Chuối mật mốc là một trong những cây trồng chủ lực tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Có thời điểm, khi chuối được giá, người dân huyện Hướng Hóa còn sang Lào thuê đất trồng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đi qua, thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan đóng cửa, giá chuối chạm đáy, có thời điểm thương lái chỉ thu mua với giá trên dưới 2 nghìn đồng/kg. Những vườn chuối tại Lào và huyện Hướng Hóa tàn lụi dần.
Đến năm 2023, thị trường chuối mật mốc bắt đầu khởi sắc. Trung Quốc và Thái Lan cũng bắt đầu thu mua trở lại đã giúp giá chuối tăng dần. Nhiều hộ dân đã quay trở lại với cây chuối mật mốc. Nhiều hộ còn mở rộng diện tích, sử dụng giống mới để canh tác.
Cuối năm 2023, anh Nguyễn Văn Quân tại thôn Xi Núc, xã Tân Long đã mạnh dạn đầu tư trồng 6ha chuối mật mốc giống nuôi cấy mô. Đến nay, 4ha chuối đang phát triển tốt và dự định sẽ cho thu hoạch vào dịp cuối năm 2024.
"Có 2ha trong số 6ha bị nhiễm bệnh (với tỷ lệ 30% số cây) nhưng tình trạng bệnh đang giảm dần. Hiện gia đình tôi cũng đang tiếp tục làm đất trồng thêm 1ha chuối nuôi cấy mô nữa để phục vụ nhu cầu thị trường trong thời gian tới", anh Quân cho hay.
Ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Quảng Trị cho biết, giống nuôi cấy mô được kỳ vọng sẽ đem đến năng suất và chất lượng hơn hẳn giống bản địa. Vì vậy, không thể vì một số cây, một số diện tích bị nhiễm bệnh mà cho rằng, giống nuôi cấy mô không phù hợp. Muốn phát triển thành vựa chuối chất lượng, đem lại thu nhập cao, ổn định cho người dân thì việc sử dụng giống nuôi cấy mô trong thời gian tới là điều hết sức cần thiết.
Theo ông Trang, tình trạng vườn chuối của gia đình anh Quân không đáng lo ngại. Anh Quân đã sử dụng phân chuồng chưa hoai mục để trồng cây. Quá trình phân hủy của phân chuồng tạo ra khí H2S khiến cây bị ngộ độc, thối rễ. Các vi khuẩn có cơ hội tấn công khiến cây chuối bị vàng lá, héo thân dẫn đến chết.
"Sau khi kiểm tra thì ngành bảo vệ thực vật đã hướng dẫn anh Quân phương pháp xử lý, điều trị bệnh cho cây chuối. Về cơ bản, sau khi vượt qua giai đoạn này thì cây chuối mật mốc nuôi cấy mô sẽ sinh trưởng và phát triển tốt", ông Trang cho hay.
Cũng theo ông Trang, hiện nay, Chi cục TT&BVTV đang phối hợp với anh Quân để trồng tiếp 1ha chuối mật mốc nuôi cấy mô. Hi vọng, sau khi thành công, mô hình sẽ được nhân rộng và mở ra hướng đi mới nhằm tăng năng suất, chất lượng cho cây chuối mật mốc để đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Theo thống kê, toàn huyện Hướng Hóa có khoảng 4.000ha chuối. Trong đó có hơn 2.000ha được cấp mã số vùng trồng. Hiện nay, diện tích chuối cho thu hoạch ổn định trên toàn huyện khoảng 3,6 - 3,8 nghìn ha; năng suất khoảng 27 - 28 tấn/ha/năm. Theo tính toán của người trồng chuối, chỉ cần giá chuối đạt 5.000 đồng/kg thì người dân đã có lãi.
Ông Hồ Quốc Trung, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Hướng Hóa cho biết, với 2.000ha được cấp mã số vùng trồng, nhiều vùng chuối của huyện đủ điều kiện xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế chất lượng sản phẩm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của những thị trường khó tính. Vì vậy, hiệu quả trồng chuối chưa cao như kỳ vọng.
Từ đầu năm đến cuối tháng 8, giá chuối mật mốc liên tục tăng và đạt 8 - 8,5 nghìn đồng/kg, cao gấp hơn 2,5 lần so cùng kỳ. Với giá chuối như vậy, người trồng chuối có lợi nhuận trên 150 triệu đồng/ha.