| Hotline: 0983.970.780

Chuyến biển xuyên tết

Thứ Ba 11/02/2020 , 09:21 (GMT+7)

Các ngư dân vui mừng nói về thành quả chuyến biển là 6 tấn cá chuồn sẽ bán được gần 250 triệu đồng.

Ngư dân đi đánh cá chuồn, thu nhập bằng câu cá ngoài giờ đánh lưới.

Ngư dân đi đánh cá chuồn, thu nhập bằng câu cá ngoài giờ đánh lưới.

Sáng mùng 3 tết, tàu cá QNg 90263 TS về cập cảng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi, thuyền trưởng nhìn đất liền xuyên qua lọ hoa vàng đặt cạnh bánh lái. Con thuyền cập bến, chong mũi vào gần những ngôi nhà đang nở hoa cúc vàng rực rỡ. Các ngư dân vui mừng nói về thành quả chuyến biển là 6 tấn cá chuồn sẽ bán được gần 250 triệu.

Làng chài Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khi các ngư dân lên tàu làm lễ cúng xuất hành, đốt giấy bạc và cáo lạy ông bà về một mùa biển mới thì những ngư dân làm nghề lưới chuồn cồ xuyên tết đang vui vẻ với các bạn chài, chia sẻ niềm vui với gia đình. Họ là những ngư dân có truyền thống cứ tết thì ra Hoàng Sa đánh bắt và trở về nhà để đón tết muộn.

Thuyền trưởng Phạm Hồng Vũ cho biết “đúng mùng 1 tết có mặt tại Hoàng Sa để cúng ông bà, sau đó mới xuôi vào đất liền cho anh em đón xuân tới bây giờ”.

Còn nhớ, khi tờ lịch cuối cùng của năm 2019 kết thúc thì tôi gặp thuyền trưởng Vũ đang bán cá tại bến. Hầm tàu đầy ắp cá. Trên thị trường, cá chuồn cồ là một loại đặc sản bán rất chạy. Còn thời của cha anh trước đây, tàu vào bến thì có khi phải bán cho vài chủ nậu mới hết một tàu cá. Trong chuyến biển cuối năm, đề tài mà thuyền trưởng này và các ngư dân đề cập là “chuẩn bị ra biển đón xuân…”.

Mỗi tàu đánh lưới ròng rã hơn 20 ngày chỉ kiếm được khoảng 4 – 5 tấn cá. Nhưng giá cá chuồn cồ được thu mua hơn 50.000 đồng/kg, nên ngư dân có được cuộc sống no đủ (giá cá chuồn năm 2019 là 35.000 đồng/kg).

Cả nước có rất nhiều làng chài đánh cá chuồn rắc. Nhưng nghề đánh cá chuồn cồ thì rất hiếm. Cá chuồn rắc chỉ to như ngón tay cái, còn cá chuồn cồ to như cổ tay, thịt thơm. Loại cá này thường xuất hiện vào dịp cuối năm và luồng cá xuất hiện quanh các gò san hô ở Hoàng Sa, đó là nơi mà không phải ngư dân ở làng chài nào cũng có gan dám tới gần để đánh bắt, vì tiềm ẩn nhiều vấn đề nguy hiểm.

Nghề cá chuồn ở xã Bình Châu phất lên từ những năm 1989. Thời đó, ngư dân đánh được 1 tấn cá chuồn/ngày, một phiên biển thì chủ tàu có thể kiếm được 3 cây vàng. Còn hiện nay sản lượng cá tụt giảm, mỗi ngày bủa lưới 2 lần chỉ thu về được vài trăm kg cá.

Sáng mùng 9 tết, hàng ngàn tàu cá ở cảng Sa Kỳ nối đuôi nhau chờ lấy đá lạnh để mở biển đi xa. Thuyền trưởng Vũ nhìn ra những chiếc tàu còn đặt chậu hoa trên boong và kể lại, trong những ngày tết trên biển, thấy thời tiết thuận lợi nên anh cho tàu băng luôn ra phía đảo Bom Bay (quần đảo Hoàng Sa), là hòn đảo nằm ở mạn ngoài cùng của quần đảo Hoàng Sa, sau đó rướn tiếp ra tận bãi ngầm Macclesfield nằm giữa biển Đông.

Chiều 30 tết, nỗi nhớ đất liền nôn nao nên anh cho tàu lùi dần về phía quần trung tâm quần đảo Hoàng Sa để thắp hương khấn nguyện tiên linh, ông bà ở đảo. Các ngư dân lên máy Icom chúc tết lẫn nhau và chia sẻ thời gian sẽ cùng khởi hành từ Hoàng Sa trở về đất liền.

