Theo Bộ Y tế, khẳng định xét nghiệm test nhanh phát hiện kháng nguyên virus SARS-CoV-2 không dùng để thay thế xét nghiệm Realtime RT-PCR mà chỉ dùng để hỗ trợ trong việc giám sát, phát hiện, chẩn đoán mắc Covid-19.
Sở Y tế TP.HCM đã có buổi họp với các chuyên gia của Viện Pasteur TP.HCM, Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và các phòng ban chức năng trực thuộc thống nhất triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM.
Các cơ sở y tế sẽ được triển khai test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 sau khi có báo cáo gửi Sở Y tế TP.HCM về năng lực thực hiện xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 tại cơ sở của mình.
Về chỉ định xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, TP.HCM sẽ tiến hành xét nghiệm định kỳ cho nhân viên y tế, người chăm sóc, nhân viên phục vụ, người bệnh đang điều trị nội trú tại các khoa Cấp cứu, Truyền nhiễm, Thận nhân tạo, khoa Khám bệnh của bệnh viện (không có biểu hiện lâm sàng, không trong quá trình điều trị Covid-19). Ngoài ra, người bệnh đến các cơ sở khám, chữa bệnh cần can thiệp điều trị sớm (cấp cứu, phẫu thuật).
Sở Y tế TP.HCM lưu ý, việc xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 không áp dụng đối với các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 có yếu tố dịch tễ và biểu hiện lâm sàng.
Sau khi test nhanh, nếu có kết quả dương tính SARS-CoV-2 cần thông báo ngay cho trung tâm y tế địa bàn để triển khai sớm các biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp Realtime RT-PCR.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vẫn chưa đủ để khẳng định được người xét nghiệm không mắc Covid-19, thì cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Trong khi chờ Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết các điều kiện để triển khai thực hiện, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh khi triển khai xét nghiệm nhanh phải tuân thủ các điều kiện triển khai như kỹ thuật lấy mẫu SARS-CoV-2 phải được thực hiện tại khu vực cách ly, hoặc buồng cách ly riêng biệt. Kỹ thuật xét nghiệm nhanh phải được thực hiện trong phòng xét nghiệm, đảm bảo an toàn sinh học đối với tác nhân SARS-CoV-2 theo quy định hiện hành, để tránh lây nhiễm chéo cho người và ra môi trường.
Sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Ngoài ra, nhân sự thực hiện phải được tập huấn về kỹ thuật lấy mẫu và kỹ thuật xét nghiệm sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Người lấy mẫu và thực hiện kỹ thuật xét nghiệm phải tuân thủ phương tiện phòng hộ. Cơ sở khám, chữa bệnh phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kỹ thuật virus test nhanh.
Tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang hôm 26/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường khả năng xét nghiệm, huy động tối đa nguồn lực tập trung cho xét nghiệm nhanh tại tỉnh Bắc Giang, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế phối hợp với tỉnh Bắc Giang điều động lực lượng y tế gồm 400 người (thuộc đoàn chi viện tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh) thực hiện việc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, đọc kết quả tại chỗ để thay thế xét nghiệm Realtime RT-PCR nhằm sàng lọc nhanh những người có nguy cơ cao để khẩn trương có phương án tách ra khỏi cộng đồng khi số ca mắc Covid-19 tại đây liên tục tăng trong những ngày qua.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đánh giá, việc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 định kỳ 3 ngày/1 lần tại những điểm có nguy cơ cao như Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng (tỉnh Bắc Giang) là vô cùng quan trọng, qua đó phát hiện và tách những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 một cách nhanh nhất ra khỏi cộng đồng. Đây là quá trình tiêu diệt, làm sạch ổ dịch, cần kiên trì thực hiện mới mong sớm dập được các ổ dịch.
Theo các chuyên gia, kỹ thuật test nhanh kháng nguyên này đơn giản, chi phí thấp, cho kết quả nhan trong vòng 15-20 phút. Test nhanh là xét nghiệm tìm kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 trong máu hay còn gọi làm xét nghiệm nhanh, cho phép xác định việc bệnh nhân có đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 hay không. Nếu người đang nhiễm hoặc trước đó phơi nhiễm thì trong máu sẽ có kháng thể kháng lại virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, khi test nhanh làm sớm quá thì cơ thể chưa có đủ kháng thể, sẽ cho kết quả test nhanh âm tính virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, test nhanh làm đúng lúc, cũng chưa đủ khẳng định được là hiện tại có sự hiện diện virus SARS-CoV-2 trong cơ thể hay không, mà cần phải làm thêm xét nghiệm RT-PCR để tìm virus SARS-CoV-2. Còn test nhanh làm muộn thì có thể cho kết quả dương tính (dương tính giả), nhất là sau 2 tuần phơi nhiễm virus SARS-CoV-2.