| Hotline: 0983.970.780

Thu hoạch gọn vụ đông xuân, khẩn trương sản xuất vụ hè thu

Thứ Sáu 06/05/2022 , 06:45 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Cơ bản thu hoạch xong lúa đông xuân, Bình Định đang khẩn trương vệ sinh đồng ruộng để sản xuất vụ hè thu đảm với những tính toán kỹ càng để quyết giành thắng lợi.

Khẩn trương triển khai sản xuất vụ hè thu

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định, tính đến nay, các địa phương đã thu hoạch hoàn tất lúa vụ đông xuân 2021 - 2022, dọn dẹp đồng ruộng sạch rơm rạ bị ngã đổ trong sau đợt mưa lớn bất thường xảy ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, đồng thời triển khai sản xuất vụ hè thu 2022 với những tính toán kỹ càng để tránh những bất thuận về thời tiết nhằm giành thắng lợi để bù thất thu của vụ đông xuân vừa qua.

Đến nay, nông dân Bình Định đã thu hoạch được 47.297/47.604 ha lúa vụ đông xuân 2021 - 2022, đạt 99,4% diện tích thực hiện; diện tích còn lại khoảng 307 ha, trong đó huyện Vĩnh Thạnh còn 270 ha, Thị xã An Nhơn còn 29 ha và TP Quy Nhơn còn 7 ha.

Theo kế hoạch, vụ hè thu năm nay Bình Định sản xuất gần 42.000 ha lúa. Từ giữa tháng 3/2022, Sở NN-PTNT Bình Định đã ban hành lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa để các địa phương chủ động triển khai. Theo lịch thời vụ, từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4 sẽ xuống giống vụ hè; vụ thu sẽ xuống giống tập trung từ ngày 1 - 15/5, những vùng có nguy cơ thiếu nước tưới xuống giống sớm hơn, từ ngày 20/4.

Nông dân xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) khẩn trương dọn sạch đồng ruộng để sản xuất vụ hè thu. Ảnh: V.Đ.T.

Nông dân xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) khẩn trương dọn sạch đồng ruộng để sản xuất vụ hè thu. Ảnh: V.Đ.T.

Về cơ cấu giống, ngành nông nghiệp Bình Định hướng dẫn người dân nên ưu tiên chọn các giống thích ứng với điều kiện nắng hạn và mưa lớn vào cuối vụ. Trong đó, ngành chức năng khuyến cáo nông dân chọn các giống có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày cho vụ hè và những giống dưới 105 ngày cho vụ thu.

Ngay khi thu hoạch xong lúa đông xuân, nông dân đã khẩn trương dọn sạch đồng ruộng, làm đất để bước vào sản xuất vụ hè thu. Đến nay, toàn tỉnh Bình Định đã gieo sạ được 12.077 ha lúa vụ hè thu; trong đó có 5.204 ha vụ hè và 6.873 ha lúa vụ thu, đạt 28,9% diện tích theo kế hoạch.

Lúa vụ hè đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, cuối đẻ nhánh, lúa vụ thu đang giai đoạn sạ, những diện tích xuống giống sớm đã nứt 3 lá và đẻ nhánh. Ngoài ra, Bình Định cũng đã gieo trồng được nhiều diện tích cây màu trong vụ hè thu. Trong đó, đã xuống giống được 1.049/3.250 ha ngô, đạt 32,3%; 811/1.829 ha lạc, đạt 44,3%; 1.878/5.168 ha rau các loại, đạt 36,6%; 219/631 ha đậu các loại, đạt 31,6%; 1.312/2.871 ha cây mè, đạt 45,7%.

Chuyển đổi cây trồng những diện tích nguy cơ thiếu nước

Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, địa phương này đang khẩn trương triển khai sản xuất vụ hè thu năm 2022. Theo đó, Hoài Ân đã triển khai xuống giống các diện tích sản xuất đảm bảo ổn định về nguồn nước. Riêng với các diện tích có nguy cơ khô hạn, ngành nông nghiệp tham mưu UBND huyện triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ hợp lý.

Nông dân xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) hốt rơm mục ra khỏi ruộng để khẩn trương làm đất triển khai sản xuất vụ hè thu. Ảnh: V.Đ.T.

Nông dân xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) hốt rơm mục ra khỏi ruộng để khẩn trương làm đất triển khai sản xuất vụ hè thu. Ảnh: V.Đ.T.

