| Hotline: 0983.970.780

Cây dẻ không... 'hạt dẻ'!

Thứ Tư 01/06/2022 , 08:35 (GMT+7)

CAO BẰNG Người ta hay nói lóng những thứ giá rẻ là 'hạt dẻ', nhưng hạt dẻ thực sự rất có giá, chứ không... 'hạt dẻ' chút nào.

Cây dẻ có thể trồng bằng hạt hoặc phương pháp chiết, ghép. Ảnh: Công Hải.

Cây dẻ có thể trồng bằng hạt hoặc phương pháp chiết, ghép. Ảnh: Công Hải.

Loại hạt cực kỳ "đỏng đảnh"

Hạt dẻ còn gọi là “mác lịch” (theo tiếng Tày), được ví như quà tặng của đất trời cho tỉnh Cao Bằng. Từ bao đời nay, hạt dẻ đã gắn bó mật thiết và là thứ đặc sản nổi tiếng nhất của người Tày, Nùng ở vùng biên giới phía Bắc này.

Cây dẻ là cây thân gỗ nhỡ, tán tròn, xòe rộng, chủ yếu cho thu hoạch hạt. Chiều cao của cây mọc tự nhiên khoảng 10m. Đối với cây trồng, chiều cao chỉ khoảng 3 - 6m để tiện thu hái.

Cây dẻ được nhân giống bằng cách gieo hạt, chiết cành, ghép cành. Phương pháp chiết cành và ghép cành luôn là cách tối ưu nhất vì cây sinh trưởng nhanh, khỏe và cho thu hoạch sớm hơn. Phương pháp gieo hạt chỉ áp dụng chủ yếu cho vườn ươm cây giống. Cây dẻ là loài cây có thể chịu hạn rất tốt.

Đối với khu vườn rừng trồng dẻ, nên trồng với mật độ cây cách cây 7m, hàng cách hàng 10m. Có thể trồng hàng vuông hoặc trồng so le tùy theo địa hình của khu vườn. Cây dẻ thích hợp với nhiều loại đất, nhưng để cây dẻ sinh trưởng tốt nhất, nên trồng cây ở nơi đất thịt  phì nhiêu, màu mỡ, thoát nước tốt.

Muốn cây dẻ cho năng suất hạt cao, cần chú ý cách bón phân hợp lý. Lượng phân bón phù hợp với độ tuổi của cây và độ phì nhiêu của đất. Cây càng to, càng nhiều tuổi lượng phân bón càng nhiều, nếu đất giàu dinh dưỡng nên bón ít phân lân và tăng tỷ lệ phân chuồng

Quả dẻ hình tròn, được bao phủ bởi một lớp gai mềm chi chít bên ngoài. Ảnh: Công Hải.

Quả dẻ hình tròn, được bao phủ bởi một lớp gai mềm chi chít bên ngoài. Ảnh: Công Hải.

Khi cây dẻ bắt đầu bói quả, cần bón tăng lượng phân lên và bón thêm cả phân chuồng để chất lượng quả và hạt chắc, mẩy hơn, nặng cân hơn, từ đó tăng năng suất, bán được giá cao hơn. Thời điểm phát triển tốt nhất, mỗi cây dẻ có thể cho thu hoạch từ 40 - 50 kg hạt.

Quả dẻ có hình cầu, được bao phủ bởi một lớp gai mềm chi chít ở bên ngoài rất giống quả chôm chôm nhưng khác nhau về màu sắc. Quả non có màu xanh, khi già chín vỏ chuyển màu nâu và nứt vỏ, nếu không thu hái kịp thời hạt sẽ rụng đi.

Hạt dẻ chín rộ vào thời điểm mùa thu, khoảng từ cuối tháng 9 đến hết tháng 10 hàng năm. Dẻ Trùng Khánh là loại hạt cực kỳ “khó tính”. Trái chín rồi rơi xuống đất để chậm vài ngày sẽ tự thối rữa và nảy mầm. Mỗi quả dẻ sẽ có từ 2 - 3 hạt to bằng ngón chân cái. Khi quả dẻ nứt ra cũng là lúc thu hái hạt dẻ, hạt có màu nâu bóng, nhẵn, cứng bên trong chứa nhân màu vàng nhạt. Hạt dẻ có vị ngọt, bùi, thơm, béo ngậy. 

