| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi ngành nghề, giảm khai thác tận diệt thủy sản

Thứ Ba 06/08/2024 , 15:11 (GMT+7)

Sóc Trăng Giảm khai thác một cách tận diệt thủy sản nội đồng, nông dân Sóc Trăng được tạo điều kiện vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi ngành nghề, nâng cao thu nhập.

Khai thác nguồn lợi thủy sản nội đồng là một trong những nguồn sinh kế của người dân vùng nông thôn ở Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Khai thác nguồn lợi thủy sản nội đồng là một trong những nguồn sinh kế của người dân vùng nông thôn ở Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Với địa hình sông, rạch chằng chịt trải dài tại nhiều địa phương, tỉnh Sóc Trăng có nguồn lợi thủy sản nội đồng đa dạng và dồi dào. Thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có khoảng 661 loài thủy sản, thuộc 319 giống và 138 họ.

Người dân sinh sống ở một số khu vực vùng sâu của huyện Kế Sách xem nghề khai thác, đánh bắt thủy sản nội đồng là sinh kế tăng thêm trong thời gian nhàn rỗi.

Để khai thác được số lượng thủy sản lớn, nhiều năm qua, các hộ dân không ngần ngại sử dụng xung điện hoặc các loại lưới có kích thước nhỏ hơn quy định để khai thác. Điều này dẫn đến nguồn lợi thủy sản, chủ yếu là các loài cá tự nhiên ở địa phương bị cạn kiệt nghiêm trọng.

Trước thực trạng này, UBND huyện Kế Sách đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội đồng, bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội thảo, tập huấn, phát tờ rơi để người dân hiểu và nâng cao ý thức chấp hành các quy định liên quan đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhất là xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản mang tính tận diệt.

Qua nhiều năm triển khai, đến nay số vụ khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn huyện giảm đi rõ rệt. Tình trạng người dân sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản gần như chỉ còn 1-2 trường hợp.

Riêng tại huyện Mỹ Tú, nguồn lợi thủy sản tập trung nhiều trên địa bàn xã Mỹ Phước. Ngoài hoạt động tuyên truyền về các văn bản pháp luật có liên quan, địa phương phối hợp chặt chẽ với Ban nhân dân các ấp, tiến hành rà soát, lập danh sách các hộ khai thác thủy sản trái phép.

Ngành chức năng tiến hành tiêu hủy các phương tiện khai thác thủy sản trái phép. Ảnh: Kim Anh.

Ngành chức năng tiến hành tiêu hủy các phương tiện khai thác thủy sản trái phép. Ảnh: Kim Anh.

Qua đó, thành lập Ban chỉ đạo đến tận nhà để vận động bà con giao nộp lại các phương tiện khai thác trái phép và vận động ký cam kết không tái diễn.

Hiện bà con đều ý thức được việc sử dụng ngư cụ cấm, khai thác một cách tràn lan sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tôm cá tự nhiên và tác động trực tiếp đến sinh kế lâu dài. Do đó, nhiều trường hợp tự nguyện giao nộp các dụng cụ khai thác không đúng quy định để ngành chức năng địa phương tiến hành tiêu hủy.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn vay, chuyển giao khoa học kỹ thuật, để bà con thuận lợi chuyển đổi sang các ngành nghề khác phù hợp với đặc thù vùng trũng của huyện.

Đến nay, nhiều bà con đã tiếp cận được các mô hình nuôi trồng thuỷ sản tiên tiến, gắn khai thác với bảo vệ, như: mô hình cá - lúa, cá - sen… tạo thu nhập tăng thêm trên cùng một đơn vị diện tích.

Trong đó, nhiều mô hình có bước phát triển cao hơn, xây dựng được nhãn hiệu sản phẩm, thành lập cơ sở chế biến, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Điển hình như: mắm cá rô không xương, khô cá lóc, chả cá... thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Thả cá giống góp phần phát triển đa dạng nguồn lợi sinh học, tài nguyên thủy sản ở các sông, kênh nội đồng. Ảnh: Kim Anh.

Thả cá giống góp phần phát triển đa dạng nguồn lợi sinh học, tài nguyên thủy sản ở các sông, kênh nội đồng. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trần Thế Cường, chủ vựa mắm Cường Quắn ở ấp Phước Thọ A, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú cho biết, từ sau khi được địa phương tuyên truyền, bản thân ông nhận thấy việc khai thác thủy sản nội đồng bằng ngư cụ cấm rất nguy hiểm.

Từ đó, ông quyết định chuyển đổi sang nghề giăng lưới, nuôi cá lóc trong vèo, rồi thu mua thêm cá từ những nơi khác. Dần dần hình thành vựa mắm, cải thiện kinh tế gia đình và mở rộng được đầu mối liên kết, tiêu thụ sản phẩm ở các tỉnh, thành khác.

Từ những chuyển biến trên, có thể khẳng định những giải pháp kết hợp bảo tồn và khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế nguồn lợi thủy sản nội đồng đang tạo ra sự cân bằng cho hệ sinh thái, giải quyết công ăn việc làm và mang đến nguồn thu nhập chính đáng cho người dân Sóc Trăng.

Xem thêm
Kiên Giang bắt đầu thả giống nuôi tôm nước lợ từ tháng 1/2025

Năm 2025, Kiên Giang đề ra kế hoạch sản lượng tôm nuôi đạt 140.000 tấn, thời vụ thả giống nuôi tôm nước lợ từ tháng 1/2025.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.