| Hotline: 0983.970.780

Đầu năm Mão, nông dân hì hục chặn 'ông Tý'

Thứ Ba 31/01/2023 , 15:46 (GMT+7)

PHÚ YÊN Nông dân Phú Yên xuất hành đầu năm ra đồng ngăn chặn chuột cắn phá lúa bằng cách dùng lưới cước dựng hàng rào, bao nilon quanh ruộng lúa ngăn chặn chúng cắn phá.

Vụ đông xuân 2022 - 2023 không có lũ lụt lớn nên chuột sinh sôi nhiều, phá hoại lúa trên diện rộng. Những ngày qua, nông dân các địa phương ở tỉnh Phú Yên xuất hành đầu năm ra đồng ngăn chặn chuột cắn phá lúa bằng cách dùng lưới cước dựng hàng rào, bao nilon quanh ruộng lúa ngăn chặn chúng cắn phá lan từ đám này sang đám khác.

Trên cánh đồng rộng lớn từ phường Phú Đông, Phú Lâm (TP Tuy Hòa) qua xã Hòa Thành đến phường Hòa Vinh (Thị xã Đông Hòa), vòng lên xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa), nông dân dựng lên nhiều dãy ni lông đủ sắc màu để rào chuột.

Nông dân dựng tường lưới, nilon để ngăn chuột. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Nông dân dựng tường lưới, nilon để ngăn chuột. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Ông Nguyễn Văn Kiên, nông dân ở xã Hòa Thành cho hay: Năm nay lũ nhỏ, chỉ ngập nửa bờ ruộng, chỗ ruộng cao thì chưa ngập đầu “ông Tý” nên chuột sinh sản nhiều, cắn lúa từ khi cây lúa vừa ra lá non. Khắp các bờ vùng, chuột đùn hang ở sâu, khó đào bắt. Khu vực này không có đám ruộng nào không có dấu răng của chuột. Giải pháp đầu tiên cứu lúa khỏi bị chuột cắn là nông dân dựng hàng rào nilon ngăn chuột từ bờ bò vào cắn lúa.

Tương tự, các thửa ruộng gần bờ vùng, bờ thửa ở phường Phú Đông (cạnh Quốc lộ 1A) chuột cũng không bỏ sót đám nào. Có đám bị chuột cắn, lúa thưa thớt với nhiều khoảnh đất trống to bằng cái nong, cái nia rải rác trong ruộng. Theo kinh nghiệm, ngoài việc lấy nước vào cho ruộng “ngập lụt” ngăn chuột lội vào, nông dân còn rào nilon quanh bờ để ngăn “họ nhà chuột” cắn phá lúa.

Cắm cọc dựng hàng rào lưới cước, ông Bùi Văn Nghĩa ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) cho hay, trước Tết, lúa mới sạ còn nhỏ đã bị ốc bươu vàng ăn, bà con đã cấy dặm, tu bổ đám ruộng. Ra Tết, lúa lại bị chuột cắn đứt tiện gốc, thưa thớt, nếu không ngăn chặn, chuột cắn đến cuối vụ sẽ mất năng suất.

Empty

Những tường bao nilon dày đặc được nông dân dựng lên kín đáo để ngăn chuột. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

“Chiều qua tôi chở má tôi đi họp người già, sáng tranh thủ ra ruộng rào chuột. Vui xuân nhưng không quên bảo vệ mùa màng. Còn mùng là còn Tết, ăn Tết kéo dài, ban ngày đi làm đồng, chiều tối đến nhà bà con uống ly rượu xuân chúc mừng năm mới”, ông Nghĩa nói.

Cạnh đó, ông Phan Văn Sơn đi thăm ruộng nói: Nông dân mà, biết bao giờ hết Tết. Rảnh là có Tết, chiều dọn bàn nhựa trước sân rủ 3 - 4 người nhâm nhi ly rượu. Vui Tết nhưng cũng lo đám ruộng, sáng, trưa tranh thủ ra ruộng lấy nước, vãi phân, rào hàng rào ngăn miệng “ông Tý” cắn lúa.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, vụ lúa đông xuân 2023, nông dân trong tỉnh đã gieo sạ 24.063ha, hiện ốc bươu vàng, chuột phát sinh gây hại trên diện tích 13ha. Ngoài ra, còn có một số đối tượng sinh vật khác như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bọ trĩ gây hại rải rác dưới mức nhiễm tại các huyện Đồng Xuân, Phú Hòa, Tây Hòa, Thị xã Đông Hòa, Sông Cầu và TP Tuy Hòa.

Hiện lúa đông xuân tại Phú Yên đang giai đoạn đẻ nhánh, rất

Hiện lúa đông xuân tại Phú Yên đang giai đoạn đẻ nhánh, rất "khoái khẩu" cho chuột cắn phá. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên cho biết: Do vụ này không có lụt lớn nên số chuột còn lại trên đồng rất nhiều và chúng đã cắn phá mạnh trong giai đoạn đầu.

Ngay từ đầu vụ, nông dân đã chủ động ngăn chặn chuột cắn phá lúa bằng cách lập hàng rào, dùng nilon bao quanh ruộng lúa nhằm ngăn chặn chúng cắn phá lan từ đám này sang đám khác. Thời gian đến, ốc bươu vàng, chuột, sâu cuốn lá nhỏ, ruồi đục nõn… sẽ có nguy cơ tiếp tục gây hại, do đó các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật cần phối hợp với phòng nông nghiệp, phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác điều tra, theo dõi để phát hiện và phòng trừ kịp thời. Tiếp tục triển khai diệt chuột sau Tết Nguyên đán Quý Mão để bảo vệ mùa màng.

Xem thêm
Nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Ninh Thuận Mô hình nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế tăng trên 10% so với chăn nuôi đại trà.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...