| Hotline: 0983.970.780

Chủ động phương án ứng phó hạn - mặn vụ hè thu

Thứ Ba 10/05/2022 , 07:05 (GMT+7)

Quảng Nam chuẩn bị kỹ các phương án chủ động ứng phó với hạn - mặn vụ hè thu nhằm đảo bảo thắng lợi để bù đắp cho thiệt hại ở vụ đông xuân.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, vụ đông xuân 2021 – 2022, toàn tỉnh gieo cấy khoảng 41.600ha lúa, tăng 67 ha so với cùng vụ năm trước. Trong đó, diện tích lúa dựa vào nguồn nước mưa tự nhiên trên 3,8 ngàn ha, lúa chủ động nước 37,8 ngàn ha. Một số huyện có diện tích lúa tăng nhiều như Thăng Bình, Phước Sơn, Tây Giang… chủ yếu là phục hồi một số diện tích đất bỏ hoang và bị sạt lở đất năm trước.

Năng suất lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 ở Quảng Nam giảm do ảnh hưởng của mưa lớn vào cuối vụ. Ảnh: L.K.

Năng suất lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 ở Quảng Nam giảm do ảnh hưởng của mưa lớn vào cuối vụ. Ảnh: L.K.

Nhìn chung, thời tiết vụ đông xuân ở Quảng Nam năm nay tương đối thuận lợi cho sản xuất. Tuy nhiên từ ngày 30/3 đến ngày 4/4, đã xảy ra đợt mưa lớn diện rộng trái mùa tại các địa phương trong tỉnh với tổng lượng mưa phổ biến từ 210 - 370mm, có nơi cao hơn 400mm đã gây thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa đang trong giai đoạn thu hoạch.

Qua thống kê, đợt mưa trái mùa này đã khiến gần 3.000 ha lúa thiệt hại hoàn toàn, 1.600ha thiệt hại từ 50 - 70%; 175ha thiệt hại từ 30 - 50%. Ngoài ra, có trên 13.500 ha lúa, hoa màu, cây cảnh bị ngập nước, ngã đổ và một số diện tích cây lâu năm bị hư hại. Bên cạnh đó, 2 đập ngăn mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp là đập Vĩnh Điện (Thị xã Điện Bàn) và đập Cây Da (huyện Duy Xuyên) bị vỡ.

Những tác động này đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 của tỉnh Quảng Nam. Theo đó, năng suất lúa ước đạt 56 tạ/ha (giảm 5,7 tạ/ha), sản lượng đạt hơn 233 ngàn tấn (giảm 23,3 ngàn tấn) so với cùng vụ năm trước. Bên cạnh đó, năm 2022, sản xuất nông nghiệp chịu thách thức nặng nề về giá cả vật tư nông nghiệp tăng so với các năm, nhất là giá phân bón tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến khả năng đầu tư và lợi nhuận của người sản xuất...

Nhiều địa phương ở Quảng Nam thường xuyên đối mặt với hạn, mặn ở vụ hè thu. Ảnh: L.K.

Nhiều địa phương ở Quảng Nam thường xuyên đối mặt với hạn, mặn ở vụ hè thu. Ảnh: L.K.

Trước những thiệt hại ở vụ đông xuân, Quảng Nam đã có những phương án chuẩn bị cho vụ hè thu tới mang lại hiệu quả nhất nhằm bù đắp cho vụ đông xuân, đặc biệt là công tác phòng chống hạn mặn ở các địa phương lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.

Ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế Thị xã Điện Bàn cho biết, vụ hè thu sắp tới, toàn Thị xã sẽ gieo sạ 5.450ha lúa. Hiện nay, vấn đề mà địa phương đang phải đối mặt là sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng tuyến đập bổi ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện tại khu vực Tứ Câu thuộc phường Điện Ngọc.

Bên cạnh đó, mực nước trên hệ thống sông La Thọ - Bình Long cũng giảm dần và dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục tụt xuống thấp. Ngành nông nghiệp Thị xã Điện Bàn đã xây dựng phương án phòng chống hạn - xâm nhập mặn cho khoảng 4.000ha lúa trên địa bàn.

“Để đảm bảo sản xuất cho vụ hè thu, các đơn vị đang gia cố, sửa chữa tuyến đập bổi sông Vĩnh Điện với kinh phí gần 1,3 tỷ đồng. Đồng thời chuẩn bị nạo vét, khơi thông dòng chảy trên sông La Thọ - Bình Long nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt cho hàng chục trạm bơm điện, chủ động phục vụ nước tưới cho cây trồng”, ông Chơi nói.

Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam cũng khuyến cáo các địa phương ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân, tranh thủ đất còn ẩm, nhà nông cần tiến hành cày đất, phơi ải nhằm cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ. Các đơn vị liên quan cùng chính quyền các cấp tích cực phổ biến rộng rãi đến nông dân về lịch thời vụ gieo sạ lúa hè thu 2022.

Tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương sớm chủ động kế hoạch sử dụng nước hợp lý trong vụ hè thu 2022. Ảnh: L.K.

Tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương sớm chủ động kế hoạch sử dụng nước hợp lý trong vụ hè thu 2022. Ảnh: L.K.

Ngoài ra, đặc điểm của vụ hè thu ở Quảng Nam là thường xuyên xảy ra mưa lũ vào cuối vụ. Vậy nên, Sở NN-PTNT tỉnh này cũng chỉ đạo các huyện, thị xã ưu tiên sử dụng các giống lúa trung - ngắn ngày để giảm thiểu tác động bất lợi của thời tiết. Thời gian xuống giống từ ngày 20/5 và kết thúc vào 5/6; thu hoạch xong trước ngày 5/9, chậm nhất là 10/9.

Theo ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, tỉnh này có 73 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 17 hồ chứa lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý và 56 hồ chứa nhỏ do chính quyền các địa phương quản lý. Hiện nay nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi và các hồ thủy điện về cơ bản được đảm bảo phục vụ cho sản xuất trong mùa vụ tới.

Để chuẩn bị cho vụ sản xuất hè thu năm 2022, Sở NN-PTNT Quảng Nam đề nghị các địa phương tập trung duy tu sửa chữa công trình thủy lợi, đặc biệt đối với công trình nội đồng; điều chỉnh, bổ sung phương án chống hạn để chủ động triển khai ứng phó, đánh giá hiện trạng bồi lắp tại các công trình thủy lợi để có phương án nạo vét tổng thể nhằm chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất...

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất