| Hotline: 0983.970.780

Chúng ta có thể tăng 2 triệu tấn thủy sản từ nghề nuôi biển

Chủ Nhật 13/12/2020 , 11:35 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã trao đổi nhiều vấn đề mang tính chiến lược, để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Minh Phúc.

Xin ông cho biết tiềm năng phát triển các nguồn lợi thủy sản của Việt Nam hiện nay?

Trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam rất cao. Ví dụ năm 2020, chúng ta phấn đấu đạt 8,5 triệu tấn, trong đó thủy sản khai thác là 3,9 triệu tấn, nuôi trồng 4,6 triệu tấn. Đến giờ này có thể khẳng định các chỉ tiêu trên chúng ta đã đạt.

Về xuất khẩu, tuy ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và mưa lũ, nhưng giá trị xuất khẩu thủy sản không giảm so với năm 2019. Có được điều này là do chúng ta huy động được tương đối toàn diện kể cả nuôi trồng thủy sản nội đồng và khai thác.

Tuy nhiên, những năm tới đây, chúng ta sẽ tập trung vào hoạt động nuôi biển. Đây là mảng rất quan trọng nhưng chúng ta chưa hoàn thành được khung pháp lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.

Nếu như nghề nuôi biển được phát huy thì từ nay đến năm 2030 chúng ta sẽ đạt sản lượng 2 triệu tấn, như vậy sẽ giảm được sản lượng khai thác để tăng cường bảo tồn. Và đó chính là mục tiêu phát triển bền vững của thủy sản Việt Nam.

Theo Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì đến năm 2030 sẽ mở rộng 6% diện tích mặt nước biển cho công tác bảo tồn, với mục tiêu đặt ra như vậy thì có những khó khăn gì?

Theo quy hoạch, chúng ta sẽ có 16 khu khu bảo tồn thủy sản, nhưng đến bây giờ mới đạt được 12 khu, 4 khu còn lại này trong thời gian tới sẽ phải có những giải pháp quyết liệt để hình thành.

Hiện nay việc hình thành các khu bảo tồn mới chỉ mang tính chất hành chính. Việc vận hành có mang lại hiệu lực, hiệu quả hay không thì phải xem xét.

Nguồn lợi thủy sản của Việt Nam đang suy giảm đáng kể, khi so sánh ở thời kỳ 2000 - 2005 và thời kỳ 2011 - 2015. Biểu đồ: Tổng cục Thủy sản.

Nguồn lợi thủy sản của Việt Nam đang suy giảm đáng kể, khi so sánh ở thời kỳ 2000 - 2005 và thời kỳ 2011 - 2015. Biểu đồ: Tổng cục Thủy sản.

Tuy nhiên, để phát triển nguồn lợi thủy sản thì không còn cách nào khác là phải bảo tồn. Trước hết phải nhận thức đúng, có bảo tồn thì chúng ta mới có nguồn lợi bền vững.

Một ví dụ điển hình, là khu vực biển ảnh hưởng bởi hoạt động xả thải hóa chất độc hại của nhà máy thép Fosmosa (Hà Tĩnh), sau thời gian chúng ta khắc phục và phục hồi hệ sinh thái biển thì số lượng loài và sản lượng thủy sản đã được tăng lên rất nhiều.

Và những khu vực bảo tồn làm tốt như Cù Lao Chàm (Quảng Nam) thì không những có giá trị sinh thái thì còn giá trị đa dạng sinh học và giá trị của du lịch. Như vậy công tác bảo tồn có ý nghĩa rất quan trọng.

Thưa Thứ trưởng, trong thực tế vẫn còn sự vênh giữa các địa phương trong quản lý phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch gây rất nhiều vấn đề cho hệ sinh thái biển, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản. Vậy thời gian tới, cần có chính sách gì để hoạt động của các khu bảo tồn biển hiệu quả hơn?

Với một đất nước có 3.260km bờ biển và diện tích 1 triệu km2, nếu chúng ta làm tốt công tác bảo tồn thủy sản như Nghị quyết Trung ương 36 (dành 6% diện tích mặt nước biển để bảo tồn nguồn lợi thủy sản) thì mục tiêu phát triển bền vững là sẽ đạt được.

