| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch xã xin nghỉ hưu non để… khởi nghiệp

Chủ Nhật 30/04/2023 , 18:56 (GMT+7)

THANH HÓA Ông Vũ Văn Thọ khởi nghiệp khi đã ngoài 50 tuổi. Vợ chồng ông có công lớn trong việc góp phần cải tạo vùng đất phèn chua để làm nông nghiệp công nghệ cao.

Khi chủ tịch xã làm mô hình "bất đắc dĩ"

Mấy năm trước, người dân xã Nga Văn (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) lần lượt bỏ ruộng đi làm ăn vì làm nông nghiệp không đủ sống. Thực tế trên đặt ra vấn đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở cánh đồng chiêm trũng nhiễm nặng phèn chua tại địa phương này.

Cùng thời điểm đó, UBND huyện Nga Sơn chỉ đạo các địa phương trong huyện đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, trong đó chú trọng thực hiện các mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp.

Cánh đồng chiêm trũng tại xã Nga Văn trước đây chỉ toàn cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: Quốc Toản.

Cánh đồng chiêm trũng tại xã Nga Văn trước đây chỉ toàn cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: Quốc Toản.

Bài liên quan

Lãnh đạo huyện cũng yêu cầu các đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tham gia thực hiện mô hình để bà con học tập.

Đồng ruộng bỏ hoang, nhưng cái khó nằm ở chỗ, nông dân ở Nga Văn lúc bấy giờ chỉ biết đến cây thuốc lào chứ chưa hiểu gì về sản phẩm OCOP hay hàng hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Do đó, để thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của bà con trong xã là không hề dễ dàng. 

Đây là bài toán cực kỳ nan giải đối với chính quyền địa phương lúc bấy giờ. Ông Thọ khi đó là Chủ tịch UBND xã Nga Văn hơn ai hết là người nhận thấy rõ thách thức này.

Bấy giờ, ông Thọ được giao trách nhiệm xây dựng đề án dồn đổi ruộng đất giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, đối với các đồng đất xa, xấu, trồng lúa kém hiệu quả sẽ được dồn đổi để tạo thành thửa lớn, phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. 

Tuy nhiên, sau khi dồn đổi được hơn 30ha đất, người dân cũng không mặn mà với việc thuê thầu đất để sản xuất. Trước thực tế trên, ông Thọ được tập thể “giao khoán” 1,86ha đất để cải tạo, xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để bà con học tập, làm theo. 

Sau khi nhận đất, ông bàn với vợ xây dựng mô hình nhà lưới, trồng dưa Kim Hoàng Hậu theo mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Ông Thọ thành công với mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu trong nhà màng. Ảnh: Quốc Toản. 

Ông Thọ thành công với mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu trong nhà màng. Ảnh: Quốc Toản

Bài liên quan

Nói về lựa chọn cây dưa Kim Hoàng Hậu, ông Thọ kể: “Cây lúa, cây thuốc lào là cây trồng truyền thống ở địa phương, nhưng không được nhà nước khuyến khích nhân rộng. Thời điểm đó, giống dưa Kim Hoàng Hậu còn khá xa lạ với nông dân, nhưng đã bắt đầu được trồng thử nghiệm tại một số địa phương trong huyện, mang lại giá trị cao. Do đó, tôi quyết định lựa chọn cây trồng này đưa về trang trại”. 

Theo ông Thọ, khó khăn nhất trong việc triển khai mô hình là việc cải tạo, bồi lấp mặt bằng ở vùng đồng chiêm trũng nước chua. Đây là công đoạn đòi hỏi nhiều vốn và tâm huyết. 

Mọi thứ bắt đầu với ông Thọ và gia đình ông khi đó không dễ dàng như suy nghĩ ban đầu. Bởi từ trước tới nay ông Thọ chỉ đứng ở vai chỉ đạo sản xuất, chứ chả mấy khi trực tiếp xuống đồng cấy lúa.

Lúc đầu, chỉ riêng chuyện cắt cỏ bằng tay hay sử dụng máy móc, hoặc chuyện nuôi con gì, trồng cây gì cũng khiến ông và gia đình tranh cãi gay gắt.

“Bà xã tiếc tiền mua máy cắt cỏ nên hì hục suốt ngày đào, nhổ cỏ. Nhưng vì diện tích trang trại rộng nên nhổ cỏ chưa xong lượt này, lượt cỏ khác đã mọc tốt um. Bởi thế mới nói, muốn làm nông nghiệp công nghệ cao phải cần vốn và áp dụng máy móc chứ không thể làm theo kiểu thủ công”, ông Thọ chia sẻ.

Trại dưa Dưa Kim Hoàng Hậu của gia đình ông Thọ sắp cho thu hoạch. Ảnh: Quốc Toản.

