| Hotline: 0983.970.780

Dẫn dụ, bắt chuột hiệu quả bằng 'bẫy cây trồng'

Thứ Năm 18/05/2023 , 08:17 (GMT+7)

BÌNH THUẬN Không chỉ tiêu diệt chuột hiệu quả, mô hình dẫn dụ và bắt chuột bằng phương pháp sử dụng ‘bẫy cây trồng' còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe của nông dân.

Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu dẫn đến hiện tượng mất cân bằng sinh thái diễn ra có chiều hướng tăng. Điều này đã kéo theo một số loài thiên địch đều giảm về mặt số lượng, trong khi các đối tượng dịch hại diễn biến phức tạp, tấn công liên tục lên cây trồng.

Chi cục Trồng trọt và BVTV đã hướng dẫn nông dân mô hình dẫn dụ và bắt chuột bằng phương pháp sử dụng 'bẫy cây trồng'. Ảnh: Kim Sơ.

Chi cục Trồng trọt và BVTV đã hướng dẫn nông dân mô hình dẫn dụ và bắt chuột bằng phương pháp sử dụng "bẫy cây trồng”. Ảnh: Kim Sơ.

Trước tình hình trên, nông dân gặp nhiều khó khăn trong quản lý nhiều loại dịch hại, dẫn đến lạm dụng thuốc BVTV trong canh tác khiến tăng tính kháng thuốc đối với đối tượng tượng dịch hại cũng như tăng chi phí trong sản xuất, giảm năng suất, chất lượng nông sản làm ra thiếu an toàn khi sử dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe và thu nhập của nông dân. 

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, việc sản xuất liên tục, không tập trung theo lịch thời vụ đã khiến các đối tượng sinh vật hại có nơi cư trú, có nguồn thức ăn dồi dào để sinh sôi phát triển. Đặc biệt, tình hình chuột gây hại trên các cánh đồng hiện nay ngày càng nhiều và phức tạp khiến việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, rủi ro, thiếu bền vững.

Trước tình hình chuột gây hại trên diện rộng, từ năm 2021 đến nay, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận đã triển khai nhiều mô hình dẫn dụ và bắt chuột bằng phương pháp sử dụng "bẫy cây trồng” trên địa bàn các xã Gia An, Đức Bình, Đồng Kho (Tánh Linh) và Nam Chính, Mê Pu (Đức Linh) - nơi được xem là vựa lúa của tỉnh Bình Thuận.

Ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận cho biết, trước khi thực hiện mô hình, Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp các địa phương tổ chức tập huấn cho nông dân nắm được kỹ thuật và phương pháp thực hiện.

Mô hình giúp nông dân bẫy chuột hiệu quả, thân thiện với môi trường sinh thái. Ảnh: Kim Sơ.

Mô hình giúp nông dân bẫy chuột hiệu quả, thân thiện với môi trường sinh thái. Ảnh: Kim Sơ.

“Chúng tôi hướng dẫn nông dân từ cách chuẩn bị lồng bẫy, lên luống gieo sạ, tạo rãnh nước theo yêu cầu kỹ thuật của mô hình. Cụ thể, ruộng bẫy phải tiến hành xuống giống sớm hơn 15 ngày so với ruộng lúa khác trong cùng xứ đồng. Xung quanh ruộng bẫy được rào kín bằng hàng rào nilon với chiều cao 50cm nhằm hạn chế chuột leo, cắn phá hàng rào vào bên trong ruộng. Ở phía ngoài hàng rào nilon có một rãnh nhỏ có chứa nước, kích thước rộng 30cm, sâu 25cm.

"Với diện tích ruộng 6.000m2, chúng tôi bố trí 22 bẫy hom, tức mỗi bờ đặt 5 - 6 bẫy hom để thu gom chuột. Bẫy hom được làm từ khung bằng sắt, hình hộp chữ nhật, có kích thước 60cm x 30cm, xung quanh được bao bằng lưới sắt mắt cáo”, ông Đỗ Văn Bảo chia sẻ và cho biết trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật còn hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại khác trong sản xuất lúa.

Các mô hình dẫn dụ và bắt chuột bằng phương pháp sử dụng "bẫy cây trồng” đều đã thu được hàng trăm con chuột trưởng thành. Nếu tính theo tập tính sinh sản theo lũy kế của 1 cặp chuột bố mẹ thì mô hình đã giúp giảm từ 1.500 - 3.000 con chuột con, cháu, chắt trên xứ đồng.

Hiện mô hình đang được Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận nhân rộng để giúp nông dân tiêu diệt chuột hiệu quả. Ảnh: Kim Sơ.

Hiện mô hình đang được Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận nhân rộng để giúp nông dân tiêu diệt chuột hiệu quả. Ảnh: Kim Sơ.

Ngoài ra, trên các lồng bẫy còn thu được một số loài động vật khác như ếch, chim, rắn... Đây là những loài thiên địch của các đối tượng sinh vật gây hại trên ruộng lúa nên hộ sản xuất đã thả về lại đồng ruộng. Đặc biệt, khu vực ruộng lúa của các hộ nông dân xung quanh gần mô hình triển khai đều ít bị chuột cắn phá như các vụ trước. Nông dân đã giảm một phần chi phí mua thuốc BVTV để trừ chuột, vừa không ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, nâng hiệu quả kinh tế hơn các ruộng ngoài mô hình.

Do đó, có thể nói đây là mô hình mang lại "hiệu quả kép", bởi nếu nông dân lạm dụng thuốc BVTV để phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại thì sẽ tiêu diệt luôn thiên địch tự nhiên trên đồng rộng, làm mất cân bằng sinh thái. Vì vậy, để lan tỏa và nhân rộng việc áp dụng mô hình “bẫy cây trồng” diệt chuột triệt để và có hiệu quả cao trong sản xuất, hiện Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận đã và đang nhân rộng mô hình trên các xứ đồng của các huyện, thị xã.

Ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận cho biết, trong quá trình theo dõi mô hình, chuột vào bẫy nhiều nhất vào giai đoạn đầu sau khi sạ. Điều này chứng tỏ giai đoạn này trên đồng rất ít thức ăn nên chuột di chuyển nhiều để kiếm thức ăn. Từ đó, mô hình đã hạn chế mật số chuột ngay thời điểm đầu vụ, giảm số lượng chuột sinh sản, phát triển theo cấp số nhân.

Ngoài ra, việc tạo rãnh nước xung quanh bờ ruộng trong mô hình ngoài hạn chế chuột leo trèo cắn phá nilon còn tạo nơi tập trung lại nhiều ốc bưu vàng. Đây là điều kiện thuận lợi giúp thu gom được số lượng lớn ốc và trứng ốc trên ruộng để làm nguồn thức ăn cho gia cầm, hạn chế việc ốc gây hại trên ruộng lúa, giảm chi phí trừ ốc và góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm