| Hotline: 0983.970.780

Chủ động nguyên liệu phục hồi sản xuất ngành gỗ

Thứ Ba 28/09/2021 , 15:10 (GMT+7)

Các doanh nghiệp ngành gỗ, nhất là ở các tỉnh phía Nam đang chuẩn bị phục hồi lại sản xuất, trong đó có khâu quan trọng là gỗ nguyên liệu.

Các doanh nghiệp ngành gỗ đang chuẩn bị phục hồi sản xuất sau giãn cách xã hội. Ảnh: Thanh Sơn.

Các doanh nghiệp ngành gỗ đang chuẩn bị phục hồi sản xuất sau giãn cách xã hội. Ảnh: Thanh Sơn.

Do ảnh hưởng của giãn cách xã hội kéo dài tại các tỉnh phía Nam, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 8 và tháng 9 bị giảm mạnh. Cụ thể, trong tháng 8, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 811,5 triệu USD, giảm 30,2% so với tháng 8/2020. Trong nửa đầu tháng 9, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 307 triệu USD, giảm khoảng 43% so với nửa đầu tháng 9/2020.

Nhằm nhanh chóng phục hồi xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu thường tăng cao trong những tháng cuối năm của các thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp chế biến gỗ đang tích cực chuẩn bị phục hồi lại sản xuất sau giãn cách xã hội.

Một trong những yêu cầu hàng đầu để sớm phục hồi sản xuất là chuẩn bị nguồn gỗ nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu này không chỉ phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu trong những tháng cuối năm mà cả đầu năm 2022.

Theo TS Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5,5-6 triệu m3 quy tròn gỗ nguyên liệu là gỗ tròn và gỗ xẻ. 8 tháng đầu năm 2021, lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam đạt khoảng 4 triệu m3 quy tròn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhập khẩu các loại ván nhân tạo, chủ yếu là ván dăm, ván sợi và gỗ dán, với lượng nhập từ 1,3 - 1,7 triệu m3/năm. 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu ván nhận tạo đạt 1,4 triệu m3, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2020.

Điều đáng chú ý là do cước vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng một số nguyên nhân khác, nhìn chung giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu đã tăng khá nhiều so với năm ngoái, nhất là gỗ ôn đới. Cụ thể, về gỗ tròn, trong 8 tháng qua, giá nhập khẩu trung bình của gỗ óc chó, gỗ thông nhập từ Mỹ tăng 21%-22%; giá nhập khẩu gỗ sồi và tần bì từ EU tăng từ 1%-6%. Về gỗ xẻ: giá gỗ thông xẻ nhập từ Úc tăng 24%, nhập từ New Zealand tăng 22%; giá gỗ dương xẻ nhập từ Mỹ tăng 36%, trong khi gỗ trăn tăng 23%; giá nhập trung bình gỗ dẻ gai xẻ từ EU tăng 8%, còn gỗ sồi xẻ tăng 21%.

Do giá nhập khẩu gỗ tăng cao nên 8 tháng qua, trong khi lượng gỗ nhập khẩu tăng 14% thì giá trị nhập khẩu lại tăng tới 34% và đã đạt hơn 2 tỷ USD. Trong đó, đáng lo ngại nhất là sự tăng giá mạnh của gỗ ôn đới, vì gỗ nguyên liệu được nhập từ các vùng ôn đới đóng vai trò quan trọng đối với việc duy trì và mở rộng xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam, khi chiếm trên 56% tổng lượng gỗ nhập khẩu mỗi năm và hầu hết được dùng để chế biến, xuất khẩu. Một trong những nguyên nhân chính khiến cho giá gỗ ôn đới nhập khẩu tăng cao là do nhu cầu tăng lên ngay tại thị trường nội địa của những nguồn cung cấp chính, nhất là Mỹ và EU.

Mỗi năm ngành gỗ nhập khẩu 5,5 - 6 triệu m3 gỗ nguyên liệu. Ảnh: TL.

Mỗi năm ngành gỗ nhập khẩu 5,5 - 6 triệu m3 gỗ nguyên liệu. Ảnh: TL.

Tuy giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, nhưng lượng nhập khẩu vẫn tăng khá trong 8 tháng qua, cho thấy nhu cầu gỗ nguyên liệu cho ngành gỗ đang ngày càng tăng mạnh. TS Tô Xuân Phúc cho biết, mặc dù nguồn cung gỗ nguyên liệu nội địa lớn, cung từ nguồn này không đủ để đáp ứng các yêu cầu đa dạng về chủng loại và chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng như sản phẩm tiêu dùng nội địa. Gỗ nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm gỗ tròn, gỗ xẻ và các loại ván đã trở thành nguồn cung đầu vào quan trọng cho các doanh nghiệp trong ngành gỗ.

Nhưng thách thức lớn nhất với việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu để phục hồi sản xuất vẫn là cước vận chuyển, dịch Covid-19 tác động tới chuỗi cung ở nhiều thị trường xuất khẩu gỗ. Bên cạnh đó, nguồn gỗ ôn đới từ Mỹ và EU nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm trong 1 năm tới.

Chính vì vậy, TS Tô Xuân Phúc cho rằng, để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào sắp tới, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các nguồn cung gỗ, đặc biệt là nguồn cung từ Mỹ và các nước EU bởi đây là các vùng có nhiều biến động về cung, bao gồm giá nguyên liệu, nhất trong thời gian vừa qua. Tìm hiểu thông tin cũng nên bao gồm các nguồn cung thay thế.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chia sẻ, việc chuẩn bị cho tái sản xuất và phục hồi, đáp ứng các đơn hàng cho mùa hàng cuối năm đã và đang được các doanh nghiệp ngành gỗ chú trọng và lên các phương án. Cũng như các ngành khác, ngành gỗ đang đối mặt với giá cước vận tải tăng, giá nguyên vật liệu tăng, do đó các doanh nghiệp ngành gỗ cũng cần xây dựng các giải pháp để có nguồn nguyên liệu ổn định cho kế hoạch phục hồi này.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dabaco đạt lợi nhuận trước thuế 857 tỷ đồng

Công ty Cổ phẩn Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tập đoàn năm 2024 ước đạt 857 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm.

Hà Nội sắp khởi công hai cầu vượt sông Hồng số vốn 30.000 tỷ đồng

Hai cầu Tứ Liên và Ngọc Hồi bắc qua sông Hồng sẽ khởi công năm 2025, tổng đầu tư 30.000 tỷ đồng.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.