Diệt chuột không xuể
Chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 1A nhìn cánh đồng lúa hè thu thuộc phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa), đập vào mắt tôi là hình ảnh những cành cây kết hợp bao bì (gọi là cờ) dựng dày đặt khắp ruộng. Nhiều ruộng lúa còn làm hàng rào nilon bao quanh để ngăn chặn chuột vào cắn phá.
Ông Trần Văn Tâm, một người dân ở Khu phố 2, phường Hòa Vinh (thị xã Đông Hòa) có ruộng lúa sản xuất tại phường Phú Thạnh cho biết, vụ hè thu năm nào cũng vậy, cánh đồng lúa nơi đây thường bị chuột gây hại sau khi gieo sạ từ 20 - 30 ngày. Trong đó, những ruộng gần đường lớn hay gò đất cao nguy cơ chuột cắn phá lúa non cao hơn những ruộng nằm ở xa.
Điều khiến nông dân “đau đầu” trong vụ hè thu năm nay là nạn chuột sinh sôi nảy nở nhiều, chúng tấn công vào ruộng dữ dội, dù trước khi gieo sạ đã ra quân diệt chuột một đợt.
Theo ông Trần Văn Tâm, ngoài các biện pháp xua đuổi chuột như cắm cờ, rào nilon bao quanh ruộng lúa, bà con còn diệt chuột bằng bả, bẫy kẹp… song nạn chuột gây hại chỉ hạn chế phần nào. Hiện tại, chuột vẫn hoành hành hại lúa, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ghi nhận chúng tôi tại ruộng lúa nhà ông Tâm đã được khoảng 30 ngày tuổi, nhờ thời tiết thuận lợi nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên chuột vào ruộng cắn phá lúa lởm chởm nên ông Tâm phải cấy dặm đi, dặm lại nhiều lần khiến ông rất bức xúc.
Khoảng nửa tháng trở lại đây, chiều nào ông Tâm cũng ra đồng đặt bẫy kẹp diệt chuột. “Mỗi lần tôi đặt từ 15 - 20 bẫy kẹp, mỗi sáng sớm ra thăm thấy dính từ 7 - 8 con chuột, thậm chí có ngày 10 con, song vẫn chưa thuyên giảm, chuột vẫn cắn phá lúa”, ông Tâm ngao ngán.
Rời ruộng lúa nhà ông Tâm, chúng tôi đến cánh đồng lúa Hạ Bồ Đề ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa). Tình cảnh ở đây cũng tương tự, nhiều ruộng lúa gần đường lớn bị chuột cắn phá tan nát, bà con phải cấy dặm lại nhiều lần.
Ông Võ Văn Tài ở khu phố 3, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) có ruộng lúa ở đây cho biết, vụ này nạn chuột hoành hành dữ dội, dù bà con triển khai nhiều biện pháp song diệt chuột không xuể. Hiện ông cũng như nhiều bà con nơi đây có ruộng bị chuột cắn phá ngày nào cũng phải ra thăm đồng bỏ bả, đặt bẫy chứ chẳng dám lơ là.
Không chỉ cánh đồng lúa ở các phường Phú Lâm, Phú Thạnh mà theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều cánh đồng lúa gần đường lớn, gò đất cao ở phường Hòa Vinh (thị xã Đồng Hòa), xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) và xã Hòa Trị (Phú Hòa) cũng bị chuột gây hại nặng nề.
Ông Phạm Ngọc Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Bình Kiến 2 (xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) cho biết, hiện các xứ đồng của Hợp tác xã như Bờ Dầu, Giao Thông, Ruộng 6 và Ruộng 12 gần đường cao tốc đi qua bị chuột cắn phá nhiều. Theo thống kê, diện tích bị chuột gây hại rải rác khoảng 10ha và bà con đang tổ chức tỉa dặm lại.
Phát động diệt chuột
Ông Trương Dân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Kinh doanh dịch vụ Phú Lâm (phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa) cho biết, so với nơi khác, khu vực sản xuất lúa của Hợp tác xã bị chuột gây hại nhiều. Một phần do ruộng lúa tiếp giáp nhiều tuyến đường lớn và nhà dân nằm xen kẽ các cánh đồng lúa, đây là nơi trú ẩn của chuột.
Một phần nữa do năm vừa qua, cánh đồng lúa của Hợp tác xã không bị ngập lụt cao như mọi năm nên chuột sinh sôi nảy nở nhiều. Dù trước khi gieo sạ vụ hè thu, Hợp tác xã đã phát động phong trào toàn dân diệt chuột và thu được kết quả kha khá. Song thời gian qua, tình trạng chuột phát sinh gây hại lúa cũng đáng báo động.
Theo ông Trương Dân, hiện nay lúa non bị chuột cắn phá bà con vẫn khắc phục được bằng cách cấy dặm lại, nhưng vài ngày nữa khi lúa già thì không thể. Do đó để bảo vệ mùa màng, Hợp tác xã đã ra thông báo phát động phong trào toàn dân diệt chuột bằng mọi biện pháp nhưng nghiêm cấm dùng điện diệt chuột.
“Hợp tác xã đã ra thông báo phát động toàn dân diệt chuột lần 2 từ ngày 15/7 đến ngày 31/7 và thu mua đuôi chuột với giá 2.000 đồng/đuôi. Bà con có bao nhiêu, Hợp tác xã sẽ thu mua bấy nhiêu”, ông Dân nói.
Vụ hè thu năm nay, Hợp tác xã Nông nghiệp - Kinh doanh dịch vụ Phú Lâm sản xuất 560ha lúa. Đến thời điểm này, trà lúa gieo sạ sớm được khoảng 30 ngày, trà muộn được từ 15 - 25 ngày. Hiện diện tích lúa của Hợp tác xã bị chuột gây hại rải rác khoảng 30%. Đến nay, bà con đã khắc phục ruộng lúa bị cắn phá tương đối hoàn thiện, song nạn chuột gây hại vẫn chưa dừng lại.
Ông Phạm Ngọc Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Bình Kiến 2 cho biết, để ngăn chặn chuột gây hại lúa, Hợp tác xã đã bỏ kinh phí mua bẫy chuột bán nguyệt cung cấp lại cho bà con với giá hỗ trợ 50% để tổ chức diệt chuột. Hiện nay, chiều nào bà con cũng đều ra đồng vừa chăm sóc lúa, vừa đi gài bẫy chuột gây hại. Đây là giải pháp diệt chuột hiệu quả hơn nhiều so với cách bỏ bả vì chuột bây giờ không chịu ăn bả.
Theo ông Phạm Ngọc Tiến, trước khi gieo sạ, Hợp tác xã đã tiến hành cày ải và mua thuốc chuột bỏ khắp cánh đồng, đồng thời tiến hành đào hang bắt chuột, diệt được khoảng 1.000 con. Tuy nhiên chuột năm nay sinh sôi nảy nở nhiều nên cắn phá lúa dữ dội. Nguyên nhân có thể năm vừa qua ít lũ lụt nên chuột không bị tiêu diệt nhiều và chúng trú ngụ trên gò cao rồi sau khi nước rút chạy về đồng trú ngụ, cắn phá lúa.