| Hotline: 0983.970.780

Người chắp cánh cho thương hiệu cà phê Chư Prông

Thứ Năm 07/04/2022 , 10:15 (GMT+7)

GIA LAI Đam mê, kiên trì làm cà phê theo tiêu chuẩn 4C, ông Nguyễn Văn Hương đã làm nên thương hiệu 'Cà phê Chư Prông', sản phẩm được cấp chứng chỉ OCOP 3 sao.

Hành trình kiên trì với cà phê

Ông Nguyễn Văn Hương ở thôn Hưng Tiến, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông (Gia Lai) được biết đến với tên gọi là “người của công việc”, bởi ông luôn bận rộn với công việc nương rẫy cũng như kinh doanh cà phê của gia đình mình.

Chả vậy mà sau rất nhiều cuộc hẹn, tôi mới gặp được ông. Phải đợi cho đến khi rang xay xong mẻ cà phê đang làm dở, ông mới ngừng tay, pha ấm trà, ngồi trò chuyện cùng tôi trong khi tay vẫn đang thoăn thoắt đóng gói cà phê để chuẩn bị xuất cho khách hàng.

“Khách hàng mỗi ngày một đông nên tôi phải huy động cả con trai và các nhân công làm việc liên tục trong ngày, may ra mới kịp có hàng giao cho khách đúng hẹn được”, ông Hương nói.

Trung bình mỗi năm, ông Hương bán ra thị trường trong nước gần 100 tấn cà phê nhân chất lượng cao. Ảnh: Đăng Lâm.

Trung bình mỗi năm, ông Hương bán ra thị trường trong nước gần 100 tấn cà phê nhân chất lượng cao. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Hương quê gốc ở miền quê quan họ Bắc Ninh. Việc làmcà phê đến với ông, nói là “cơ duyên” bởi năm 1998, trong một lần vào thăm người thân ở huyện Chư Prông, suốt mấy ngày cùng người thân đi làm vườn, ông nhận thấy nơi đây có nhiều tiềm năng cho phát triển sản xuất, đất đai còn nhiều và rất màu mỡ, ông quyết định đưa vợ con vào đây lập nghiệp.

Ban đầu chưa có vốn, vợ chồng ông đi làm thuê cho người dân để có tiền trang trải chi tiêu, từ trồng cà phê, làm bồn, tưới nước, cắt cành, làm cỏ, bón phân… vợ chồng ông đều không nề hà, vừa làm vừa để ý học hỏi kinh nghiệm.

Sau 2 năm dành dụm, đến năm 2000, vợ chồng ông đã tích lũy và mua được 5 sào đất để trồng cà phê. “Nhờ có kinh nghiệm từ quá trình làm thuê, cộng thêm chút vốn nên vợ chồng tôi quyết định dành 5 sào đất này để đầu tư trồng cà phê. Thời gian cà phê chưa cho thu hoạch, vợ chồng tôi vẫn tiếp tục đi làm thuê để lấy thêm kinh nghiệm, đồng thời, có thêm thu nhập để mua phân bón đầu tư cho vườn cây”, ông Hương nói.

Đến năm 2003, vườn cà phê 5 sào của gia đình ông đã cho thu hoạch, tuy nhiện gặp lúc giá rẻ nên nhiều năm liền lãi chẳng được bao nhiêu. Đến năm 2006, khi giá cà phê tăng lên 38 - 40 triệu đồng/tấn nhân, gia đình ông mới bắt đầu có thu nhập. Từ đó, cứ tích lũy dần để đến cuối năm 2007, ông có thêm vốn để mua 2,5 ha đất trồng cà phê.

Sản phẩn cà phê Chư Prông của ông Hương đạt chứng chỉ OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Đăng Lâm. 

Sản phẩn cà phê Chư Prông của ông Hương đạt chứng chỉ OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Đăng Lâm. 

Có thêm đất, ông càng có thêm động lực để lao động. Những lúc rảnh rỗi, ông không ngừng tìm tòi, nghiên cứu các loại sách hướng dẫn kinh nghiệm trồng cà phê hoặc học hỏi từ thực tế các hộ dân để áp dụng vào vườn cây nhà mình. Nhờ đó, vườn cây của ông phát triển tốt và cho năng suất cao. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, vườn cây cho thu gần 14 tấn nhân, sau khi bán, trừ chi phí, mỗi năm ông lãi gần 400 triệu đồng.

“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn các hộ dân trồng "cà phê sạch", tổ chức liên kết và thu mua sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các hộ liên kết. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm khách hàng để có đầu ra ngày càng ổn định hơn, đặc biệt là tranh thủ mạng xã hội để bán hàng qua kênh thương mại điện tử...”, ông Hương chia sẻ.