Sau khi tách hạt, dùng dao hoặc kéo cắt đầu hạt thành hình chữ thập. Đem luộc sơ qua từ 40 - 45 phút, để ráo nước rồi đem rang qua chảo, khi thấy mùi thơm là có thể ăn được. Hạt dẻ Trùng Khánh có vị thơm, ngọt, bùi đặc trưng không lẫn với bất cứ loại hạt dẻ nào khác.

Trồng dẻ, "đẻ" ra tiền

Ông Hoàng Văn Sài ở Thị trấn Trùng Khánh (huyện Trùng Khánh) chia sẻ: Gia đình ông trồng dẻ từ đầu năm 2000. Mới đầu trồng thử vài cây rồi tăng dần diện tích. Đến nay, nhà ông trồng hơn 7.000 m2 (hơn 70 cây). Mỗi năm, gia đình ông thu trung bình 5 tạ đến hơn 1 tấn hạt dẻ, giá bán từ 120 - 140 nghìn đồng/kg, thu nhập từ 70 đến hơn 100 triệu đồng.

Người dân Thị trấn Trùng Khánh thu hoạch hạt dẻ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Người dân Thị trấn Trùng Khánh thu hoạch hạt dẻ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Khi vào mùa thu hoạch, phải biết nhìn quả dẻ nở to, gai đổi sang màu vàng là bẻ về để lấy hạt, chứ không để rụng mới nhặt. Dẻ Trùng Khánh là đặc sản nổi tiếng, có hương vị riêng biệt đặc trưng nên từ nhiều năm nay ít khi phải mang ra chợ bán. Cứ đến vụ dẻ chín là khách quen vào tận vườn mua hoặc gọi điện gửi ra Thành phố Cao Bằng, đi các tỉnh, thành phố làm quà biếu.

Anh Hoàng Văn Đức, xã Phong Châu (Trùng Khánh) là một trong những thanh niên đi đầu trong phát triển trồng dẻ ở huyện Trùng Khánh. Anh Đức tâm sự: Từ năm 2016, được dự một số lớp tập huấn về trồng dẻ của huyện Trùng Khánh, anh thấy tiềm năng phát triển, đầu ra ổn định và đất đai địa phương phù hợp trồng cây dẻ.

Năm 2017, Phòng NN-PTNT huyện cấp cây giống, anh Đức cải tạo khoảng 1 ha đất đồi để trồng dẻ. Anh áp dụng đúng theo kỹ thuật được tập huấn, cứ đầu năm bón lót phân NPK. Đến nay, gần 100 cây dẻ của anh đang phát triển rất tốt, dự kiến khoảng 3 - 4 năm nữa sẽ bắt đầu cho thu hoạch quả. Trồng dẻ ngoài lấy quả còn giúp giữ đất, góp phần phủ xanh diện tích rừng nên thời gian tới, anh sẽ thuê thêm đất để mở rộng diện tích.

Đến nay, toàn huyện Trùng Khánh có gần 300 ha trồng dẻ, trong đó có gần 200 ha cho thu hoạch, tập trung tại các xã nằm trong vùng được cấp chỉ dẫn địa lý như: Khâm Thành, Phong Châu, Chí Viễn, Thị trấn Trùng Khánh… Năng suất bình quân đạt 22 tạ/ha, sản lượng dẻ mỗi năm khoảng 130 - 160 tấn, thu nhập đạt khoảng 200 - 250 triệu đồng/ha...

Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Trùng Khánh chia sẻ về cách trồng, chăm sóc cây dẻ cho người dân. Ảnh: Công Hải.

Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Trùng Khánh chia sẻ về cách trồng, chăm sóc cây dẻ cho người dân. Ảnh: Công Hải.

Ông Hà Minh Hải, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trùng Khánh thông tin: Nếu trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, cây dẻ ghép sẽ cho thu hoạch từ năm thứ 5 - 6, còn dẻ trồng từ hạt sẽ cho thu hoạch từ năm thứ 8 - 9. Cây dẻ có thể cho quả vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Với giá bán hiện nay từ 120 - 140 nghìn đồng/kg, nếu mỗi hộ dân trồng từ vài chục đến hàng trăm cây sẽ cho thu nhập từ vài chục triệu đến hơn 200 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, trồng dẻ ngoài chăm sóc đúng kỹ thuật thì còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên sản lượng không ổn định từng năm. Có năm thời tiết thuận lợi quả sai nhưng có năm mưa nhiều quá lại mất mùa.

