| Hotline: 0983.970.780

Chuyển biến rõ trong ngăn chặn khai thác thủy sản trái phép ở Tiền Giang

Thứ Sáu 02/04/2021 , 20:45 (GMT+7)

Số tàu cá của Tiền Giang bị nước ngoài bắt giữ giảm rõ rệt. Từ 12 tàu vi phạm vào năm 2017, đến năm 2020 chỉ còn có 01 tàu vi phạm.

Khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định ( IUU ) là lý do để Liên minh châu Âu (EU) chính thức đưa ra cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác thủy sản tự nhiên của Việt Nam vào ngày 23/10/2017. Tiền Giang là một trong 28 tỉnh ven biển của cả nước, có nghề khai thác thủy sản phát triển khá mạnh nên chống khai thác trái phép là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của tỉnh. Chúng tôi có buổi phỏng vấn ông Trịnh Công Minh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang về việc triển khai nhiệm vụ khắc phục thẻ vàng của EC ở Tiền Giang.

Ông Trịnh Công Minh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang. Ảnh: Hữu Đức.

Ông Trịnh Công Minh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang. Ảnh: Hữu Đức.

Thưa ông, đến nay, tỉnh đã triển khai những công việc gì để khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EC về việc chống khai thác thủy sản trái phép theo IUU?

Xác định chống khai thác thủy sản trái phép là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nên UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác này, đặc biệt là từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 45/CT-TT ngày 13/12/2017. Với sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động đã làm cho ý thức chấp hành pháp luật của chủ tàu, thuyền trưởng ngày càng được nâng lên, và đã có nhiều chuyển biến tích cực đặc biệt là trong năm 2020.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Tỉnh đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo IUU do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, thành lập lại Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo IUU, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo IUU. Thường trực Ban Chỉ đạo IUU (đặt tại Sở NN-PTNT) đã kiện toàn và ổn định hoạt động của hai Văn Phòng đại diện Thanh tra kiểm soát nghề cá đặt tại hai cảng cá Mỹ Tho và Vàm Láng phục vụ công tác chống khai thác trái phép. Thường trực Ban Chỉ đạo IUU cũng đã tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo IUU cũng như các văn bản hướng dẫn thực hiện cho các ngành và các địa phương. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp với các tỉnh ven biển trong công tác trao đổi thông tin, kiểm tra, kiểm soát tàu cá.

Trong công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra chỉ tính riêng trong năm 2020, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức 98 cuộc tuyên truyền với 4.637 người tham dự. Ngoài ra, còn lắp đặt trên 100 áp phích, 30 bảng pano tuyên truyền tại hai cảng cá trên địa bàn tỉnh, đồng thời biên soạn tài liệu để tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh hàng ngày tại cảng cá. Bên cạnh đó, cũng đã trích dẫn một số nội dung có liên quan gửi trực tiếp chủ tàu, thuyền trưởng (trên 2.350 tài liệu các loại). Đồng thời, đã thực hiện 5 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra 837 tàu cá, lập 29 biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt 220,5 triệu đồng/29 cá nhân đối với các hành vi vi phạm hành chính . Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh Tiền Giang ban hành một Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 01 doanh nghiệp tư nhân với số tiền 1,8 tỷ đồng do có hành vi vi phạm: Khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác mà không có giấy phép.

Tiền Giang là một trong 28 tỉnh ven biển của cả nước, có nghề khai thác thủy sản phát triển khá mạnh nên chống khai thác IUU là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của tỉnh. Ảnh: Hữu Đức.

Tiền Giang là một trong 28 tỉnh ven biển của cả nước, có nghề khai thác thủy sản phát triển khá mạnh nên chống khai thác IUU là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của tỉnh. Ảnh: Hữu Đức.

Sau thời gian triển khai các công việc, biện pháp nhằm khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EC, đến nay, việc chống khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến ra sao?

Sau thời gian triển khai các công việc, biện pháp nhằm khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EC, đến nay, việc chấp hành quy định của IUU trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng tàu cá của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ có xu hướng giảm rõ rệt (năm 2017 là 12 tàu; năm 2018 có 03 tàu, năm 2019 có 03 tàu và năm 2020 có 01 tàu). Đồng thời, đến cuối tháng 02/2021 toàn tỉnh có 925/1.069 tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình, đạt 86,53%; trong đó số tàu đang hoạt động trên biển đã lắp đặt chiếm trên 99 %. Số tàu còn lại chưa lắp đặt thiết bị GSHT là 144 tàu, chủ yếu là tàu khai thác đậu bờ tạm ngưng hoạt động và một số tàu hư hỏng nặng chủ tàu chưa có khả năng sửa chữa lại để hoạt động.