Tuy nhiên đến nay diện tích bảo tồn mới chỉ đạt được 1,78%. Sắp tới đây, trong Chiến lược phát triển Thủy sản, việc quy hoạch khu bảo tồn sẽ phải nhấn mạnh các giải pháp để đạt được những mục tiêu này.

Và cũng cần khẳng định, qua những thông tin và báo cáo, chúng ta thấy rằng nếu không làm ngay khu bảo tồn và khắc phục những yếu điểm về bộ máy, kinh phí hoạt động và việc tổ chức thực hiện; hoàn thiện thể chế thì chúng ta khó có những khu bảo tồn tốt.

Nghề nuôi biển đầy tiềm năng của Việt Nam chưa được khai phá, do khung pháp lý chưa hoàn thiện để thu hút các nhà đầu tư.

Nghề nuôi biển đầy tiềm năng của Việt Nam chưa được khai phá, do khung pháp lý chưa hoàn thiện để thu hút các nhà đầu tư.

Và bài học kinh nghiệm đối với các nước phát triển, nếu không làm tốt công tác bảo tồn ngay từ đầu trong lúc công nghiệp hóa, đô thị hóa, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu thì chúng ta sẽ rất khó khăn và phải bỏ ra rất nhiều kinh phí nếu sau này mới tiến hành.

Hiện nay chúng ta đang chuyển đổi cơ cấu ngành nghề khai thác, đây là một trong những yếu tố bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Vậy trong thời gian tới Nhà nước sẽ có những chính sách như thế nào để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề, nhất là những ngành nghề khai thác mang tính chất hủy diệt?

Thứ nhất, chúng tôi thấy rằng cường lực khai thác thủy sản của Việt Nam đang quá lớn. Với đội tàu 96.609 chiếc tàu, trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên là trên 31.000 chiếc, nếu cứ khai thác với cường lực này thì chúng ta sẽ khó khăn trong việc phục hồi.

Thứ nữa, trong cơ cấu ngành nghề thì chúng ta cần phải có hạn ngạch khai thác. Và sắp tới đây trong Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, chúng ta sẽ hạn chế hạn ngạch, hạn chế đội tàu. Như thế thì chúng ta mới đạt được mục tiêu.

Nhưng rõ ràng để đạt được việc này, nếu không xử lý một cách khéo léo thì vô hình trung sẽ làm mất sinh kế của người dân?

Trong chiến lược thủy sản thì có 9 đề án, trong đó đề án quan trọng và cấp thiết là phải chuyển đổi nghề cho ngư dân, vừa đảm bảo sinh kế, vừa hạn chế các nghề khai thác mang tính hủy diệt và chúng ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng.

Ví dụ, chúng ta chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng và giảm số lượng tàu; tăng cường số tàu xa bờ và giảm tàu gần bờ để chúng ta bảo vệ hệ sinh thái. Đồng thời tăng cường được bảo tồn cả khu sinh thái và cả số lượng loài.

Vậy theo chiến lược phát triển ngành thủy sản, sản lượng khai thác sẽ giảm bao nhiêu? Để bù đắp lượng thủy sản khai thác, chúng ta có chính sách gì để giữ và tăng sản lượng thủy sản?

Chúng ta sẽ giảm khai thác thủy sản từ 3,9 triệu tấn/năm xuống 2,8 triệu tấn, đồng thời tăng nuôi biển. Nhưng nuôi biển hiện nay vướng một số vấn đề. Ví dụ giao mực nước biển theo Nghị định 51 đang vướng.

Trong Luật Thủy sản thì cho phép giao mặt nước và cấp sổ đỏ như đất. Thứ hai là hạ tầng phải được đầu tư thì các doanh nghiệp mới ra nuôi biển. Mà nuôi biển thì có lợi thế là giảm ô nhiễm môi trường, truy xuất được nguồn gốc cũng như tạo ra sản phẩm có độ đồng đều cao và quy mô, sản lượng cũng lớn hơn.

Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để gỡ một số điểm vướng mắc trong Nghị định 51, liên quan đến công tác trong quản lý tổng hợp biển, hải đảo giao mặt nước biển.

Xin cảm ơn ông!

Thực hiện

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.