Trại dưa Dưa Kim Hoàng Hậu của gia đình ông Thọ sắp cho thu hoạch. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Thọ bảo, để có mặt bằng ươm giống, trồng cây, gia đình phải mua hơn 10.000m3 đất thịt và thuê hàng chục ngày công lao động để san lấp. Chỉ riêng việc hoàn thiện hệ thống nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới, điện chiếu sáng... trên diện tích 1,5 nghìn m2 đã tiêu tốn của gia đình ông gần 1 tỷ đồng.

Sáng làm cán bộ, chiều làm nông dân

Ông Thọ của vài năm về trước vừa là Chủ tịch UBND xã Nga Văn, vừa là ông chủ trang trại, kiêm cả nông dân. Thời điểm đó, kinh nghiệm của ông có được khi làm cán bộ xã khác hẳn thực tế khi bắt tay vào làm nông nghiệp. 

Bởi thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên lứa cây giống đầu tiên được ông gieo tại trang trại gần như mất trắng vì gặp thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, thất bại nhỏ ngay từ ban đầu không khiến ông nản chí.

Ông và gia đình tiếp tục rút kinh nghiệm và dành nhiều thời gian, công sức để sản xuất cây giống mới. Căn nhà ông Thọ nằm ngay mặt đường liên xã cũng vì thế mà để trống một thời gian dài.

Buổi sáng ông Thọ cùng vợ lên công sở làm việc, cuối ngày lại trở về trang trại với vai trò người nông dân thực thụ. Hai vợ chồng ông cứ thế lặng lẽ làm việc không biết mệt mỏi. Không lâu sau, vườn dưa Kim Hoàng Hậu của gia đình ông cũng đơm hoa, kết trái sau bao ngày nỗ lực chăm bón.

Để tập trung cho công việc trang trại, năm 2020, ông thọ đã xin nghỉ hưu trước tuổi để tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Nga Văn.

Ông Thọ sử dụng hệ thống điều khiển từ xa để tưới tiêu, chăm sóc cho cây dưa Kim Hoàng Hậu. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Thọ sử dụng hệ thống điều khiển từ xa để tưới tiêu, chăm sóc cho cây dưa Kim Hoàng Hậu. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Thọ bảo, việc nghỉ hưu sớm để về làm nông dân khiến ông tìm thấy nhiều điều thú vị trong cuộc sống: “Về hưu rồi thì cũng thành người dân bình thường cả thôi. Bây giờ mình còn sức, nếu không tranh thủ làm thì mấy năm nữa có muốn làm cũng không xong.

Khi bắt tay vào làm nông nghiệp công nghệ cao, tôi càng làm càng ham. Việc tôi lựa chọn hướng đi này cũng là để tiếp tục thực hiện mục tiêu làm mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Nga Sơn”.

Ông Thọ năm nay gần 60 tuổi, khuôn mặt đen nhẻm, nhưng khá rắn rỏi, khác hẳn với thời ông đương chức Chủ tịch UBND xã Nga Văn. Lão nông bây giờ có thể đọc vanh vách kỹ thuật trồng dưa như một kỹ sư nông nghiệp thực thụ.

“Trồng dưa không khác gì chăm sóc cơ thể. Riêng cây dưa Kim Hoàng Hậu dứt khoát phải tuân thủ nguyên tắc phòng bệnh thay vì chống bệnh. Để làm được điều này, nông dân phải chịu khó tiếp cận công nghệ mới. Khi làm chủ được công nghệ trên thửa ruộng của mình, đó là chìa khóa để thành công”, ông Thọ chia sẻ.

Lão nông tay cầm chiếc điện thoại thông minh chăm chú nhìn màn hình và ấn vào nút điều khiển phun tưới tự động tại vườn dưa. Ông bảo, làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoàn toàn khác so với canh tác nông nghiệp đơn thuần và sẽ khó thành công nếu không có tâm huyết và ý chí. 

“Từ khi áp dụng công nghệ phun tưới tự động, chi phí cho việc thuê lao động giảm đi rất nhiều, trong khi năng suất, giá trị được cải thiện đáng kể. Người làm nông nghiệp bây giờ phải tiếp cận được khoa học kỹ thuật, áp dụng máy móc tiên tiến chứ không chỉ đơn thuần cầm cuốc, cày bừa”, ông Thọ nói.

Sành marketing nhờ đi bán dưa ế

Kỷ niệm mà mỗi lần nhắc đến đều khiến vợ chồng ông Thọ rơm rớm nước mắt, đó là cách đây vài năm, trận mưa lụt kéo dài nửa tháng khiến lứa dưa Kim Hoàng Hậu đến kỳ xuất bán có nguy cơ ế ẩm vì thị trường tiêu thụ khó khăn. 

Ngoài dưa Kim Hoàng Hậu, ông còn trồng thêm hàng chục gốc ổi và các loại cây ăn quả khác để tăng thu nhập. Ảnh: Quốc Toản.

