| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi sản xuất theo điều kiện mới, giúp tăng thu nhập

Thứ Sáu 05/11/2021 , 14:09 (GMT+7)

Nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước được kiểm soát nhờ có công trình đầu tư, lợi nhuận tăng thêm từ 30-50%.

Hết lo mặn xâm nhập

Đợt hạn, mặn lịch sử xảy ra vào mùa khô năm 2015-2016, đã khiến người dân TP Rạch Giá và các huyện lân cận bấn loạn vì thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng kéo dài hàng tháng trời. Liên tục những năm sau đó, Kiên Giang phải chi hàng chục tỷ đồng để đắp đập tạm ngăn sông không cho nước mặn từ biển lấn sâu vào nội đồng. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, căn cơ cần có những công trình thủy lợi điểu tiết mặn, ngọt một cách chủ động, kịp thời.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, giai đoạn từ năm 2019-2020, trên địa bàn tỉnh đã thi công xong và đưa vào sử dụng 10 cống kiểm soát mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Tổng vốn đầu tư xây dựng các công trình này là 814 tỷ đồng.

Trong đó, cống Kênh Cụt (TP Rạch Giá), có vốn đầu tư 277 tỷ đồng, thuộc dự án quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL, nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB6). Các cống thuộc dự án công trình khẩn cấp khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn vùng ven sông Cái Bé, gồm: cống rạch Cà Lang, cống Đập Đá (huyện Châu Thành), có vốn đầu tư lần lượt là 58 và 31 tỷ đồng và cống Sông Kiên (TP Rạch Giá), vốn đầu tư 198 tỷ đồng.

Theo ông Toàn, đây là những công trình trọng điểm, cấp bách nhằm triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL. Qua đó, đã giúp nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, điều tiết mặn, ngọt hiệu quả, giúp phát triển sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản.

Hàng loạt công trình thủy lợi trọng điểm được đầu tư thời gian qua đã giúp tỉnh Kiên Giang chủ động kiểm soát nguồn nước, thúc đầy phát triển sàn xuất. Ảnh: Văn Vũ.

Hàng loạt công trình thủy lợi trọng điểm được đầu tư thời gian qua đã giúp tỉnh Kiên Giang chủ động kiểm soát nguồn nước, thúc đầy phát triển sàn xuất. Ảnh: Văn Vũ.

Là những hộ dân trong vùng hưởng lợi từ các dự án nói trên, bà Thị Thiệt, ấp Thạnh Bình, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, có 1.600 m2 đất đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất. Bà Thiệt cho biết: “Trước đây, cứ đến mùa hạn mặn là người dân trồng rau ở đây khổ lắm, vì không có nước tưới. Mùa khô năm 2015-2016, mặn tràn vào kéo dài mấy tháng liền, đến người còn không có nước sử dụng thì nước đâu tưới rau. Bây giờ thì có cống ngăn mặn rồi, không lo nữa. Tôi đầu tư cả hệ thống tưới tự động, trồng rau được quanh năm. Mỗi năm thu hoạch khoảng hơn 5 tấn rau các loại, giá cân cho thương lái từ 10.000 – 15.000 đồng/kg tùy loại, doanh thu cũng vài chục triệu đồng”.

Không còn lo mặn xâm nhập, bà Thị Thiệt đã đầu tư hệ thống tưới tự động, sản xuất rau màu quanh năm, giúp tăng thu nhập hộ gia đình. Ảnh: Văn Vũ.

Không còn lo mặn xâm nhập, bà Thị Thiệt đã đầu tư hệ thống tưới tự động, sản xuất rau màu quanh năm, giúp tăng thu nhập hộ gia đình. Ảnh: Văn Vũ.

Tương tự, hộ ông Danh Sinh ở cùng ấp, đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất 6 công đất từ chuyên trồng lúa sang trồng rau màu, nuôi thủy sản, kết hợp với gà, vịt. Theo ông Sinh nhớ lại, trước đây làm làm lúa rủi ro cao, thu nhập khá bấp bênh. Trồng rau màu kết hợp nuôi cá cũng khó, vì nước mặn vào bị thiệt hại. Nếu có đắp bờ giữ trong ruộng, trong ao được thì cũng không có nước để bơn bổ sung hoạc thay khi cần.

