| Hotline: 0983.970.780

Chưa vội tái đàn

Thứ Năm 12/09/2019 , 08:26 (GMT+7)

Hiện tổng đàn lợn của tỉnh Hà Tĩnh đã giảm 28.000 con so với thời điểm xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (tháng 6/2019). Tuy nhiên, với 378.000 con lợn đang có, nguồn cung cơ bản vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Vì vậy ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chưa vội tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học.
 

Tạm dừng nhập lợn giống ngoại tỉnh

Ngày 23/6, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) khởi phát tại huyện Cẩm Xuyên. Kể từ đó đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 68 xã bị dịch; trong đó, 18 xã dịch đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn ốm, chết.

08-52-57_1
DTLCP đã phát sinh tại 68 xã của tỉnh Hà Tĩnh.

Trước tình hình DTLCP diễn biến phức tạp, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Công điện giao trách nhiệm cụ thể cho các địa phương trong việc tạm dừng việc nhập lợn từ các tỉnh khác vào địa bàn để nuôi làm giống, thương phẩm. Người chăn nuôi khi tái đàn cần lựa chọn các trại nái lớn, uy tín trong tỉnh như: Mitraco, C.P… để mua giống.

Ông Trần Quang Tiến, Trưởng phòng Quản lý Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Việc tái đàn là cần thiết để đảm bảo hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch đang bất ổn, chúng tôi khuyến cáo người dân chỉ tái đàn khi đảm bảo các điều kiện về tạ tầng, kinh tế mua hóa chất, kiểm soát an toàn sinh học. Nếu bà con vì giá lợn tăng cao mà bất chấp quy định tái đàn sẽ bị “tuýt còi” ngay. Riêng vùng dịch đang chỉ đạo tạm dừng nuôi”.

Đồng nhất quan điểm với Trưởng phòng Quản lý Thú y, ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên – địa phương đứng đầu toàn tỉnh về tổng đàn lợn cũng như số hộ chăn nuôi trong khu dân cư cho hay, sau gần 4 tháng phát sinh DTLCP, nhìn chung tổng đàn lợn của huyện giảm không đáng kể. Toàn huyện đang có gần 80.000 con lợn; trong đó có đến 45.000 con được nuôi trong khu dân cư. Bình quân hộ nuôi nhiều 40 – 50 con, hộ ít từ 10 – 20 con.

“Với tổng đàn này nếu chỉ tiêu thu nội huyện thì đến tết Cẩm Xuyên cũng không thiếu thịt. Do đó, huyện đang chỉ đạo chăn nuôi nông hộ hạn chế tăng đàn, chưa tái đàn”, ông Hà nói. Đồng thời nhấn mạnh, sở dĩ Cẩm Xuyên chỉ đạo bà con chưa tái đàn bởi vắc xin phòng DTLCP chưa có nên rủi ro đối với người chăn nuôi luôn thường trực. Thứ hai, giá lợn có dấu hiệu tăng nhưng đang tăng ảo, chưa có tính bền vững nên bà con không nên đánh cược với trời. Đặc biệt, trong bối cảnh các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, việc đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi nông hộ cực kỳ khó khă. Nhân cơ hội này, huyện kỳ vọng số hộ chăn nuôi trong khu dân cư sẽ giảm nhằm giảm áp lực vào môi trường sống ở khu vực nông thôn.

08-52-57_2
Cần có giải pháp hỗ trợ các trang trại bảo vệ đàn nái, làm tiền đề cho việc tái đàn sau dịch bệnh.

Hiện tổng đàn lợn nuôi nông hộ ở các xã như Cẩm Bình, Cẩm Thăng, Cẩm Yên, Cẩm Nam… đã giảm khoảng 30%. Ngược lại, tổng đàn ở các trang trại lớn tăng hơn 20% nên vẫn đảm bảo tỷ trọng chăn nuôi ổn định.
 

Bảo vệ đàn nái là nhiệm vụ sống còn

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, đến thời điểm này DTLCP đã “điểm mặt chỉ tên” 3 trang trại quy mô vừa (200 – 370 con lợn) ở các xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà; Tùng Lộc, Trường Lộc, huyện Can Lộc. Đây đều là những trang trại có đóng góp lớn vào tỷ trọng ngành chăn nuôi của tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Trần Quang Tiến cho rằng, nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay chính quyền tỉnh, huyện, đặc biệt là các ngân hàng cần làm là hỗ trợ thêm vắc xin tiêu độc khử trùng và khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi ngân hàng cho các trang trại, đặc biệt là trang trại chăn nuôi lợn nái, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Bây giờ bảo vệ đàn nái là nhiệm vụ sống còn. Bởi, đây là “đầu kéo” lĩnh vực chăn nuôi lợn của cả tỉnh. Nếu DTLCP “gọi tên” các trại nái lớn của Cty Mitraco, C.P hay các hợp tác xã, tổ hợp tác… thì thiệt hại trực tiếp không chỉ của trang trại mà còn thất thu tiềm lực xã hội và chính người chăn nuôi. Việc thiếu lợn giống, phải mua lợn giống giá cao để tái đàn sau dịch bệnh là khó tránh khỏi”, ông Tiến phân tích thêm.

08-52-57_3
Hà Tĩnh khuyến cáo người chăn nuôi trước khi tái đàn phải đảm bảo điều kiện về hạ tầng và kinh tế mua hóa chất phòng chống dịch.

Được biết, tổng đàn nái của Hà Tĩnh hiện nay đang có gần 45.000 con/38 trại lớn và chăn nuôi nhỏ lẻ trong hộ gia đình.

Xem thêm
Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.