Thương hiệu Cà phê Chư Prông tiêu chuẩn 4C

Có thu nhập ổn định từ vườn cây, tuy nhiên ông Hương vẫn luôn trăn trở làm cách nào để nâng cao giá trị của cà phê nhằm tạo ra hiệu quả cao hơn cho hạt cà phê. Năm 2016, khi được con trai Nguyễn Tiến Thành trao đổi về mô hình trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C, ông liền tìm hiểu và đi tham quan mô hình tại các địa phương khác để áp dụng vào vườn cây của mình.

Từ đó, ông tuân thủ các nguyên tắc trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C vào vườn cây như dùng máy cắt cỏ mà không phun thuốc trừ cỏ, bón phân vừa đủ theo nhu cầu của cây trong từng thời kỳ, cây nào bị sâu bệnh thì xử lý cây đó chứ không bỏ thuốc cả vườn cây.

Đến thời điểm thu hoạch, ông đợi cà phê chín đỏ rồi mới hái để cà phê đạt chất lượng cao, nên dễ bán và bán được giá cao hơn. Từ những thành công đó, ông hướng dẫn lại các hộ dân xung quanh trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C, đồng thời liên kết thu mua sản phẩm của họ để bán cho các nhà máy rang xay trong nước.

“Đến nay, tôi đã liên kết sản xuất, thu mua cà phê trồng theo tiêu chuẩn 4C với hơn 10 hộ và trung bình mỗi năm, gia đình tôi bán ra thị trường gần 100 tấn cà phê nhân với tỷ lệ quả chín đạt cao”, ông Hương chia sẻ.

Ông Hương trực tiếp tham gia sản xuất cà phê cùng với công nhân của mình. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Hương trực tiếp tham gia sản xuất cà phê cùng với công nhân của mình. Ảnh: Đăng Lâm.

Chưa tự bằng lòng với thành quả đó, năm 2016, ông Hương tranh thủ sang “thủ phủ cà phê” Đăk Lăk học tập thêm mô hình rang xay, chế biến "cà phê sạch". Khi về, ông động viên con trai học tập thêm kinh nghiệm tại các nhà máy rang xay ở Thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để hỗ trợ ông thực hiện.

Có kinh nghiệm, cộng với có thêm chút vốn, ông mạnh dạn đầu tư hơn 900 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc hiện đại phục vụ cho quá trình sản xuất cà phê bột chất lượng cao. Chưa hết, ông còn tranh thủ lên mạng tìm thêm khách hàng, đồng thời xây dựng thương hiệu “Cà phê Chư Pông” với 3 loại sản phẩm được phân khúc rõ ràng gồm: Cà phê đặc sản được rang xay từ 100% quả chín; cà phê thị trường trung bình với tỷ lệ quả chín cao; cà phê rang gia công với tỷ lệ quả chín thấp hơn để bán cho các đơn vị làm thương mại tại Nha Trang, TP Hồ Chí Minh.

Với việc tạo được uy tín và sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, khách hàng đã chủ động tìm hiểu và đặt mua sản phẩm tại cơ sở rang xay cà phê của gia đình ông ngày một nhiều hơn. Trung bình mỗi năm, ông bán hơn 6 tấn cà phê bột ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh thành khác trong cả nước. Cộng với nguồn thu từ bán cà phê nhân, trừ chi phí, mỗi năm ông lãi hơn 500 triệu đồng.

Riêng sản phẩm “Cà phê Chư Pông” cũng đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào cuối năm 2021. Nhờ sản xuất kinh doanh hiệu quả, ông tạo được việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm thời vụ cho 6 lao động làm việc tại vườn cây.

Từ cơ duyên đến niềm đam mê cháy bỏng, thêm sự cần mẫn trong học tập, lao động, gia đình ông Hương đã phát triển kinh tế gia đình ổn định, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương. Đặc biệt, cà phê Chư Prông đã được ông “chắp cánh” bay xa, làm nên thương hiệu “Cà phê Chư Prông”.

Ông Hoàng Xuân Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Phìn nhận xét: Gia đình ông Nguyễn Văn Hương là gia đình mẫu mực trong vượt khó làm kinh tế giỏi. Đặc biệt, bản thân ông Hương không những chăm chỉ, siêng năng trong lao động mà còn biết nghiên cứu, tìm tòi hướng đi mới trong phát triển sản xuất nhằm tạo ra hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, mô hình của ông hiện đang được một số hộ dân trên địa bàn đến tham quan, học tập.

Ông cũng là có nhiều đóng góp thiết thực cho phong trào thi đua yêu nước, các loại quỹ ở địa phương, đặc biệt là với chươngg trình xây dựng nông thôn mới và các hoạt động an sinh xã hội được triển khai trên địa bàn…”.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.