“Từ khi có các công trình thủy lợi lớn, người dân ở đây an tâm sản xuất. Gia đình tôi múc mương chung quanh toàn bộ khu ruộng, trồng rau cù nèo (cây tai tượng), bông súng dưới mương, kết hợp nuôi cá, ốc bươu và gà, vịt. Hiện mỗi ngày tôi hái rau cù nèo, bông súng bán cho thương lái đến tại nhà mua được từ 300-500 ngàn đồng. Nếu siêng thì nhiều, mệt thì hái ít, bao nhiêu cũng bán hết. Loại rau này trồng một lần thu quanh năm, cũng chẳng tốn phân, thuốc gì, rau sạch hoàn toàn. Mỗi tháng cũng thu nhập hơn chục triệu, rồi còn tiền bán ốc, gà, vịt, thu hoạch cá… Nói chung thu nhập vậy đồi vơi nông thôn là sống khỏe rồi”, ông Sinh phấn khởi khi nói hiệu quả của mô hình chuyển đổi.

Hộ ông Danh Sinh đã mạnh dạn chuyển 6 công đất chuyên trồng lúa sang trồng rau màu, nuôi thủy sản, kết hợp với gà, vịt, thu nhập không chỉ ổn định mà còn tăng cao. Ảnh: Văn Vũ.

Hộ ông Danh Sinh đã mạnh dạn chuyển 6 công đất chuyên trồng lúa sang trồng rau màu, nuôi thủy sản, kết hợp với gà, vịt, thu nhập không chỉ ổn định mà còn tăng cao. Ảnh: Văn Vũ.

Ông Danh Sum, Phó trưởng ấp Thạnh Bình cho biết, người dân trong ấp chủ yếu sống bằng nghề trồng ra màu, trồng lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khi nguồn nước được kiểm soát thì sản xuất sẽ hiệu quả hơn, thu nhập của bà con được nâng lên rõ rệt. Cùng với đó là được ngành nông nghiệp tập huấn kỹ thuật, trồng rau an toàn để cung ứng ra thị trường. Lợi thế của địa phương ở đây là ngay vùng ven TP Rạch Giá, thị trường tiêu thụ rau màu rất tốt, thu nhập ổn định.

Tỉnh Kiên Giang nằm uốn mình theo vịnh Thái Lan thuộc vùng biển Tây, có bờ biển dài khoảng 200 km, với nhiều cửa sông đổ ra biển. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển kinh tế nông nghiệp đang dạng, với các mô hình sản xuất ngọt, mặn, lợ. Tuy nhiên, tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Chuyển đổi sinh kế bền vững

Hậu Giang là một trong những tỉnh nằm trong vùng được hưởng lợi từ việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Để thích ứng với điều kiện sản xuất mới, khi hệ thống này đi vào vận hành, ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ giúp nông dân TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ chuyển đổi sản xuất, thây đổi mô hình sinh kế, tập quán sản xuất.

Các hộ chuyển đổi mô hình sinh kế trồng khóm kết hợp nuôi thủy sản dưới mương nước của Hợp tác xã Thạnh Xuân, được hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tự động, giúp cây khóm phát triển tốt hơn trong mùa khô hạn. Ảnh: Văn Vũ.

Các hộ chuyển đổi mô hình sinh kế trồng khóm kết hợp nuôi thủy sản dưới mương nước của Hợp tác xã Thạnh Xuân, được hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tự động, giúp cây khóm phát triển tốt hơn trong mùa khô hạn. Ảnh: Văn Vũ.

Theo cán bộ khuyến nông của TP Vị Thanh, chúng tôi đến thăm mô hình chuyển đổi sản xuất trồng khóm kết hợp nuôi thủy sản dưới mương nước của Hợp tác xã Thạnh Xuân (xã Hỏa Tiến). Hiện hợp tác xã có 9 thành viên, với diện tích canh tác là 10 ha. Trước đây, mỗi hộ canh tác một kiểu, hô trồng khóm, hộ trồng tràm, trồng lúa… nhưng giờ thì đã đồng loạt chuyển đổi hết cùng mô hình khóm - cá.