Đến nay, huyện Hoài Ân đã xuống giống toàn bộ diện tích sản xuất lúa theo kế hoạch, trong đó chú trọng đưa vào các giống lúa năng suất cao, các giống lúa mới được công nhận trong cơ cấu giống của địa phương vào sản xuất và tiếp tục duy trì diện tích cây trồng cạn.

“Hoài Ân có định hướng phát triển các vùng chuyên canh về lúa, cây trồng cạn, cây ăn quả. Trước tình hình giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, ngành nông nghiệp huyện phối với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai các mô hình sản xuất thâm canh cải tiến lúa SRI, sản xuất hợp chuẩn VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ để kéo giảm chi phí đầu vào, giảm phân bón, thuốc BVTV phù hợp với sản xuất nông nghiệp bền vững”, ông Tín chia sẻ.

Tại HTX Nông nghiệp Thượng Giang thuộc xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định), địa phương trước đây thường bị thiếu nước tưới trong vụ hè thu, nhưng từ khi kênh tưới Thượng Sơn đi vào hoạt động, tình trạng trên đã không còn xảy ra. Vụ hè thu 2022, bà con ở đây cũng đang hồ hởi bước vào sản xuất. Sau khi thu hoạch hết lúa vụ đông xuân 2021 - 2022, HTX Nông nghiệp Thượng Giang triển khai cung ứng vật tư nông nghiệp, vận động bà con tập trung xuống giống khoảng 100 ha vụ hè.

Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thượng Giang cho hay: “HTX niêm yết công khai bảng giá lúa giống để thành viên nắm thông tin, mua giống về sản xuất. HTX hỗ trợ nông dân bằng cách cho tạm ứng giống và vật tư nông nghiệp để đảm bảo sản xuất trong tình hình giá vật tư đầu vào tăng cao. Cùng với đó, nhờ hưởng lợi từ kênh tưới Thượng Sơn, chúng tôi đảm bảo sản xuất 60 ha lúa vụ hè, 80 ha lúa vụ thu, 270 ha cây rau màu. Nhằm giúp người dân tăng thu nhập, HTX hỗ trợ bà con chuyển sang trồng đậu phụng, ngô trên các chân đất lâu nay trồng mì kém hiệu quả”.

Nông dân huyện Tuy Phước (Bình Định) khẩn trương làm đất để ngày 10/5 bắt đầu xuống giống vụ thu. Ảnh: V.Đ.T.

Nông dân huyện Tuy Phước (Bình Định) khẩn trương làm đất để ngày 10/5 bắt đầu xuống giống vụ thu. Ảnh: V.Đ.T.

Ở huyện Tuy Phước, địa phương có đến hơn 4.000 ha lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 bị ngập, ngã đổ trong đợt mưa lớn xảy ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, thời gian qua nông dân ở đây đã nỗ lực dọn rơm rạ ngã đổ trên đồng, khẩn trương làm đất để xuống giống vụ hè thu.

Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, hiện ngành chức năng đang đưa nước về để nông dân cày, làm đất những diện tích sản xuất lúa trên địa bàn, ngày 10/5 sẽ bắt đầu gieo sạ vụ hè thu. Nếu không có gì trục trặc, đến ngày 20/5 huyện này sẽ gieo sạ hoàn tất diện tích sản xuất lúa.

Theo Chi cục Thủy lợi Bình Định, toàn tỉnh hiện có 101/163 hồ chứa đầy nước; dung tích chứa khoảng 555 triệu m3, đạt 93,7% so với dung tích thiết kế. Những hồ chứa lớn như hồ Định Bình đang trữ được 170 triệu/226 triệu m3, đạt 75,2% dung tích thiết kế; hồ Núi Một 92,85 triệu/110 triệu m3, đạt 84,4%; hồ Hội Sơn 43,45 triệu/44,50 triệu m3, đạt 97,6%; hồ Thuận Ninh 29,50 triệu/ 35,36 triệu m3, đạt 83,4%...

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ hè thu năm 2022, Chi cục Thủy lợi phối hợp với Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định cùng các địa phương đã chủ động xây dựng phương án tưới tiêu vụ hè thu hợp lý, hướng dẫn nông dân tưới theo phương thức nông - lộ - phơi để tiết kiệm nước.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.