| Hotline: 0983.970.780

Ưu tiên chuyển đổi số để nâng cao giá trị nông sản

Thứ Ba 21/05/2024 , 06:30 (GMT+7)

Là tỉnh có cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, Yên Bái ưu tiên thực hiện các hoạt động chuyển đổi số để quảng bá và nâng cao giá trị nông sản.

Nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Yên Bái đã được cấp văn bằng chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ, tạo tiền đề thuận lợi cho xuất khẩu. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Yên Bái đã được cấp văn bằng chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ, tạo tiền đề thuận lợi cho xuất khẩu. Ảnh: Thanh Tiến.

Cấp 50 chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chủ lực

Năm 2023, tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Yên Bái tăng 5,29%, nằm trong top 10 toàn quốc và đứng thứ 3 trong 14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, đóng góp quan trọng tăng trưởng GRDP toàn tỉnh. Tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 22,12% GRDP.

Trong kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, thực hiện việc đưa sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu, thông qua chuyển đổi số sẽ giúp toàn ngành nông nghiệp, các hộ nông dân, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2024 tăng 5,55%; cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 21% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

Năm 2023 tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 22,12% GRDP của tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Năm 2023 tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 22,12% GRDP của tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với sở Thông tin và Truyền thông tham mưu với UBND tỉnh triển khai đến tất cả các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác tuyên truyền, tổ chức các hội thảo tham vấn ý kiến từ các chuyên gia để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã chú trọng chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên triển khai xây dựng và bảo hộ sở hữu trí tuệ một số sản phẩm nông sản đặc thù của địa phương dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.

Yên Bái đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: lương thực có hạt, chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, thuỷ sản, quế, sơn tra, tre măng Bát Độ, dâu tằm, gỗ nguyên liệu. Nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao như: quế, chè, tinh bột sắn, măng và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng với kim ngạch xuất khẩu hàng chục triệu đô la, chiếm từ 30 – 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 50 văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của tỉnh. Các sản phẩm sau khi được bảo hộ đã nâng cao giá trị, thương hiệu, tăng thu nhập cho người dân. Nhiều sản phẩm đã cõ chỗ đứng vững chắc trên thị trường, được khách hàng trong và ngoài nước biết đến và tin dùng như: gạo Séng Cù Mường Lò, măng tre Bát Độ, mật ong Mù Cang Chải, ba ba gai Văn Chấn, gạo nếp Tú Lệ, chè Shan tuyết Suối Giàng; bưởi Đại Minh, các sản phẩm từ quế, chè, gia súc, gia cầm…

Sản phẩm bưởi Đại Minh ngày càng được khách hàng trên cả nước biết đến nhờ được công nhận sản phẩm OCOP và làm tốt hoạt động xúc tiến thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản phẩm bưởi Đại Minh ngày càng được khách hàng trên cả nước biết đến nhờ được công nhận sản phẩm OCOP và làm tốt hoạt động xúc tiến thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Tiến.

Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã khai thác triệt để tài nguyên bản địa cùng với kỹ thuật, công nghệ chế biến tạo ra những sản phẩm OCOP đa dạng, phong phú, chất lượng, góp phần nâng tầm giá trị cho nông sản. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức đánh giá, chứng nhận được trên 230 sản phẩm OCOP, trong đó có 25 sản phẩm đạt 4 sao và trên 200 sản phẩm đạt 3 sao.

Tỉnh Yên Bái đã xây dựng, vận hành hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, thông tin về sản phẩm OCOP. Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đưa các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ người dân lập các kênh bán hàng online trên các trang mạng chính thống như Facebook; Tiktok...

Ngoài ra, hiện nay toàn tỉnh đã cấp được 89 mã số vùng trồng trong đó có 41 mã số phục vụ xuất khẩu và 48 mã số phục vụ tiêu thụ nội địa. Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, mã số vùng trồng được coi là "tấm vé thông hành" của nông sản. Khi có vùng trồng được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng đó sẽ có điều kiện thuận lợi để đến với các thị trường, đặc biệt đối với xuất khẩu theo đường chính ngạch. Với lợi ích này, đây trở thành một trong những tiêu chí mà tỉnh Yên Bái đưa vào để đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu. 

Sản phẩm quế bột của HTX quế hồi Việt Nam (xã Đào Thịnh) được dán tem nhãn xuất khẩu đi các nước châu Âu. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản phẩm quế bột của HTX quế hồi Việt Nam (xã Đào Thịnh) được dán tem nhãn xuất khẩu đi các nước châu Âu. Ảnh: Thanh Tiến.

Song song với đó, trong các lĩnh vực chuyên ngành, tỉnh đã có nhiều giải pháp chuyển đổi số được áp dụng như: hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản trên hồ Thác Bà; hệ thống đo mưa tự động tại các địa phương trong tỉnh để phục vụ cảnh báo thiên tai. Sử dụng, vận hành trạm thu ảnh viễn thám MODIS để phát hiện cảnh báo và thông tin điểm cháy đến các chủ rừng; triển khai cập nhật cơ sở dữ liệu về chi trả dịch vụ môi trường rừng trên phần mềm, 100% thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch điện tử khác…

Trong sản xuất của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và nông hộ, đã có những giải pháp chuyển đổi số được áp dụng như hệ thống tưới nước tự động; hệ thống máng ăn, uống nước tự động; theo dõi, quản lý giám sát chăn nuôi bằng hệ thống camera…

Để nông dân thấy lợi ích từ chuyển đổi số

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Yên Bái vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi số trong lình vực nông nghiệp như: Hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp chưa được thống nhất, đầy đủ, thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ số của người dân, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp chưa hoàn thiện.

Cần nâng cao nhận thức cho người nông dân về vai trò và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ảnh: Thanh Tiến.

Cần nâng cao nhận thức cho người nông dân về vai trò và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái cho biết, xác định nhiệm vụ thúc đẩy số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp là xu thế tất yếu, song cũng là một việc mới và khó, nhất là đối với tỉnh miền núi như Yên Bái, điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để đẩy mạnh số hóa ngành nông nghiệp hiệu quả hơn nữa, tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ NN-PTNT xây dựng và ban hành Kiến trúc dữ liệu nền tảng Ngành nông nghiệp. Thực hiện các giải pháp thu thập, quản lý và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả, đồng bộ từ việc theo dõi thời tiết, quản lý sản xuất nông nghiệp, đến thị trường và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bộ NN-PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tổ chức các hội nghị, hội thảo, các mô hình khuyến nông về vai trò và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức của các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là người nông dân về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

VietinBank giành cú đúp giải thưởng về Báo cáo thường niên tại VLCA 2024

LÂM ĐỒNG VietinBank được vinh danh tại VLCA 2024 với hai giải thưởng quan trọng, khẳng định nỗ lực minh bạch thông tin và phát triển bền vững.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.