| Hotline: 0983.970.780

Mô hình khuyến nông đưa nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật

Chủ Nhật 22/05/2022 , 00:13 (GMT+7)

Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tỉnh Cao Bằng triển khai thí điểm nhiều mô hình sản xuất mới hiệu quả kinh tế cao chuyển giao cho nông dân.

Bàn giao giống lợn Hương cho người dân huyện Hà Quảng. Ảnh: Công Hải.

Bàn giao giống lợn Hương cho người dân huyện Hà Quảng. Ảnh: Công Hải.

Với mục tiêu tận dụng diện tích dưới tán rừng để trồng cây dược liệu nhằm tăng thu nhập cho người dân, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng phối hợp với UBND xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình triển khai mô hình trồng cây dược liệu - cây cát sâm tại xóm Cảm Tẹm.

Mô hình triển khai với quy mô 4 ha, có 10 hộ nông dân tham gia. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cây giống, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Sau 5 tháng trồng, cây cát sâm có tỷ lệ mọc trên 95%, sinh trưởng, phát triển tốt. Cát sâm từ khi trồng đến thu hoạch kéo dài từ 3 - 5 năm, năng suất củ tươi thu được năm thứ 5 dự kiến đạt 15 - 20 tấn/ha.

Giá bán củ cát sâm tươi hiện nay từ 80 - 100 nghìn đồng/kg. Mô hình mở ra hướng đi mới cho địa phương nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tận dụng đất dưới tán rừng hiện có trên địa bàn và tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân.

Anh Lý Văn Cát, xóm Cảm Tẹm, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình) chia sẻ: Từ khi tham gia mô hình trồng cây cát sâm, do cây hợp đất, hợp khí hậu miền đồi núi nên vườn cát sâm phát triển tốt. Sau khoảng 3 năm cây cát sâm sẽ cho thu hoạch, đem lại thu nhập cao cho gia đình tôi và các hộ dân khác tham gia trồng.

Mô hình đậu tương DT90 phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, năng suất cao hơn giống địa phương. Ảnh: Công Hải.

Mô hình đậu tương DT90 phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, năng suất cao hơn giống địa phương. Ảnh: Công Hải.

Mô hình trồng đậu tương DT90 gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm được thực hiện tại một số xóm ở xã Quang Long, huyện Hạ Lang quy mô 10 ha, với 50 hộ tham gia. Mô hình hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ.

Sau 4 tháng thực hiện, giống đậu tương DT90 sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, chịu hạn, năng suất đạt 2 tạ/ha. So sánh hiệu quả kinh tế với giống địa phương trên cùng diện tích 1.000 m2, giống đậu tương DT90 thu được 200 kg, trong khi giống địa phương chỉ thu được hơn 110 kg.

Với giá đậu tương thương phẩm trên thị trường hiện nay khoảng 17 nghìn đồng/kg, trồng đậu tương DT90 sau khi trừ chi phí thu được hơn 6,2 triệu đồng/ha, trong khi giống địa phương thu 2,8 triệu đồng/ha. Mô hình đậu, đỗ gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm giúp bà con tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập.

Ngoài 2 mô hình trên, Trung tâm triển khai nhiều mô hình khuyến nông khác đem lại hiệu quả cao. Mô hình nuôi cá bỗng trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 - 2023 tại 2 xã Mỹ Hưng và Tiên Thành, huyện Quảng Hòa. Hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 70% con giống và thức ăn, chế phẩm sinh học.

Đến nay, Trung tâm cấp 9.000 con cá bỗng giống, 1.750 kg thức ăn công nghiệp và 15 kg thức ăn thảo dược bổ sung cho các hộ. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục theo dõi, hỗ trợ các hộ tham gia về kỹ thuật chăm sóc và quản lý nuôi cá đúng theo kế hoạch, đảm bảo yêu cầu.

Mô hình nuôi cá bỗng trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm tại xã Mỹ Hưng (Quảng Hòa). Ảnh: Công Hải.

Mô hình nuôi cá bỗng trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm tại xã Mỹ Hưng (Quảng Hòa). Ảnh: Công Hải.

Cùng với đó, từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, Trung tâm triển khai mô hình, dự án chăn nuôi lợn đực nội, ngoại sản xuất tinh giống phục vụ tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi tại huyện Hạ Lang, quy mô 8 con với 2 hộ tham gia; chăn nuôi cá nheo Mỹ tại huyện Hà Quảng, quy mô 2.500 m2 với 2 hộ tham gia.

Mô hình trồng thâm canh cây lê tại huyện Thạch An, quy mô 4 ha với 20 hộ tham gia; trồng mới cây lê VH6 theo hướng an toàn tại huyện Bảo Lâm, quy mô 6 ha với 30 hộ tham gia... Phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam triển khai Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo vườn tạp hiệu quả, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững ở một số tỉnh phía Bắc” giai đoạn 2019 - 2021, quy mô 25 ha tại 2 huyện: Trùng Khánh, Hòa An.

Mô hình chăn nuôi lợn Hương, lợn Táp Ná để nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc miền núi giai đoạn 2020 - 2021, quy mô 178 con lợn tại Thành phố và huyện Hà Quảng; phối hợp với Viện Chăn nuôi triển khai Dự án khai thác và phát triển nguồn gen lợn Hương tại Trại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản giai đoạn 2016 - 2021; Dự án thử nghiệm và hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi giai đoạn 2019 - 2021…

Mô hình chăn nuôi lợn Hương, lợn Táp Ná đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Ảnh: Công Hải.

Mô hình chăn nuôi lợn Hương, lợn Táp Ná đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Ảnh: Công Hải.

Ông Đàm Đức Phúc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng cho biết: Hàng năm, Trung tâm phối hợp với cơ quan chuyên môn từ huyện đến xã khảo sát, lựa chọn các mô hình gắn với nhu cầu thực tế của nông dân, phù hợp với định hướng phát triển, tái cơ cấu của ngành nông nghiệp tỉnh.

Chú trọng công tác tập huấn ngoài hiện trường; đội ngũ cán bộ kỹ thuật “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn các kỹ thuật thực tế tại đồng ruộng cho người dân. Thông qua các lớp tập huấn, người dân có cơ hội được giao lưu học hỏi, tiếp thu các kiến thức kỹ thuật mới trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Các mô hình khuyến nông được thực hiện theo chuỗi giá trị, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đồng thời tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tạo sản phẩm an toàn. Thực tế triển khai cho thấy các mô hình đều hoạt động tốt, hiệu quả cao, giúp nông dân giảm công lao động, chi phí sản xuất, tăng thu nhập và đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. 

Nhờ các giải pháp thiết thực, thông qua các mô hình khuyến nông, Trung tâm đã đưa các tiến bộ khoa học công nghệ đến gần với người dân; giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi. Vì vậy, mặc dù các mô hình khuyến nông đã kết thúc nhưng đa số các mô hình hiện vẫn được nhiều hộ dân duy trì thực hiện và mở rộng sản xuất, ông Phúc cho biết thêm.

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.