Ngoài dưa Kim Hoàng Hậu, ông còn trồng thêm hàng chục gốc ổi và các loại cây ăn quả khác để tăng thu nhập. Ảnh: Quốc Toản.

“Dưa đến thời kỳ xuất bán, nhưng tôi quyết định để thêm 1 tuần nữa để đảm bảo chất lượng. Nhưng chỉ hai ngày sau, trời mưa tầm tã kéo dài tới nửa tháng trời, thương lái gọi điện liên tục để hủy đơn hàng vì thị trường không có nhu cầu. Hàng nghìn trái dưa vàng óng treo lơ lửng trên cây có nguy cơ không tiêu thụ được”, ông Thọ kể.

Ông Thọ khi ấy nói với gia đình, nếu để dưa quá ngày thì sẽ bị nứt và thối cả vườn, rất khó bán để thu hồi vốn. Trong lúc bế tắc, ông nảy quyết định đưa dưa Kim Hoàng Hậu chào bán trên mạng. Mặt khác, ông sử dụng chiếc xe 5 chỗ ngồi để vận chuyển dưa cho các cửa hàng hoa quả tại các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn. Chỉ trong vòng vài ngày, vườn dưa của trang trại ông tưởng chừng ế, lại được giải quyết hết.

“Khi mang dưa đi tiếp thị, các chủ cửa hàng ra điều kiện phải được thử trước mới nhập hàng. Nói thật, khi đó tôi chỉ mong bán hết số dưa tồn để gỡ vốn, tiếp tục làm ăn, nên cho người ta thử thoải mái. Chiều muộn hôm đó, sau khi nhập xong chuyến dưa cuối cùng trong ngày, vợ chồng bắt đầu ngồi vào mâm cơm thì hàng loạt chủ hàng gọi điện cho tôi đặt hàng tiếp vì các chủ tiệm hoa quả truyền tai nhau về chất lượng dưa của trang trại. Chưa kịp lót dạ sau một ngày dài, vợ chồng vội vác mấy thùng dưa cuối cùng lên xe, tức tốc lên đường nhập hàng cho đại lý đến tối mịt mới về”, ông Thọ nhớ lại.

Vụ ổi hứa hẹn sẽ đem lại thu nhập cao cho gia đình. Ảnh: Quốc Toản.

Vụ ổi hứa hẹn sẽ đem lại thu nhập cao cho gia đình. Ảnh: Quốc Toản.

Sau chuyến "đi buôn" đó, mối hàng của gia đình ngày càng được mở rộng ra các địa phương trong tỉnh. Người dân quanh vùng nhập dưa ông Thọ vì tin tưởng chất lượng và cũng bởi cách tiếp thị sản phẩm có một không hai của ông.

Năm 2021, lứa dưa chín đúng vào dịp dịch Covid-19 bùng phát. Tưởng chừng như lứa dưa cũng ế ẩm như lần trước, nhưng chỉ trong 5 ngày, 2.500 quả dưa Kim Hoàng Hậu được tiêu thụ hết  vì nhu cầu dự trữ thực phẩm của người dân tăng cao, khiến vợ chồng ông ngỡ ngàng.  

Năm 2022, vụ dưa của gia đình ông Thọ thắng lợi vì giá dưa lên tới 47.000 đồng/kg, vườn dưa 1.000m2 của gia đình ông khi đó cho năng suất 3,6 tấn, trừ chi phí vẫn còn thu nhập hơn 110 triệu đồng/vụ. Tính trung bình, mỗi năm trang trại của gia đình ông trồng 3 đến 4 vụ, cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng.

Các loại cây ăn quả khác tại trang trại cũng phát triển tốt. Ảnh: Quốc Toản.

Các loại cây ăn quả khác tại trang trại cũng phát triển tốt. Ảnh: Quốc Toản.

Thành công với mô hình dưa Kim Hoàng Hậu, ông Thọ cùng gia đình tiếp tục mở rộng trang trại thêm 500m2, mở rộng quy mô nhà lưới, đồng thời tiếp tục san lấp mặt bằng để trồng cây ăn quả nhằm đa dạng các sản phẩm. Năm 2020, sản phẩm dưa Kim Hoàng Hậu của gia đình ông đã được công nhận tiêu chuẩn VietGAP.

Sau nhiều năm lăn lộn, vất vả với nghề nông, ông Thọ đã biến những mảnh ruộng phèn chua từ chỗ bị bỏ hoang thành vùng cây trái xum xuê, xanh mướt. Công sức của vợ chồng ông bỏ ra nay đã được đền đáp bằng thành quả xứng đáng. Ngoài trồng dưa, ông còn phát triển thêm các loại cây trồng, vật nuôi ngắn ngày khác để “lấy ngắn nuôi dài”, mở rộng sản xuất.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.