Sau 14 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/3/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Chương trình Tam nông), Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, trước hết phải kể đến đã thực hiện thành công, có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân 13 năm (từ 2008 – 2020) đạt 4,76%; năm 2021 đạt 5,59%.
Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch đúng hướng, tỉ trọng nông nghiệp giảm, lâm nghiệp và thủy sản tăng: Đến năm 2021, nông nghiệp chiếm 77,52%, lâm nghiệp 6,17%, ngư nghiệp 16,31%, tỉ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 47,94% (năm 2008 là 36,69%). Đánh giá và nhận xét chung về thành quả của Chương trình Tam nông ở Nghệ An sau 14 năm thực hiện, có thể nói:
Đạt được nhiều kết quả quan trọng
Thứ nhất: Sản xuất nông nghiệp chuyển nhanh sang nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, đảm bảo an ninh lương thực và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Năng suất, sản lượng các loại cây trồng tăng cao so với năm 2008: Sản lượng lương thực cây có hạt (lúa, ngô) năm 2021 đạt hơn 1,24 triệu tấn, tăng 23,48%; năng suất chè búp tươi đạt 119,7 tạ/ha, tăng 81,09%; cam, quýt 156,4 tạ/ha. Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đạt 85 triệu đồng/ha (năm 2008 đạt 37 triệu đồng/ha).
Đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung để phục vụ cho chế biến và xuất khẩu: Vùng chè công nghiệp 8.500ha, cao su 10.000ha, mía 24.600ha, dứa 1.200ha, sắn 8.000ha… Chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng chăn nuôi tập trung quy mô trang trại công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổng đàn trâu bò đạt trên 776 ngàn con, tăng 7,34%, trong đó đàn bò sữa có trên 75 ngàn con; đàn lợn 1 triệu con; đàn gia cầm trên 30 triệu con, tăng 97,85% so với năm 2008. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 270 ngàn tấn, tăng 90,97%, sữa tươi 250 triệu lít…
Thứ hai: Sản xuất lâm nghiệp có chuyển biến tích cực từ lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp xã hội. Hàng năm trồng mới từ 17 – 19 ngàn ha rừng tập trung. Sản lượng gỗ rừng trồng được khai thác từ 1 – 1,5 triệu m3. Đến năm 2021, diện tích đất lâm nghiệp có rừng chiếm tới 946.660ha. Tỉ lệ che phủ của rừng đạt 58,41%, tăng 28,6% so với năm 2008. Rất nhiều hộ nông dân thoát nghèo và làm giàu từ nghề rừng.
Thứ ba: Sản xuất thủy sản tăng nhanh, sản lượng thủy sản năm 2021 đạt 263 ngàn tấn, tăng 73,46%. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 21.500ha, năng suất nuôi trồng thủy sản đạt khá, nhất là tôm năm 2021 đạt bình quân 45 tạ/ha. Ngoài ra, hàng năm còn sản xuất trên 3.200 triệu con giống thủy sản các loại, trong đó tôm giống P15 đạt trên 2.000 con, đảm bảo có đủ con giống phục vụ yêu cầu nuôi trồng thủy sản trong tỉnh và tham gia dịch vụ cho một số tỉnh bạn.
Thứ tư: Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị hóa được tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt với sự tham gia cả hệ thống chính trị vào cuộc, đã đạt được kết quả rất quan trọng. Cụ thể:
- Hạ tầng thủy lợi được đầu tư xây dựng, phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện có 2.447 công trình thủy lợi, 19 công trình thủy điện, 1.061 hồ đập lớn nhỏ, 9 công trình đầu mối, 423 đập đâng, 702 trạm bơm nước, 6.414 km kênh mương các loại, đảm bảo tưới tiêu và phòng chống thiên tai có hiệu quả.
Đến năm 2021, tổng diện tích được tưới đạt 262.462ha (trong đó lúa 173.313ha), tăng 27,48% so với năm 2008. Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút, huy động hơn 12.500 tỉ đồng đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu sửa gần 300 công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
- Hạ tầng nghề cá được quan tâm đầu tư phát triển. Bình quân hàng năm nhà nước hỗ trợ khoảng 20 tỉ đồng, người dân đầu tư thêm trên 55 tỉ đồng để xây dựng hệ thống ao nuôi, trang trại sản xuất giống. Đến năm 2021, Nghệ An đã xây dựng được 5 khu neo đậu tránh trú bão, 4 cảng cá, 11 bến cá nhân để tạo điều kiện cho ngư dân trao đổi, mua bán hải sản…
- Hệ thống các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xã hội hóa. Đến năm 2020, đã đầu tư xây dựng được 517 công trình cấp nước sạch với tổng kinh phí 1.200 tỉ đồng. Số người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 86%.