Tổ giám sát tàu cá thuộc Chi cục Thủy sản đã thực hiện tốt Quy chế quản lý, sử dụng, khai thác dữ liệu giám sát tàu cá; xử lý dữ liệu giám sát tàu cá đối với tàu cá tỉnh Tiền Giang đã được ban hành. Thực hiện trực ban, theo dõi, giám sát tàu cá qua Hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản, hàng ngày: gọi điện thông báo ngay cho chủ tàu khi có tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; tham mưu cho Chi cục Thủy sản có văn bản gửi địa phương nhắc nhở, viết cam kết khắc phục đối với tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình trên biển trên 10 ngày,…

Trong công tác kiểm tra, giám sát tàu cá, sản lượng bốc dỡ tại cảng cá; xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác; truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản: Ban Quản lý Cảng cá đã thực hiện kiểm soát, giám sát sản lượng tàu cá cập cảng hàng năm đạt 100% (trên 4.000 lượt tàu cập cảng/năm); thu hồi nhật ký khai thác của tàu cá khi cập cảng lên cá, để phục vụ công tác truy xuất ngồn gốc sản phẩm thủy sản xuất sang thị trường Châu Âu theo quy định. Song song đó, hai Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cũng đã kiểm tra hàng năm đạt số lượng tàu cập, rời cảng theo quy định (hàng năm lập trên 800 biên bản tàu cá cập, rời cảng theo quy định). Công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khi cấp giấy xác nhận, chứng nhận đã được Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý Cảng cá thực hiện nghiêm túc, kiên quyết từ chối xác nhận, chứng nhận đối với các tàu không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác, tàu cá trong danh sách vi phạm khai thác theo IUU, qua đó chỉ tính riêng trong năm 2020 đã xác nhận 64 giấy/1.575,6 tấn và chứng nhận 140 giấy/1.736,5 tấn nguyên liệu thủy sản các loại.

 Việc thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU hiện nay còn những khó khăn, bất cập gì?

Tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng việc chống khai thác IUU của địa phương cũng còn một số khó khăn, bất cập:

Các quy định về chống khai thác IUU hiện hành là quy định tương ứng cho 01 nghề cá ở các nước phát triển. Do vậy, đối với 01 nghề cá còn mang tính truyền thống như ở Việt Nam nói chung hay của Tiền Giang nói riêng thì cần phải có 01 khoảng thời gian nhất định thì mới có thể thực hiện được đồng bộ.

Thời tiết diễn biến ngày càng bất thường, nguồn lợi thủy sản có xu hướng giảm, lực lượng lao động khai thác biển lành nghề ngày càng thiếu hụt,...là những trở ngại lớn chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu,...làm hiệu quả khai thác biển còn  bấp bênh, từ đó người dân chưa an tâm đầu tư đầy đủ các trang thiết bị theo quy định.

Trình độ học vấn của khá nhiều thuyền trưởng còn thấp nên việc ghi chép Nhật ký khai thác, Nhật ký thu mua, chuyển tải còn hạn chế, nội dung ghi còn sai sót, việc chấp hành các quy định khi tàu cập cảng, rời cảng cũng chưa được thực hiện đúng theo quy định.

Thiết bị giám sát hành trình hiện nay được nhiều đơn vị cung cấp, chất lượng không đồng nhất nên việc khắc phục nhanh tình trạng thiết bị hỏng trên biển mất tín hiệu không thể thực hiện kịp thời, từ đó không kiểm soát được vị trí tàu cá trên biển.

Tiền Giang có nhiều chuyển biến trong công tác khắc phục thẻ vàng của EC. Ảnh: Hữu Đức.

Tiền Giang có nhiều chuyển biến trong công tác khắc phục thẻ vàng của EC. Ảnh: Hữu Đức.

Thời gian tới, đâu là giải pháp của tỉnh Tiền Giang để cùng cả nước khắc phục thẻ vàng của EC?

Để việc khắc phục thẻ vàng của EC, thì phải có sự vào cuộc của các ngành, các cấp từ Trung ương đến tất cả các địa phương ven biển. Riêng ở Tiền Giang thì phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở các địa phương có tàu cá khai thác xa bờ như TP Mỹ Tho và huyện Gò Công Đông. Trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:

Tiếp tục tập trung thực hiện tuyên truyền Luật Thủy sản và các văn bản có nội dung có liên quan đến chống khai thác IUU kết hợp với việc hướng dẫn cụ thể bằng nhiều hình thức phù hợp để chủ tàu và thuyền trưởng nắm bắt cụ thể hơn về vấn đề này.

Tiếp tục nâng hiệu quả hoạt động của các Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá, Ban Quản lý Cảng cá trong việc giám sát sản lượng tàu cá cập cảng, kiểm tra, kiểm soát tốt các tàu cá cập, rời cảng theo Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT, tuyên truyền, hướng dẫn các thuyền trưởng ghi chép nhật ký và thực hiện các quy định về chống khai thác IUU. Thực hiện tốt công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác.

Tiền Giang tiếp tục tuyên truyền đến các ngư dân không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: Hữu Đức.

Tiền Giang tiếp tục tuyên truyền đến các ngư dân không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: Hữu Đức.

Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến công tác chống khai thác IUU theo nội dung Nghị định 42/2019/NĐ-CP đặc biệt là đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài, hành vi không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc cố tình làm mất tín hiệu kết nối,...không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho tàu khai thác vùng biển xa đồng thời với việc đầu tư, cải tạo nâng cấp các Cảng cá nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá để nâng cao hiệu quả kinh tế cho chủ tàu cá.

Phát huy đồng bộ vai trò, trách nhiệm của từng thành viên của Ban Chỉ đạo, của Tổ Giúp việc đặc biệt là trong việc kiểm tra, hướng dẫn đôn đốc các địa phương thực hiện kịp thời, đồng bộ các biện pháp chống khai thác IUU theo quy định. 

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.