| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM: Tạm dừng nhiều hoạt động để phòng, chống Covid-19

Thứ Năm 27/05/2021 , 13:46 (GMT+7)

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu tạm dừng các hoạt động quán ăn vỉa hè, tiệm hớt tóc, dịch vụ làm đẹp, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo và xem xét khu vực giãn cách.

Cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM sáng 27/5.

Cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM sáng 27/5.

Ổ dịch 'giáo phái truyền giáo phục hưng' đã trải qua tối thiểu 2 chu kỳ lây nhiễm

Ngay sau khi phát hiện chuỗi lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng tại giáo phái truyền giáo phục hưng, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM đã có buổi họp khẩn với các quận huyện, sở, ban ngành vào 10h ngày 27/5. Chủ trì có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính đến nay TP.HCM ghi nhận 278 trường hợp mắc Covid-19 được phát hiện trên địa bàn, trong đó 76 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 198 trường hợp nhập cảnh, 4 trường hợp lây trong khu cách ly VNA. Trong đó, có 260 trường hợp điều trị khỏi.

Hiện TP.HCM đang điều trị 18 bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 mới gồm 15 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và 2 bệnh nhân tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (bệnh nhân 4780, bệnh nhân 5463); 1 bệnh nhân tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố (bệnh nhân 5329). Ngoài ra, tại bệnh viện Dã chiến đang điều trị 4 bệnh nhân tái dương tính SARS-CoV-2.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

 

Liên quan đến các ca mắc Covid-19 mới ghi nhận tại giáo phái truyền giáo phục hưng, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, ngành y tế TP.HCM tiếp tục tiến hành điều tra tiền sử đi lại, lập danh sách tiếp xúc và phối hợp các quận, huyện, tỉnh/thành phố liên quan xác minh, lấy mẫu xét nghiệm.

"Ngay trong ngày 26/5, ngành y tế đã huy động lực lượng y tế của cả khối điều trị và khối dự phòng tham gia điều tra dịch tễ khoanh vùng dập dịch, lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 sẽ có kết quả trong tối nay", ông Bỉnh nói.

Bước đầu ghi nhận các quận huyện có các trường hợp liên quan đến ca mắc Covid-19 tại giáo hội truyền giáo phục hưng có  TP. Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh, Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 10, Quận 12.

Lấy mẫu xét nghiệm tại một con hẻm thuộc quận Gò Vấp, địa điểm sinh hoạt của giáo phái truyền giáo phục hưng.

Lấy mẫu xét nghiệm tại một con hẻm thuộc quận Gò Vấp, địa điểm sinh hoạt của giáo phái truyền giáo phục hưng.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bình nhận định, ổ dịch liên quan giáo phái truyền giáo phục hưng ở quận Gò Vấp đã trải qua tối thiểu 2 chu kỳ lây nhiễm.

“Đây là khuôn viên rất chật hẹp, trong ngõ hẻm. Trong một khoảng thời gian, họ đã tập trung trong không gian hẹp như vậy là rất nguy hiểm. Theo điều tra, tất cả thành viên giáo phái truyền giáo phục hưng bao gồm những người trong gia đình Mục sư (vợ, con) đều dương tính với SARS-CoV-2. Chính môi trường chật hẹp là nguyên nhân khiến sự lây nhiễm diễn ra nhanh chóng. Hiện nay, F1 của 5 người trong gia đình đều đã dương tính SARS-CoV-2”, ông Bỉnh nói.

Cũng theo ông Bỉnh, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM giải mã gene các bệnh nhân này để xác định nguồn lây nhiễm để có biện pháp khoanh vùng, dập dịch phù hợp.

Hạn chế tối đa thiệt hại đến người dân, đến doanh nghiệp

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, có thể nhận định ổ dịch tại giáo phái truyền giáo phục hưng là ổ dịch lớn, bùng phát nhanh, lây lan rộng ra cộng đồng. Vì thế, Bí thư Nên yêu cầu, cần cân nhắc biện pháp tương xứng để ngăn chặn, dập dịch.

"Khi đã biết được vị trí, nguồn lây thì có thể khoanh vùng ở mức độ phù hợp với các biện pháp phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa nắm chắc được nguồn lây nhiễm đến đâu, do đó cần "trừ hao" để từ đó "thu hẹp" dần", Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Cùng với đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM kêu gọi người dân TP.HCM bình tĩnh, cảnh giác cao độ, không hoảng hốt để sẵn sàng hỗ trợ, tham gia với lực lượng phòng chống dịch Covid-19 để ngăn chặn dịch bệnh.

Ông Nên cũng yêu cầu cả hệ thống chính trị TP.HCM đặt nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Người đứng đầu các cấp, tùy theo nhiệm vụ, chức năng được giao phải tham gia một cách tích cực nhất, phối hợp chặt chẽ nhất để thực hiện công việc phòng chống dịch.

