| Hotline: 0983.970.780

Chỉ 1% sản phẩm nông nghiệp TP.HCM bán trên sàn thương mại điện tử

Thứ Tư 22/05/2024 , 19:07 (GMT+7)

Nông dân ứng dụng khoa học công nghệ giỏi, nông nghiệp đô thị đạt chuẩn tốt, thế nhưng hiện TP.HCM mới chỉ có 1% sản phẩm nông nghiệp bán trên sàn thương mại điện tử.

Các HTX, chủ thể OCOP tham gia livestream ngay tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các HTX, chủ thể OCOP tham gia livestream ngay tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM tại Hội nghị gặp gỡ và đối thoại các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2024 với chủ đề “Đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP TP.HCM trên nền tảng số”, diễn ra ngày 22/5 tại huyện Củ Chi.

Sự kiện do Sở NN-PTNT TP.HCM phối hợp UBND huyện Củ Chi tổ chức, nhằm tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi tiếp cận, tìm hiểu về phương thức tiêu thụ các sản phẩm nông sản huyện theo hình thức tiêu thụ trực tuyến trên nền tảng số. Đồng thời, chia sẻ những mong muốn, vướng mắc, khó khăn khi tham gia kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là sàn thương mại điện tử Tiktok Shop. 

Ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi nhìn nhận, hiện nay, số lượng nông sản của huyện Củ Chi tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử còn khá khiêm tốn.

Các đơn vị sản xuất nông sản còn khá dè dặt trong việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là các đơn vị sản xuất hàng tươi sống, do thời gian từ khi nhập hàng đến khi bán ra rất ngắn. Nếu kéo dài thời gian này, chất lượng của sản phẩm sẽ giảm đi.

Để đảm bảo chất lượng, cần đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, bao gồm cả kho lạnh và các phương tiện vận chuyển đặc biệt.

Việc giao hàng trong vòng 3 - 4 giờ mà vẫn đảm bảo chất lượng là một thách thức đối với ngành nông sản tươi. Ngoài ra, việc dự đoán được lượng hàng cần bán so với nhu cầu thị trường cũng rất quan trọng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất nông sản chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhất là HTX có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn chưa phổ biến.

Bước đầu triển khai, các đơn vị gặp phải một số vướng mắc như thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn am hiểu về thương mại điện tử, nên xảy ra tình trạng duy trì các gian hàng và tiếp cận khách hàng vẫn chưa hiệu quả.

Tiktok Phương Oanh Daily hỗ trợ HTX Nông Sản Sạch TP.HCM livestream bán hàng trên nền tảng Tiktokshop. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tiktok Phương Oanh Daily hỗ trợ HTX Nông Sản Sạch TP.HCM livestream bán hàng trên nền tảng Tiktokshop. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Nguyễn Hữu Hoài Phú cho rằng, để gia tăng giá trị nông nghiệp cho bà con nông dân cần phải tham gia rất nhiều "phiên chợ": chợ truyền thống, chợ đầu mối, siêu thị hiện đại. Đặc biệt, phải tham gia các sàn thương mại điện tử mới đem sản phẩm nông nghiệp của thành phố đến với khách hàng trong và ngoài nước.

"Tới nay, sản phẩm nông nghiệp TP.HCM tham gia sàn thương mại điện tử mới chỉ chiếm 1%. Như vậy, chúng ta bỏ qua một cơ hội rất lớn để bà con nông dân sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử để “sản phẩm địa phương, suy nghĩ toàn cầu”. Chỉ có sàn thương mại điện tử mới có thể buôn bán toàn cầu.

Trong khi đó, sản phẩm nông nghiệp đô thị đặc trưng của TP.HCM đạt chuẩn tốt, và có thể tự hào để tham gia các sàn thương mại điện tử", ông Phú nói và cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là để nông dân, HTX, doanh nghiệp nắm bắt rõ quy trình, quy định để giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Để làm được điều đó, ông Phú cho biết, Sở NN-PTNT TP.HCM sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố phối hợp các đơn vị xây dựng giáo trình/tài liệu chuẩn cho nông sản thành phố tham gia sàn thương mại điện tử trình UBND TP.HCM phê duyệt. Đồng thời, Sở sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí để tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên sâu cho nông dân, HTX, doanh nghiệp, chủ thể OCOP muốn tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là Tiktok Shop.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành nông nghiệp thành phố cũng lưu ý, để quảng bá tốt, thì sản phẩm nông nghiệp thành phố phải phát triển theo chuỗi.

Tại sự kiện đã diễn ra hoạt động livestream bán hàng của 9 doanh nghiệp, HTX nông nghiệp cùng với sự đồng hành của nhà sáng tạo nội dung Tiktok Phương Oanh Daily và đối tác LIVE Channel thực hiện.

Tham gia phiên livestream, chị Phạm Thị Minh Dung, HTX Nông Sản Sạch TP.HCM cho biết: "Đây dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã chúng tôi có cái nhìn sơ bộ cũng như trải nghiệm thực tế về hình thức hoạt động kinh doanh mới trên sàn thương mại điện tử. Qua đó, giúp chúng tôi có thêm kênh tiếp thị mới, phát triển doanh số và mở rộng thị trường tiêu thụ một cách hiệu quả".

Xem thêm
Nhiều công nghệ mới được giới thiệu tại Agri Vietnam 2024

TP.HCM Hơn 100 doanh nghiệp đến từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ giới thiệu, trưng bày máy móc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sản phẩm nông nghiệp tại Agri Vietnam 2024.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Phân Bón Cà Mau công bố chiến lược phát triển bền vững

Phân Bón Cà Mau công bố chiến lược phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng tương lai xanh, thịnh vượng và đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan.

Bất động sản hàng hiệu đang có tiềm năng phát triển rất lớn

Bất động sản hàng hiệu (branded residences) đang có tiềm năng phát triển rất lớn, nhờ 'cú bắt tay' giữa chủ đầu tư Việt Nam với các thương hiệu danh tiếng hàng đầu thế giới.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm