Do ảnh hưởng lũ quá nhỏ và về muộn, nên nguồn lợi thủy sản năm nay giảm rất nhiều so với các năm trước. Dù vậy, những ngày qua, nông dân vùng lũ như Đồng Tháp, Long An, An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ... vẫn nỗ lực triển khai các phương án đánh bắt thủy sản mùa lũ để mưu sinh.
Đối với các khu vực có đê bao bảo vệ nông dân tranh thủ gia tăng sản xuất lúa thu đông, rau màu các loại... để tăng thu nhập. Đặc biệt năm nay lũ nhỏ khiến những cư dân vùng đầu nguồn mưu sinh nhờ vào con nước gặp vô vàng khó khăn. Để có sinh kế, bà con phải tìm cách chuyển nghề, tìm mô hình làm ăn để phát triển kinh tế gia đình.
Ông Lê Văn Cường, ở xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) là một trong những ngư dân chuyên hành nghề đánh bắt thủy sản mùa lũ có kinh nghiệm hàng chục năm. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây ông Cường không còn hy vọng lũ về, những tay lưới, cần câu hay dớn…là những dụng cựu đánh bắt thủy sản trong lũ về, xem như là kỷ niệm của nghề khai thác cá mùa lũ. Để có thu nhập trong những tháng mùa lũ, gia đình ông đã chuyển đổi sang mô hình nuôi lươn trong bồn, vốn đầu tư ít nhưng hiệu quả khá cao. Với 4 bồn nuôi khoảng 2.000 con lươn, sau gần 7 tháng nuôi, ông Cường thu lợi nhuận hơn 35 triệu đồng.
Khi người dân không còn ăn theo con nước lũ nữa mà nhiều nông dân ở huyện Tam Nông hay Tháp Mười (Đồng Tháp) đã chuyển sang trồng rau thủy canh như rau nhút, bông súng, điên điển, ấu…để tăng thêm thu nhập.
Với diện tích hơn 4.000m2 của gia đình anh Trần Tấn Phương, ở xã Mỹ An, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đang trồng mít Thái nhưng chưa đến thời gian cho trái. Từ tháng 7 cho đến nay anh Phương cho tiến hành trồng cây điên điển để lấy bông dọc theo mương vườn vừa tránh lở đất vừa tăng thu nhập cho gia đình.
Anh Phương cho biết, từ khi trồng điên điển đến ngày thu hoạch mất khoảng 3 – 4 tháng, điên điển cho bông thu hoạch đều đặn khoảng 1 năm, sau đó chặt thay nhánh mới cho cây. Mỗi ngày gia đình anh có thể hái từ 15-20kg bông điên điển, bán được 20 ngàn đồng/kg. Nhờ đó có thêm thu nhập.
Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt, việc đi lại được thuận tiện, bông điên điển đã hút hàng trở lại, gia đình anh Phương dự tính mở rộng thêm diện tích trồng cây điên điển đủ cung ứng cho thị trường trong thời gian tới.
Lý giải ĐBSCL năm nay lũ về muộn và nhỏ hơn so với các năm trước đây, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái ĐBSCL cho rằng: thông tin cập nhật đến tuần 11-17 tháng 10/2021 của Dự án theo dõi đập Mekong (dự án MDM), việc tích nước của các đập trong lưu vực bắt đầu giảm vì các đập lớn đã gần đầy. Trong các tuần tới, sông Mekong sẽ đạt chế độ chảy tự nhiên theo lượng mưa, cho đến khi các đập xả nước vào mùa khô để phát điện và trong mùa khô mực nước sẽ cao hơn mực nước tự nhiên.
Cụ thể 11 đập ở Trung Quốc đã đầy 84%, ước lượng khoảng 20.5 m3 đã được chứa vào các hồ. Còn 34 các đập ở hạ lưu vực đang chứa khoảng 16,6 tỷ m3, đạt 75% dung tích.
Phần lớn dòng sông Mekong ở hạ lưu vực mực nước vấn thấp hơn bình thường. Theo mô hình dòng chảy tự nhiên (natural flows model) của Tổ chức Eyes on Earth thì tại Chiang Sean mực nước thấp hơn 60% so với tự nhiên (nếu không có đập) và 57% thiếu hụt tại Vientiane.
Dự báo đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng xuất hiện vào giữa tháng 10/2021, tại Tân Châu (An Giang) dao động ở mức từ 2,8-3,2m, thấp hơn khoảng 0,3-0,7m so với báo động 1 và thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-0,9m, tại Châu Đốc (An Giang) đỉnh lũ dao động ở mức 2,6-2,9m, thấp hơn khoảng 0,1 - 0,4m so với báo động 1 và thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,4 - 0,6m...