộ dân, tổ hợp tác tham gia chế biến còn nhỏ lẻ. Cùng với đó, sản phầm hồi trên địa bàn tỉnh hiện nay phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.

Với những tiềm năng của cây hồi, ngoài việc mở rộng diện tích, tỉnh Cao Bằng thời gian tới cần kêu gọi các nhà đầu tư để xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây hồi. Tập trung chế biến sâu từ hồi, nếu có nhà máy sẽ giúp bao tiêu toàn bộ sản lượng hồi, qua đó, giúp người trồng được hưởng lợi, có đầu ra ổn định, bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các nước, góp phần đem lại thu nhập cao cho người trồng hồi.

Xem thêm
Lợi ích của trồng rừng đạt chứng chỉ FSC

Chứng chỉ rừng FSC giúp tăng giá trị của sản phẩm và mặt hàng từ 20 - 30% so với những sản phẩm cùng loại, góp phần khai mở kiến thức người trồng rừng...

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.