| Hotline: 0983.970.780

Chương trình cảnh quan bền vững giúp người dân cải thiện thu nhập

Thứ Năm 14/04/2022 , 15:30 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Trong giai đoạn 2021-2025, IDH và tỉnh Lâm Đồng hướng đến hỗ trợ người dân sản xuất bền vững 52.000ha cà phê, cải thiện nguồn thu nhập, đồng thời bảo vệ 130.000ha rừng.

Sáng 14/4, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) và các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp thường niên Ban chỉ đạo Chương trình Cảnh quan Bền vững tỉnh Lâm Đồng. Cuộc họp nhằm tổng kết các kết quả đã thực hiện và thống nhất kế hoạch hoạt động năm 2022.

Theo Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH), từ năm 2014, cơ quan này đã phối hợp cùng Bộ NN-PTNT, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước triển khai Chương trình Cảnh quan Bền vững tại Tây Nguyên. Chương trình hướng đến thúc đẩy phát triển bền vững các cảnh quan nông nghiệp thông qua tăng cường hợp tác công tư, huy động nguồn lực và ưu thế của các bên, phối hợp thực hiện giải pháp sản xuất bền vững kết hợp với bảo tồn tài nguyên và an sinh xã hội. Từ đó hình thành các vùng nguyên liệu quy mô lớn, có thể kết nối với thị trường thông qua nền tảng trực tuyến.

Chương trình Cảnh quan Bền vững được triển khai tại tỉnh Lâm Đồng từ năm 2015 và đạt được nhiều thành quả tích cực. Ảnh: Minh Hậu.

Chương trình Cảnh quan Bền vững được triển khai tại tỉnh Lâm Đồng từ năm 2015 và đạt được nhiều thành quả tích cực. Ảnh: Minh Hậu.

Với sự quản lý, giám sát bởi Ban Chỉ đạo chương trình do UBND tỉnh Lâm Đồng và IDH đồng chủ trì, Chương trình Cảnh quan Bền vững tỉnh Lâm Đồng được triển khai từ 2015 và đã đạt được nhiều thành quả tích cực, đặc biệt tại hai vùng thí điểm ở huyện Di Linh và Lạc Dương.

Tính đến hết năm 2021, hơn 10.000ha đất nông nghiệp và 9.000 nông hộ đã được hỗ trợ sản xuất bền vững, 100% diện tích rừng trong khu vực thí điểm được bảo vệ và phục hồi, thu nhập của các nông hộ tham gia tăng 20% thu nhập nhờ đa dạng hoá cây trồng và sử dụng hiệu quả vật tư đầu vào, qua đó giảm 14%  lượng phân bón hóa học và 60% phát thải khí các bon.

Đồng thời, chương trình đã tăng cường liên kết sản xuất, thông qua các mô hình cung ứng dịch vụ, hỗ trợ nông dân tiếp cận được nguồn vật tư nông nghiệp chất lượng, các dịch vụ nông nghiệp như bón phân, phun thuốc, tư vấn quản lý dịch bệnh và dinh dưỡng cây trồng, kĩ thuật sơ chế, bảo quản cà phê chất lượng cao,cà phê đặc sản và tiếp cận tài chính xanh, qua đó giúp nông dân có đủ điều kiện thực hành và duy trì các phương pháp sản xuất nông nghiệp bền vững về lâu dài.

Mô hình hồ cảnh quan được IDH hỗ trợ người dân vùng trồng cà phê huyện Di Linh, Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Mô hình hồ cảnh quan được IDH hỗ trợ người dân vùng trồng cà phê huyện Di Linh, Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Trên cơ sở các thành công của giai đoạn thí điểm, IDH cùng các đối tác Nhà nước từ cấp trung ương và địa phương, khối doanh nghiệp và các tổ chức phát triển trong nước và quốc tế đã thống nhất cùng đầu tư, nhân rộng chương trình trong giai đoạn 2021-2025.

Tại buổi làm việc, các bên liên quan đã ký kết Biên bản ghi nhớ Liên minh sản xuất kết hợp Bảo tồn và An sinh xã hội tại huyện Di Linh và huyện Lạc Dương giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu của giai đoạn này là mở rộng quy mô tác động trực tiếp của chương trình lên toàn bộ hai huyện Di Linh và huyện Lạc Dương với tổng diện tích hơn 52.000ha đất nông nghiệp canh tác cây cà phê và các cây trồng xen chủ lực, hướng đến mục tiêu bảo vệ 130.000ha rừng và cải thiện thu nhập cho hơn 36.000 nông hộ.

Ngoài ra, IDH và UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đồng hành trong việc xây dựng các hoạt động triển khai kế hoạch tăng trưởng xanh tỉnh Lâm Đồng đã ban hành vào đầu năm 2021, gắn liền với phương pháp tiếp cận cảnh quan và vùng nguyên liệu quy mô lớn.

Trong giai đoạn 2021-2025, IDH và tỉnh Lâm Đồng hướng đến hỗ trợ người dân sản xuất bền vững 52.000ha cà phê, cải thiện nguồn thu nhập, đồng thời bảo vệ 130.000ha rừng. Ảnh: Minh Hậu.

Trong giai đoạn 2021-2025, IDH và tỉnh Lâm Đồng hướng đến hỗ trợ người dân sản xuất bền vững 52.000ha cà phê, cải thiện nguồn thu nhập, đồng thời bảo vệ 130.000ha rừng. Ảnh: Minh Hậu.

Trong năm 2022, Chương trình Cảnh quan Bền vững tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung vào một số hoạt động cụ thể như hỗ trợ xây dựng các kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp huyện cho huyện Di Linh, Lạc Dương, Đức Trọng và Lâm Hà. Chương trình sẽ tổ chức giới thiệu và hỗ trợ huyện Bảo Lâm và Thành phố Bảo Lộc xây dựng đề xuất Liên minh sản xuất kết hợp bảo tồn và an sinh xã hội tại hai địa phương này.

Bên cạnh việc giám sát tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt, chương trình sẽ tổ chức cũng như tham gia các hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm và mô hình nhằm thu hút sự tham gia và đầu tư từ các công ty và tổ chức khác. Chương trình cũng hỗ trợ hoàn thiện và đệ trình các đề xuất dự án lên các nhà tài trợ và UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt với tổng giá trị đầu dự kiến lên đến 25 triệu Euro.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.