Xã viên Nguyễn Hoàng Khải, có 1,6 ha đất trồng lúa, nhưng nay đã là những rẫy khóm đang sung sức, dưới mương nước thì cá cũng đang phát triển. Theo anh Khải, khi chuyển đổi nông dân được hỗ trợ khá nhiều, từ việc múc mương lên liếp, khóm giống, cá giống, tập huấn kỹ thuật… Riêng hệ thống tưới phun mưa là được hỗ trợ 100%, tuy nhiên cái khó là thiếu đường điện nhà nước đầu tư nên việc vận hành chưa tốt.

Hiện vườn khóm của anh Khải đang phát triển khá tốt, chuẩn bị cho trái trong thời gian tới. Còn cá sặc rằn đã qua giai đoạn ương dèo con giống, được thả ra nuôi diện rộng trong các mương nước. Anh Khải cũng như nhiều bà con ở đây đang kỳ vọng không lâu nữa mô hình này sẽ phát huy hiệu quả, cho thu nhập tăng cao.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào hoạt động, nguồn nước được kiểm soát tốt hơn, vườn khóm của các hộ chuyển đổi mô hình sản xuất tăng cả về sản lượng và chất lượng. Ảnh: Văn Vũ.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào hoạt động, nguồn nước được kiểm soát tốt hơn, vườn khóm của các hộ chuyển đổi mô hình sản xuất tăng cả về sản lượng và chất lượng. Ảnh: Văn Vũ.

Cách vườn khóm của anh Khải không xa, vườn khóm 1 ha của hộ xã viên Phạm Văn Diện, cũng đã được đầu tư hệ thông tưới phun mưa hoàn chỉnh. Trên bờ là cây khóm đang sung sức, dưới mương thì cá tung tăng lội. Bật cầu dao cho mô tơ chạy, hệ thống phun nước rào rào trên những luống khóm như trời mưa, ông Diện vui mừng nói: “Giờ thì mùa khô cũng như mùa mưa, người dân ở đây không lo nước mặn tấn công nữa. Khô hạn thì mình bật cho máy chạy, khóm vẫn xanh tốt. Công trình cống Cái Lớn – Cái Bé đã sớm phát huy hiệu quả. Nguồn nước được kiểm soát tốt, không còn nhiễm mặn, trồng cây, nuôi cá nước ngọt đều tốt hơn trước nhiều. Nhờ đó, mà hiệu quả kinh tế của bà con nươi đây đã tăng thêm từ 30-40% so với trước”.

Anh Nguyễn Hoàng Khải có 1,6 ha đất trồng lúa, nhưng nay đã là những rẫy khóm đang sung sức, dưới mương nước thì cá cũng đang phát triển mạnh. Ảnh: Văn Vũ.

Anh Nguyễn Hoàng Khải có 1,6 ha đất trồng lúa, nhưng nay đã là những rẫy khóm đang sung sức, dưới mương nước thì cá cũng đang phát triển mạnh. Ảnh: Văn Vũ.

Ông Lê Minh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết: “Mô hình khóm – thủy sản, thực hiện trình diễn với diện tích 10 ha, sẽ hỗ trợ bơm bùn, cải tạo đất bằng vi sinh, đầu tư hệ thống tưới phun mưa. Mô hình tôm – lúa, diện tích trình diễn 12 ha, hỗ trợ nạo vét kênh mương nội đồng, xây dựng trạm bơm điện, cầu giao thông nông thôn.

Mô hình lúa – rau màu, diện tích 19 ha, hỗ trợ nạo vét kênh mương, xây dựng cống, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Mô hình trồng mãng cầu xiêm, diện tích 9,6 ha, hỗ trợ nạo vét kênh mương, đắp bờ bao, hệ thống tưới nhỏ giọt. Với việc được đầu tư, cũng như hỗ trợ kỹ thuật, sẽ giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho bà con nông dân”.  

Tỉnh Hậu Giang, có 4 mô hình sinh kế mẫu được triển khai thực hiện, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn – Cái Bé đi vào vận hành. Cụ thể, mô hình khóm – khủy sản, tại xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh. Mô hình luân canh tôm – lúa và lúa – rau màu, tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ. Mô hình cây ăn trái, tại xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.