| Hotline: 0983.970.780

Bỏ việc nghìn đô về làm trưởng thôn để 'hồi sinh' ruộng đồng

Chủ Nhật 30/04/2023 , 08:57 (GMT+7)

HẢI PHÒNG 'Những cánh đồng nuôi lớn bao thế hệ nhưng nay bị bỏ hoang. Nhìn hàng trăm ha bờ xôi ruộng mật cỏ mọc um tùm mà xót xa', ông Sơn nói buồn.

Quyết tâm "hồi sinh" ruộng hoang

Bài liên quan

Không phải là người duy nhất nhưng ông Bùi Xuân Sơn, sinh năm 1962, trú tại thôn 3, xã Bắc Sơn là người hiếm hoi ở huyện An Dương (Hải Phòng) dám từ bỏ những lợi ích vật chất cá nhân, cơm áo gạo tiền để lăn lộn với ruộng đồng, với nông nghiệp, khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang.

Là trụ cột trong gia đình có tới 6 nhân khẩu, ông Sơn từng làm trưởng thôn đến 15 năm, sau đó mới nghỉ và làm giám đốc chi nhánh cho một doanh nghiệp với mức lương có lúc lên đến 40 triệu đồng. Quãng thời gian ông Sơn nghỉ làm trưởng thôn cũng là giai đoạn ruộng đồng quê nhà bị bỏ hoang tràn lan, có thời điểm lên đến hàng trăm ha.

Ông Bùi Xuân Sơn, trưởng thôn 3, xã Bắc Sơn, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Bùi Xuân Sơn, trưởng thôn 3, xã Bắc Sơn, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Sau khi “bị thuyết phục" quay về làm trưởng thôn và được bầu trúng luôn chức Bí thư Chi bộ, việc khắc phục ruộng bị bỏ hoang ở xã Bắc Sơn mới bắt đầu khởi sắc rõ nét.

“Trăm dâu đổ đầu tằm”, nhậm chức trưởng thôn đúng một ngày, ông Sơn đã nhận được chỉ đạo của UBND xã Bắc Sơn về khắc phục diện tích đất lúa bỏ hoang, đây cũng là nghị quyết của Đảng ủy xã bấy lâu nay nhưng việc thực hiện rối như tơ vò.

Hiện nay, tổng diện tích bỏ đất nông nghiệp bỏ hoang trên địa bàn huyện An Dương khoảng hơn 600ha. Thời gian gần đây, diện tích ruộng bỏ hoang đã và đang tích cực được các địa phương khôi phục sản xuất.

Vốn có sẵn uy tín, lại đam mê ruộng đồng, ông Sơn đã gác lại tất cả, kể cả việc gia đình để tập trung tuyên truyền vận động nhân dân quay lại cải tạo đất hoang để cấy lúa.

“Công tác khắc phục diện tích đất bỏ hoang trên địa bàn thôn 3, xã Bắc Sơn rất khó khăn. Cả thôn có gần 35ha đất nông nghiệp thì thời điểm đó chỉ có trên 3ha được chuyển đổi sang trồng rau màu, cây ăn quả và cây cảnh, còn lại đã bỏ hoang từ năm 2017”, ông Sơn nhớ lại.

Theo ông Sơn, nguyên nhân chính của việc nhân dân bỏ ruộng là do một số diện tích thuộc chân ruộng trũng, thấp hay bị ngập úng vào mùa mưa, đồng ruộng ở xa khu dân cư, chi phí đầu tư sản xuất cao, trong khi lợi nhuận thấp.

Các khu, cụm công nghiệp với hàng trăm doanh nghiệp đi vào hoạt động đã tạo ra rất nhiều việc làm, thu hút hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định bình quân từ 5 - 7  triệu đồng/tháng, trong khi đó thu nhập từ sản xuất lúa rất thấp, hạch toán ra nếu thuận lợi chỉ khoảng 200 nghìn đồng/sào.

Mặt khác, đồng ruộng diện tích nhỏ lại nhiều hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, canh tác khó, chi phí sản xuất lớn, công lao động thấp, bấp bênh, phụ thuộc thời tiết... Vì thế nông dân không còn mặn mà với việc trồng cấy.