Các lực lượng chức năng dưới sự điều hành của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM và HCDC tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch trên tinh thần nâng cao cảnh giác.

Quá trình thực hiện bảo đảm công tác truyền thông kịp thời, chính xác để người dân có thông tin chính xác, hướng dẫn tôn giáo, các tổ chức khác trên địa bàn sinh hoạt đảm bảo đúng tinh thần giãn cách xã hội, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm.

Bí thư Nên đặc biệt lưu ý, trong quá trình chuẩn bị, tổ chức thực thi nhiệm vụ phòng chống Covid-19 phải chú trọng hạn chế tối đa thiệt hại đến người dân, đến doanh nghiệp khi không thực sự cần thiết. Trừ khi buộc chấp nhận hy sinh cái nhỏ vì cộng đồng. Các khu cách ly, bệnh viện dã chiến ngay bây giờ phải sẵn sàng đảm bảo tình huống khi dịch bùng phát rộng. 

Xem xét thực hiện giãn cách xã hội nơi có nguy cơ cao

Kết luận buổi họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn còn phức tạp, khó lường, khả năng sẽ kéo dài hơn những đợt dịch trước. Tại TPHCM, ngay khi đợt dịch lần thứ 4 xuất hiện, Thành phố đã kích hoạt công tác phòng chống dịch ở mức độ cao nhất.

“Hiện nay, tình hình dịch tại TP.HCM vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng cũng không loại trừ khả năng tiếp tục xuất hiện F0 ở cộng đồng, bởi lẽ chuỗi lây nhiễm ở quận 3 và Hội thánh truyền giáo phục hưng tại Gò Vấp vẫn chưa xác định nguồn lây”, ông Phong nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Ông Phong đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM cố gắng tìm ra nguồn lây của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng Gò Vấp, bởi điều này rất quan trọng đối với công tác truy vết, xét nghiệm Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở ngành, quận huyện và TP Thủ Đức thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24h phòng chống dịch Covid-19 tại từng cơ quan đơn vị và đảm bảo thông tin thông suốt giữa các cấp, sẵn sàng cho mọi tình huống phát sinh theo phương châm "5 tại chỗ".

"Huy động mọi nguồn lực, truy vết thần tốc, không bỏ sót các trường hợp F1, F2, không để mất dấu trong quá trình truy vết đối với các chuỗi lây nhiễm tại giáo phái truyền giáo phục hưng", ông Phong nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Phong yêu cầu siết chặt công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, chung cư, nhà cao tầng... Các sở ngành, quận huyện phải triển khai ngay Tổ an toàn Covid-19 đặc biệt là Văn phòng Thành ủy và UBND TP.HCM. "Mỗi ngày phải lập danh sách các trường hợp đã đến để phối hợp với ngành y tế truy vết ca nhiễm khi có yêu cầu", ông Phong nói.

"Tạm dừng hoạt động các nhà hàng khách sạn, chỉ phục vụ cho khách lưu trú trong khách sạn. Trước đây, TP.HCM cho phép hoạt động không quá 20 người trong một không gian kín, nhưng giờ phải ngưng luôn; Tạm dừng hoạt động phụ vụ tại chỗ như quán ăn uống đường phố, trà đá vỉa hè, chỉ phục vụ mang về; Dừng các nghi lễ tôn giáo, chỉ cho phép các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, thờ tự không được tập trung quá 10 người; Tạm ngưng dịch vụ làm đẹp, tiệm hớt tóc, gội đầu…", Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu.

Liên quan đến khẩu trang, ông Phong cho rằng vẫn còn nhiều trường hợp buông lỏng, không chấp hành, cần tăng cường kiểm tra và phạt mạnh. “Địa phương nào để xảy ra dịch lây lan thì người đứng đầu chịu trách nhiệm”, ông Phong nói.

Ông Phong cũng đề nghị Sở Y tế TP.HCM xem xét thực hiện giãn cách xã hội nơi có nguy cơ cao, nơi ở, nơi làm việc của các ca mắc Covid-19.

Từ thực tế ba chuỗi lây nhiễm phát hiện trong cộng đồng, ông Phong yêu cầu ngành y tế cảnh giác cao nhất đối với dịch bệnh, chú ý khai thác, tìm hiểu tiền sử bệnh nhân, không bỏ sót bất kỳ yếu tố dịch tễ nào dù nhỏ nhất. Siết chặt quy trình sàng lọc, phân loại phân luồng kiểm soát dịch tễ người bệnh đến khám chữa bệnh, hạn chế nhập viện khi không cần thiết...

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Xem thêm
TP.HCM bổ sung thêm hai Phó Chủ tịch UBND thành phố

TP.HCM Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn lao động và ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy được bầu làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.