Tết năm 2019, BĐBP Quảng Ngãi thống kê, có 1.200 ngư dân đón xuân trên biển. Còn năm nay cũng có nhiều ngư dân ra Hoàng Sa đón xuân. Xuân trên biển cũng chộn rộn như đất liền, các ngư dân cho biết, chiều 30 tết thì anh em cũng tổ chức làm thịt gà, cúng ông bà trên tàu, sau đó thì thuyền trưởng lì xì cho anh em mỗi người một tờ 50.000 đồng.

Ở vùng biển Hoàng Sa, không khí ngày xuân cũng giống như đất liền. Đó là trời râm mát, thỉnh thoảng ào qua những cơn gió lành lạnh. Một số ngư dân mang theo điện thoại bắt đầu điện vào bờ chúc tết gia đình.

Ngư dân nào đăng ký dịch vụ chuyển tiếp cuộc gọi qua Đài Duyên hải miền Trung thì có thể nối máy điện thoại gọi trực tiếp. Sóng điện thoại phập phù, lúc rõ, lúc văng vẳng. Nhưng giữa biển mênh mông lại được nghe tiếng trẻ con và phụ nữ thì các ngư dân đều phấn chấn hẳn lên.

Tết năm 2020, giá cá chuồn tăng lên từ 40-50 ngàn đồng/kg, vì vậy, dù sản lượng cá đánh được không cao, nhưng ngư dân vẫn có thu nhập khá. Đêm giao  thừa, các ngư dân nâng chén chúc mừng năm mới, sau đó ra be tàu để bắt đầu vào phiên câu cá.

Tiếng hò reo vang lên, khi cá liên tục cắn câu và những chú cá to như bắp đùi được kéo lên sàn tàu. Khi đi đánh lưới chuồn, ngư dân đi bạn có thể kiếm thêm thu nhập bằng cách thức thâu đêm để câu cá. Mỗi chú cá được làm dấu bằng dây buộc đuôi, xỏ mũi để khỏi bị nhầm lẫn. .

Thuyền trưởng Phạm Hồng Vũ với rổ cá chuồn cồ Hoàng Sa

Thuyền trưởng Phạm Hồng Vũ với rổ cá chuồn cồ Hoàng Sa

Từ năm 1989, ông Phạm Mạnh, cha của thuyền trưởng Vũ dong thuyền ra Hoàng Sa. Ông đã cho thuyền thẳng hướng Hoàng Sa, điểm đến là hòn đảo Quang Ảnh có 2 trụ cao, cách 10 hải lý đã nhìn thấy (tên người lính Hoàng Sa từng được triều đình cử trấn giữ đảo).

Khi ông Mạnh về già thì giao lại thuyền cho con trai. Thuyền trưởng Vũ nối nghiệp cha theo nghề cá chuồn. Trên tàu của anh hiện nay đã có đủ các thiết bị định vị vệ tinh, thông tin Hayang, Galaxy, Combo GPS, nhưng chuyến đi nào, anh cũng đi theo tọa độ mà người cha già từng có mặt.

Chị Dương Thị Thu Đông, vợ ngư dân Nguyễn Tấn Trung tâm tình, “hồi giờ anh nhiều năm ra Hoàng Sa đón xuân, mẹ con ở nhà chờ đợi và nghề cá chuồn thì phải chấp nhận tiễn chồng đi biển xuyên tết”. Ngư dân lớn tuổi nhất đi trên tàu này là Phạm Văn Vương (60 tuổi). Ông đã cùng anh em ra ăn tết ở Hoàng Sa. Ông Vương kể chuyện thú vị, đó là đón xuân trên biển, cả tàu giống như anh em trong một gia đình, ngư dân nào có giọng hát hay thì lên Icom biểu diễn để ngư dân ở các tàu khác nghe và phụ họa.

Ngày xuân, đêm nào các ngư dân thực hiện chương trình karaoke “chay”trên máy Icom, giữa tàu này hát cho tàu khác nghe. Thuyền trưởng Phạm Quang là người thường hát những bài ca trữ tình đến tận nửa đêm. Khi hát hò, các ngư dân thường nhắc đến lời bài hát nói về nghề cá truyền thống: “nhớ mùa cá chuồn nhảy dây ăn trứng…”.

Ở tỉnh Quảng Ngãi, có những cửa biển cấm kỵ, không cho tàu xuất hành trong ngày xuân, như cửa biển Sa Huỳnh. Còn ở cửa biển Sa Kỳ, Mỹ Á thì ngày xuân các ngư dân vẫn dong tàu ra khơi để tìm “lộc biển” và nhiều tàu trúng hàng trăm triệu đồng. Tết năm 2019, tàu cá QNg 98894 TS của ông Nguyễn Văn Bắc ở cửa biển Mỹ Á cập bến vào mùng 9 tết với hầm cá ngừ khoảng 5 tấn, bán ra hơn 500 triệu đồng.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.