- Hệ thống giao thông được nâng cấp và xây dựng hoàn chỉnh. Tỉ lệ xã có đường ô tô đi đến trung tâm xã đạt 98,6%. Tỉ lệ đường được bê tông, được rải nhựa ở cả 3 vùng đồng bằng, vùng núi thấp, vùng núi cao đạt 89,7%.
- Thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM đã đạt và vượt mục tiêu Trung ương giao: Năm 2010 toàn tỉnh chỉ có duy nhất 1 xã Nghi Liên của Thành phố Vinh đạt 13 tiêu chí. Đến nay, toàn tỉnh đã có 411 xã/411 xã của toàn tỉnh đã hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng NTM.
Kết thúc năm 2021, đã có 299/411 xã đạt chuẩn NTM, đạt 72,74%, trong số này có 8 xã thuộc huyện nghèo 30a, 2 xã vùng biên giới, 41 xã có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số, 119 xã có đồng bảo giáo dân, có 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt NTM kiểu mẫu. Số tiêu chí bình quân cả tỉnh đạt 16,8 tiêu chí/xã, tăng 13.16 tiêu chí/xã so với năm 2010. Có 7 huyện, thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 184 thôn, bản (ngoài xã NTM) đạt chuẩn NTM theo tiêu chí của tỉnh.
Tất cả các xã đạt chuẩn xây dựng NTM đều có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hoàn chỉnh, đã đầu tư xây dựng trên 12.702km đường giao thông nông thôn, 5.056km kênh mương, 5699,7km đường điện các loại; xây dựng và nâng cấp 1.055 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; 3.143 nhà văn hóa xã, thôn, bản, 38 chợ nông thôn; 411/411 xã có trạm y tế. Từ năm 2011 – 2021, toàn tỉnh đã đầu tư từ nguồn vốn huy động được và kết hợp lồng ghép các chương trình khác để phục vụ xây dựng NTM đạt hơn 67 nghìn tỉ đồng.
- Công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa xã hội được quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 28,89% năm 2008 xuống còn 3,42% năm 2020. Tỉ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt gần 95%, tăng 56,75%. Toàn tỉnh đã có 1.055 trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp học, đạt 72,66%, tăng 54,28%. Tỉ lệ hộ dân nông thôn được dùng điện lưới quốc gia đạt 99,5%, xem truyền hình 99,8%, tiếp cận Internet 95%, gia đình đạt chuẩn văn hóa 84,2%...
Các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ luôn được đổi mới, phát triển có hiệu quả: Toàn tỉnh có 626 HTX nông nghiệp dịch vụ, 173 làng nghề, 541 trang trại, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động có công ăn, việc làm thường xuyên.
Công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn được đặc biệt quan tâm, đưa nhanh vào sản xuất, đem lại hiệu quả, điển hình như: Dự án chăn nuôi bò sữa với 47.000 con; ươm giống chanh leo; diện tích canh tác được ứng dụng công nghệ cao đạt 23.186ha, chiếm tỉ lệ 7,65% diện tích sản xuất nông nghiệp, cho ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh ATTP. Toàn tỉnh đã thu hút được 81 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với số vốn lên đến hơn 47.150 tỉ đồng.
Tồn tại hạn chế cần được khắc phục
Nhìn lại sau 14 năm thực hiện Chương trình Tam nông, Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực nông thôn, đời sống cả vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục để thực hiện chương trình giai đoạn tiếp theo (2021 – 2030), tầm nhìn đến 2050, đó là:
Một: Trong 14 năm thực hiện chương trình "tam nông" vừa qua, đang chủ yếu tập trung mạnh vào phát triển sản xuất nông nghiệp (thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp), phát triển kinh tế - xã hội nông thôn (Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM), nên vấn đề nông dân chưa được quan tâm đúng mức.
Hai: Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn tuy đã được cải thiện, nâng cao. Nhưng nhìn chung vẫn còn khó khăn, thu nhập chưa cao, cần phải có nhiều giải pháp đột phá để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn một cách bền vững để “ly nông bất ly hương”, giảm tải cho các thành phố và để nông thôn ngày càng thực sự là nơi đáng sống.
Ba: Chưa thực sự có những cơ chế chính sách, chiến lược phát triển lực lượng nông dân lên một tầm cao mới về trình độ nắm bắt kiến thức khoa học kỹ thuật mới, công nghệ mới, năng lực điều hành và tổ chức sản xuất, kỹ năng ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử…