Điểm sáng ở đây là nhiều công trình ở nông thôn được xã hội hóa 100% bằng tiền, ngày công của người dân và doanh nghiệp.
Bỏ tiền tỷ làm cầu phao
Trong khó khăn, người dân Lệ Thủy đã biết tập trung sức mạnh. Đó là sự hưởng ứng, đồng thuận rất lớn từ phía người dân. Nhiều người dân đã đóng góp sức người, sức của cho mục tiêu làm giàu, làm đẹp quê hương.
Cầu phao dân sinh mới được xây dựng. |
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy nhìn nhận: “Trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM, đô thị văn minh trên địa bàn huyện đạt gần 870 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 111 tỷ đồng, chiếm 12%. Từ nguồn vốn này, huyện đã xây dựng nhiều công trình điện, đường, trường, trạm, công viên… để phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và đời sống nhân dân”.
Con sông Kiến Giang hiền hòa chảy bao đời nay. Ngày trước từ xã Xuân Thủy qua xã Mỹ Thủy phải đi đò ngang hoặc đi đường vòng gần chục cây số. Giờ thì người dân phấn khởi lắm, chiếc cầu phao an toàn được một người dân đầu tư xây dựng cuối năm trước. Không chỉ người đi bộ, đi xe máy mà cả ô tô 7 chỗ ngồi cũng qua sông thoải mái. Gặp tác giả xây cầu, anh Trần Duy Trường cười chia sẻ: “Mục đích chính là phục vụ bà con qua lại. Chứ nói về kinh doanh thì cả chục năm mới thu hồi vốn đủ”.
Anh Trường sinh ra ở Quảng Trị, thời trẻ cũng thường làm nghề chèo đò trên sông Hiền Lương. Từ những rủi ro của nghề đưa đò nên anh thấu hiểu hết nỗi khó khăn, hiểm nguy của người dân mỗi khi qua sông. Rồi khi lấy vợ ở Lệ Thủy, anh đã quyết định đầu tư xây dựng cầu phao phục vụ bà con.
Khởi đầu, anh làm chiếc cầu nối từ xã An Thủy qua xã Phong Thủy dài 100m với số tiền 1,2 tỷ đồng. Cầu đưa vào sử dụng mấy năm được bà con khen ngợi. Cuối năm 2018, một cây cầu từ xã Xuân Thủy qua xã Mỹ Thủy dài 200m đã hoàn thành với kinh phí 2,5 tỷ đồng. Cả 2 cầu này được thiết kế “di động” khi lũ về hoặc diễn ra lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống có thể tháo một đầu cho thuyền, đò qua lại và nước lũ rút.
Theo anh Trường, với mức thu phí mỗi người và xe đạp 2 nghìn đồng, xe máy 4 nghìn đồng, xe ô tô 4 chỗ 15 nghìn đồng thì phải mất trên 10 năm mới có thể thu hồi vốn.
Bà Phan Thị Loan, một người dân ở thôn Xuân Bồ (xã Xuân Thủy) phấn khởi: “Trước đây chưa có cầu phao của anh Trường, tôi thường đi chợ Trạm ở xã Mỹ Thủy bằng đò ngang rất bất tiện, lại lo. Vì vậy tôi không dám đi thường xuyên mà lâu mới đi một bữa. Từ khi có cầu phao, sáng nào tôi cũng đi chợ để mua bán...”. |
“Tôi làm nghề lái đò ngang đưa khách qua sông nhiều năm nên chứng kiến những tai nạn đau lòng trên sông nước. Vì vậy, tôi làm các cây cầu phao phục vụ người dân đi lại đỡ vất vả, nguy hiểm” - anh Trường nói.
Làm công viên nông thôn
Về Lệ Thủy, dù ở vùng quê nào cũng cũng sáng lên những con đường hoa, đường tự quản hay công viên thôn xóm. Xã Xuân Thủy là địa phương đi đầu trong phong trào này. Ông Phạm Văn Học, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã hồ hởi: “Qua vận động, bà con trong xã đã tự giác quyên góp làm 4 công viên mà không cần nguồn vốn nhà nước”.
“Nói về công viên, thôn Phan Xá chúng tôi là nhất”, ông Phạm Thanh Tuấn, Trưởng thôn nói đầy tự hào. Người dân tự hào cũng phải. Cả thôn đã xây dựng ba công viên, đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí ngoài trời cho bà con trong thôn và vùng lân cận. Để làm được công viên, lãnh đạo thôn họp dân bàn chủ trương, mức đóng góp, cách làm công viên rồi trình lên Đảng ủy xã xin ý kiến.
“Sau khi thống nhất mọi khoản, thôn viết thư ngỏ gửi từng nhà, từng cán bộ, đảng viên đang cư trú trên địa bàn, gửi đến con em trong thôn đang sinh sống trên mọi miền đất nước biết và ủng hộ”, ông Tuấn bộc bạch.
Một góc công viên xã Xuân Thủy. |
Thôn chỉ xin những vùng đất trống xã quản lý để làm công viên. Vị trí đất phải rộng từ 200m2 đến 300m2, gần bờ sông, bờ ruộng, thoáng mát để người dân tiện đi lại, sinh hoạt. Nhờ có sự đồng lòng, chung sức nên trong thời gian ngắn, 3 công viên trên địa bàn thôn Phan Xá đã hoàn thành với tổng mức đầu tư trên 280 triệu đồng.
Đến công viên rộng chừng 300m2 ở thôn, ai cũng thấy vui. Nơi đây được bố trí nhiều ghế đá, lối đi bộ, trồng hoa, cây cảnh và cả những tảng đá lớn như hòn non bộ. Công viên tọa lạc sát bờ sông Kiến Giang, phía trước là Trường THPT Lệ Thủy. Do gần đường, lại đông dân nên chiều tối và sáng sớm có rất nhiều người ra công viên hóng mát, đi tản bộ.
Ông Lê Thái Ngọc, một người dân trong thôn Phan Xá tâm sự: “Từ khi có công viên, ngày nào tôi cũng đến hóng mát, tập thể dục. Đây còn là nơi để tôi và bà con trò chuyện, hiểu nhau hơn, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, cũng nơi hòa giải những vướng mắc nhỏ hàng ngày”.
Khi thôn có chủ trương xây công viên, ông đã trích lương hưu 3 triệu đồng và vận đông thêm con cháu cùng góp. Không chỉ có ông Ngọc mà còn hàng chục người dân trong thôn đều vui vẻ đóng góp xây công viên, phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí. Từ điểm sáng Phan Xá, xã Xuân Thủy tiếp tục nhất trí chủ trương cho nhân dân thôn Xuân Bồ xây dựng công viên. Lãnh đạo thôn này đã thông qua về thiết kế và chuẩn bị xây dựng.
Ông Lê Văn Bảo, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy: “Nhờ việc xã hội hóa xây dựng NTM đã giúp Nhà nước giảm được rất nhiều ngân sách. Qua đó, còn tạo cảnh quan cho những làng quê thêm đẹp, đáng sống. Hiện trên địa bàn cũng đã có doanh nghiệp xin xây dựng 2 chợ nông thôn theo hình thức xã hội hóa đã được huyện đồng ý. Để đưa Lệ Thủy trở thành địa phương cán đích NTM của tỉnh, huyện tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình theo hướng xã hội hóa”. |