Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đem lại giá trị kinh tế cao, ngành nông nghiệp Hải Phòng đã tập trung chỉ đạo, chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng, thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thực hiện đồng bộ, đều khắp tại các địa phương có sản xuất nông nghiệp, trong đó thành công và hiệu quả hàng đàu chắc chắn là việc phát triển và mở rộng vùng trồng hoa, cây cảnh ở huyện An Dương. Nhờ có cơ chế hỗ trợ thiết thực và những giải pháp tuyên truyền hiệu quả, đến nay huyện An Dương đã có hơn 590ha diện tích hoa, cây cảnh đạt, trong đó diện tích hoa chiếm 220ha, diện tích cây cảnh là 360ha, bao gồm cây cảnh và các loại hoa chậu, hoa cắt cành.
Các địa phương thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng này tập trung ở các xã như Đồng Thái, Hồng Thái, Đặng Cương, Lê Lợi, thị trấn An Dương, Quốc Tuấn, An Hưng, Tân Tiến, Đại Bản… với nhiều loại hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao đang được thị trường ưa chuộng như đào cảnh, quất cảnh, hải đường, hoa lan, hoa lay ơn, hoa loa kèn…
Do được đầu tư chiều sâu, bài bản nên thu nhập của người dân khá cao, bình quân nhập từ 100 - 250 triệu đồng/năm trở lên, những hộ trồng và kinh doanh cây cảnh, cây thế lâu năm, vườn cây có giá trị hàng tỷ đồng/năm.
Gia đình anh Phạm Văn Sơn, thôn Dân Hạnh, xã Đặng Cương có 4 sào ruộng, nhiều năm trước đây khi còn trồng lúa do sâu bệnh và chuột phá hoại nhiều nên năng suất ngày càng kém đi, khi các khu công nghiệp nở rộ, cũng như nhiều hộ dân trong thôn đã bỏ ruộng để làm những việc khác có thể đem về nguồn thu lớn hơn cho gia đình.
Sau khi một số hộ dân trong xã bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang hoa, cây cảnh và cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh Sơn đã mạnh dạn tìm hiểu kỹ thuật để trồng đào cảnh. Đến nay, với 220 gốc đào, mỗi dịp Tết đến xuân về, gia đình anh Sơn thu về hơn 400 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. “Sức tiêu thụ hoa và cây cảnh là rất lớn, nguồn cung như hiện tại là đang thiếu, khoảng 25 Tết là hết hàng. Thu nhập từ đào so với trồng lúa và các loại cây trồng khác cao hơn hẳn”, anh Sơn chia sẻ.
Còn tại thôn Nam Bình xã An Hưng, từ khi tham gia đình anh Nguyễn Thành Hiệp chuyển đổi 1,5ha từ trồng lúa sang trồng hoa lay ơn theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cũng đã cho nguồn thu cao hơn hẳn.
Ngoài sử dụng phân hữu cơ, gia đình anh Hiệp còn thay đổi cơ cấu cây trồng, sau vụ hoa thì trồng dưa và 1 vụ trồng lúa để hạn chế sâu bệnh hại và hạn chế dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật để vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động. “Được hướng dẫn kỹ thuật từ đầu của cán bộ khuyến nông và sử dụng phân bón vi sinh hữu cơ nên thời gian trồng đến thu hoạch được rút ngắn xuống còn từ 85 - 90 ngày, đợt tết 2022, tôi thu được hơn 250.000 bông, sau khi trừ chi phí lãi gần 1 tỷ đồng”, anh Hiệp chia sẻ.
Theo Phòng NN-PTNT huyện An Dương, chỉ tính riêng dịp Tết 2022, nguồn thu từ hoa và cây cảnh toàn huyện này đã đạt 210 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều lần so với việc trồng lúa trước đây. Để hỗ trợ người dân mở rộng diện tích canh tác, thuận tiện trong liên kết tiêu thụ sản phẩm, huyện An Dương đã xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho một số vùng hoa cây cảnh cho các làng nghề để có hướng duy trì, phát triển diện tích phù hợp.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đã tập trung đầu tư xây dựng các điểm sản xuất hoa gắn với du lịch sinh thái và tâp trung xây dựng đề án phát triển nông nghiệp bền vững huyện An Dương theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao. “Toàn huyện có 5 làng nghề hoa cây cảnh là làng Minh Kha xã Đồng Thái, làng Kiều Trung xã Hồng Thái, làng Tri Yếu xã Đặng Cương, làng Đồng Dụ xã Đặng Cương, làng Lương Quy xã Lê Lợi. Trong thời gian tới địa phương sẽ tập trung một số giải pháp sau như có chính sách ưu đãi về đất đai và vốn vay cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh”, ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Dương cho biết.
Định hướng phát triển ngành nông nghiệp Hải Phòng đến năm 2030 là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, công nghệ cao, an toàn về sinh thái, đạt hiệu quả cao và tạo ra giá trị lớn. Trong nhiều năm qua, Hải Phòng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, khuyến khích hỗ trợ nông dân trên địa bàn xây dựng mô hình về ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, giống mới vào canh tác nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, khắc phục tình trạng đất xen kẹp ven làng, ven khu công nghiệp, làm đường giao thông bỏ hoang, canh tác không hiệu quả.
Nhiều mô hình triển khai có hiệu quả, được nhân ra diện rộng như mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang sản hoa lay ơn, hoa hướng dương, hoa đồng tiền, hoa loa kèm chịu nhiệt… có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập 150 - 200 triệu đồng/ha.