Nhiều hộ dân đã quay trở lại trồng lúa thay vì bỏ hoang từ khi được ông Sơn vận động. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều hộ dân đã quay trở lại trồng lúa thay vì bỏ hoang từ khi được ông Sơn vận động. Ảnh: Đinh Mười.

Bắt được “bệnh”, ông Sơn đã xây dựng kế hoạch dồn thửa để có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong sản xuất. Cả thôn 3 lúc đó có 285 hộ có ruộng, ông Sơn đã lặn lội đến từng nhà nói chuyện và gửi phiếu xin ý kiến từng hộ. Không có gì bất ngờ khi ban đầu có tới 95% số hộ không cấy lúa có nguyện vọng muốn cho thôn thuê ruộng hoặc mượn ruộng để cấy.

“Sản xuất nông nghiệp hay trồng lúa nói riêng trong điều kiện ruộng đất ít, manh mún nên hiệu quả không cao là nguyên nhân cơ bản khiến nông dân phải bỏ ruộng hoang”, ông Sơn bộc bạch.

Không ngại gian khó, ông Sơn tiếp tục tham gia các buổi huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp để nâng cao trình độ về sản xuất và có ít “vốn” nói chuyện với bà con.

Ban ngày làm việc, tối đến ông lại đi từng nhà tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo đất hoang để cấy lúa, song mọi việc vẫn gặp trở ngại do các hộ dân bỏ ruộng không sản xuất từ nhiều năm nay. Ông Sơn đã đến từng hộ trình bày nguyện vọng mượn lại ruộng để sản xuất. Lãnh đạo xã rất đồng tình, người dân cũng đồng ý. Mọi thủ tục về thuê mượn đất được chính quyền và người dân tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Trên diện tích đất ruộng đã được cải tạo, người dân có nhu cầu có thể đăng ký và tham gia trồng lúa với diện tích lớn hơn phần ruộng của gia đình. Ảnh: Đinh Mười.

Trên diện tích đất ruộng đã được cải tạo, người dân có nhu cầu có thể đăng ký và tham gia trồng lúa với diện tích lớn hơn phần ruộng của gia đình. Ảnh: Đinh Mười.

“Không rõ bằng cách nào mà trong thời gian ngắn, ông Sơn đã được người dân thôn 3 cho mượn đến 26ha ruộng bỏ hoang trong vòng 4 năm để cải tạo lại trồng lúa. Việc này đã giúp phong trào "hồi sinh ruộng hoang" của địa phương bắt đầu có triển vọng”, ông Vũ Doãn Bách, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn chia sẻ.

Kéo nông dân về lại với cây lúa

Sau khi mượn được 26ha, ông Sơn bắt tay vào cải tạo lại. Vì ruộng đã bỏ hoang nhiều năm nên phải bỏ ra khá nhiều kinh phí để phá bờ thửa, cải tạo củng cố lại bờ vùng, xử lý để diệt cỏ dại nhằm tạo thuận lợi đưa cơ giới vào sản xuất, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

Dù chưa vận động được tất cả các hộ tham gia nhưng ông Sơn vẫn quyết tâm khắc phục 26ha ruộng hoang bằng cách huy động số hộ muốn cấy tham gia đầu tư cải tạo lại đồng ruộng, phá cỏ hoang, đào đắp lại kênh mương và đường nội đồng.

Qua hàng tháng trời, người dân trong xã đã thấy trên đồng ruộng được đắp bờ, be thửa, đào đắp lại trên 5.000m kênh mương và đường nội đồng. Ông Sơn đã bỏ chi phí cho khâu khắc phục, cải tạo đồng ruộng và hệ thống đường sá, mương tưới tiêu gần 400 triệu đồng. Tổng diện tích ruộng hoang được cải tạo đã lên đến trên 70 mẫu. 