Hạt dẻ Trùng Khánh là đặc sản nổi tiếng với vị thơm, ngọt, bùi đặc trưng. Ngoài giá trị kinh tế cao, dẻ còn là cây lâm nghiệp giữ màu xanh của rừng rất tốt.

Cây dẻ là loại cây ăn quả cũng là loài cây lâm nghiệp. Không chỉ cho hạt dẻ có giá trị kinh tế cao, cây dẻ hiện nay còn góp phần phủ xanh nhiều diện tích đất đồi trống. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng dẻ.

Một thời bị bỏ "vất vơ"

Đã có thời điểm, loài cây đặc sản quý hiếm này của huyện Trùng Khánh được mở rộng diện tích đến hơn 500ha. Nhưng sau đó, khi tỉnh Cao Bằng chủ trương đưa dẻ vào chương trình 5 triệu ha rừng thì cây đặc sản bị xem là cây rừng và từng bước rơi vào tình trạng suy giảm.

Hạt dẻ Trùng Khánh có giá trị kinh tế cao, là món quà đặc sản nổi tiếng ở Cao Bằng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hạt dẻ Trùng Khánh có giá trị kinh tế cao, là món quà đặc sản nổi tiếng ở Cao Bằng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Không ít doanh nhân Cao Bằng ôm giấc mơ sản xuất chế biến rượu hạt dẻ, bột dinh dưỡng hạt dẻ, mứt hạt dẻ, mật hoa dẻ… nhưng đều thất bại. Nên dù Trùng Khánh còn khá nhiều đất trống, đồi núi trọc có điều kiện phát triển loài cây đặc sản này, người dân vẫn không muốn trồng thêm.

Nhiều năm liền, trong các báo cáo đề ra phương hướng phát triển kinh tế của huyện cũng lờ đi, không có một dòng nào đề cập đến dẻ, loại cây đặc sản có đủ điều kiện trở thành mũi nhọn phát triển thành sản phẩm hàng hóa của địa phương.

Trong khi đó, chỉ cách một dòng sông, bên nước bạn Trung Quốc, cây dẻ Trùng Khánh không ngừng được mở rộng diện tích và canh tác theo một quy trình kỹ thuật bài bản, cho trái chín quanh năm, được bảo quản được rất lâu.

Đặc biệt giá quá rẻ, hạt dẻ Trùng Khánh "nhái” đã và đang áp đảo thị trường hạt dẻ ở Việt Nam. Do vậy, vào mùa thu hoạch hạt dẻ, dù ở Hà Nội hay ngay ở Thành phố Cao Bằng, hạt dẻ được bày bán khắp nơi, nhưng khó ai mua được hạt dẻ Trùng Khánh chính hiệu.

Cây dẻ là loại cây đa mục tiêu, vừa lấy hạt rất có giá trị, lại giúp phủ xanh đất rừng, đất đồi rất tốt. Ảnh: Công Hải.

Cây dẻ là loại cây đa mục tiêu, vừa lấy hạt rất có giá trị, lại giúp phủ xanh đất rừng, đất đồi rất tốt. Ảnh: Công Hải.

Nhằm phát huy thế mạnh và nâng cao giá trị kinh tế của loại cây này, những năm gần đây, huyện Trùng Khánh đã đưa cây dẻ là cây trồng mũi nhọn. Từ năm 2017 đến nay, huyện hỗ trợ cấp phát hơn 10.000 cây giống, trồng mới hơn 150 ha dẻ. Riêng vụ năm 2020 - 2021, huyện trồng mới 65 ha dẻ. Giao chỉ tiêu về cho các xã nằm trong vùng được cấp chỉ dẫn địa lý mỗi năm trồng mới 10 - 20 ha.

Tỉnh Cao Bằng đã có nhiều giải pháp mở rộng diện tích trồng cây dẻ, đặc biệt là tại huyện Trùng Khánh. Tỉnh xác định từ nay đến năm 2030 sẽ hình thành vùng sản xuất cây dẻ tại huyện Trùng Khánh với quy mô lên tới 1.000 ha.

Huyện Trùng Khánh có hơn 35.000 ha đất có rừng, trong đó hơn 33.000 ha đất rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng đạt 51%. Phát triển rừng bằng các cây trồng đa mục tiêu, điển hình như cây dẻ sẽ góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế, thu nhập cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.