"Sau hàng tháng trời vật lộn với cỏ, cuối cùng tôi cũng đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng và gieo cấy được 70 mẫu lúa. Toàn bộ diện tích trên tôi đã cùng một số hộ cấy giống lúa Đài thơm 8. Đây là giống lúa thuần đảm bảo năng suất và chất lượng gạo ngon, vụ đầu thu hoạch cho năng suất đạt bình quân 1,6 tạ/sào”, ông Sơn kể.

Những cánh đồng bị bỏ hoang nay đã xanh mướt hoa màu. Ảnh: Đinh Mười.

Những cánh đồng bị bỏ hoang nay đã xanh mướt hoa màu. Ảnh: Đinh Mười.

Vụ đầu tiên cho kết quả tốt, ông Sơn đã mạnh dạn đầu tư cải tạo thêm 10 mẫu ruộng hoang nữa để cấy lúa. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, những vụ đầu, toàn bộ số thóc thu hoạch xong được bán hết để lấy kinh phí tái đầu tư vào việc thuê người đắp bờ vùng, san lấp ruộng, mua 1 máy sấy thóc công suất 5 tấn/mẻ và thuê máy cày, máy cấy, máy gặt để phục vụ sản xuất.

Đến nay, sau hơn 1 năm không ngừng mở rộng diện tích, xây dựng mô hình, ông Sơn đã có cánh đồng với 80 mẫu, mỗi năm canh tác 2 vụ lúa. Tất cả các công đoạn, từ làm đất, gieo mạ, phun thuốc trừ sâu, đến thu hoạch, vận chuyển đều được thực hiện bằng máy.

Nhờ đưa cơ giới hóa vào sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, diện tích lúa cho năng suất, chất lượng cao, mỗi năm cho doanh thu trên 800 triệu đồng, ngoài ra còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương.

Nếu như thời điểm năm 2020, mới chỉ có 3 hộ trong thôn tham gia thì đến năm 2022, đã có đến 11 trường hợp xin tham gia cấy lúa trở lại với tổng diện tích ruộng được khôi phục sản xuất là 31ha. Nhiều hộ dân khác cũng tình nguyện đăng ký sản xuất trở lại.

Từ sự thành công trong việc tích tụ ruộng đất, cải tạo ruộng hoang, UBND xã Bắc Sơn đã quyết định thành lập HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Bắc Sơn để hỗ trợ tốt hơn cho người dân trong sản xuất. Ông Sơn được chọn làm Giám đốc HTX, từ đó, công việc và trách nhiệm lại lớn hơn nhưng ông lại thấy vui vì có thể giúp ích nhiều hơn.

Ông Sơn được tín nhiệm giao làm Giám đốc HTX Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Bắc Sơn. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Sơn được tín nhiệm giao làm Giám đốc HTX Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Bắc Sơn. Ảnh: Đinh Mười.

“Là người đứng lên tổ chức sản xuất, tôi nhận thấy sản xuất nông nghiệp tập trung, đồng bộ là chủ trương phù hợp với tình hình hiện nay, khắc phục tình trạng bỏ hoang ruộng và tạo được nhiều việc làm cho nông dân, tạo thêm sản phẩm hàng hóa cho xã hội”, ông Sơn bộc bạch.

Ông Vũ Doãn Bách, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết, địa phương có hơn 180ha đất nông nghiệp nhưng trước đây có tới 90ha bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Sau khi triển khai việc khắc phục ruộng bỏ hoang, ông Sơn đã đứng ra khôi phục trở lại được 31ha, vẫn còn hơn 60ha còn bỏ hoang.

Sau khi thành lập, HTX do ông Sơn làm giám đốc đã hoạt động rất hiệu quả, người dân đã quay trở lại sản xuất, nhiều hộ xin vào. “Thế mạnh của địa phương thời gian tới là phát triển hạ tầng, nhà ở cho công nhân, sản xuất công nghiệp..., nhưng với những diện tích đất nông nghiệp còn sản xuất được, chúng tôi kiên quyết giữ và phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả. Ông Sơn là "hạt nhân đỏ" trong việc khắc phục ruộng bỏ hoang của địa phương”, ông Bách chia sẻ.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.