Khi người trẻ “cãi” người già
Gần một tuần tôi ở núi Pha Luông (xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) ngày nào cũng mưa. Những cơn mưa trắng trời biên viễn. Những cơn mưa xóa nhòa đi những cánh rừng thẳm, những khuôn mặt người lầm lũi. Lúc này tôi mới thấy thấm thía mấy câu thơ trong bài "Tây Tiến" của Quang Dũng: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút đèo mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.
Trong những buổi mưa Pha Luông triền miên đó, hoài niệm trong lòng người chợt ùa về. Mà có xa xôi gì đâu? Mới chỉ 10 - 15 năm trước. Hồi đó đám ma là một lễ lớn, quan trọng nhất của người Mông, còn hơn cả đám cưới. Xác chết được buộc trên một tấm gỗ đặt trên cái giá giữa nhà được con cháu xúc cho ăn ngày 3 bữa. Xác chết cứ để như thế đến 10 - 12 ngày đến nỗi thân thể phân hủy. Ruồi bay vù vù đen đặc xung quanh xác chết, con cháu phải ngày đêm ngồi canh, cầm cái que buộc với túm ni lông mà xua đuổi.
Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến cho khách lạ phải đi vòng qua đường để tránh nhưng người ta vẫn tổ chức ăn uống như thường ngay ngoài sân. Mỗi đám ma thường giết 4 - 6 con trâu, có nhà đến hơn 10 con trâu, tùy theo số lượng con trai nhiều hay ít mà phải báo hiếu mỗi người bằng 1 - 2 con trâu. Thịt trâu không chỉ nấu ăn tại chỗ mà còn được chia cho bất cứ ai đến dự đám ma và làm giúp cũng mang theo 1 - 2kg về nhà làm quà. Luật tục của dân tộc Mông giống như cái đinh đóng vào cây gỗ nghiến rồi, tưởng ngàn đời khó thay đổi.
Thế nhưng có những người trẻ đã dũng cảm "nhổ" nó đi. Đó là Thào A Sủ và Thào A Bua ở bản Dân Quân cũ, nay sáp nhập vào thành bản Pha Luông mới. Sủ sinh năm 1981 nhưng đã được bầu là già làng uy tín dù chỉ học đến lớp 5. “Mình khuyên đưa người chết vào quan tài thì người già bảo: “Người Mông mà làm như thế con ma sẽ phạt”. Mình can đám ma đừng thịt nhiều trâu thì người già bảo: “Phong tục của tổ tiên để lại, phải để cho con ma dắt trâu đi theo dây, về sau xác chết mới nhanh được quay trở lại làm người”. Mình nói: Đây là những hủ tục xấu, phải thay đổi, phải bỏ đi”...
Còn Bua sinh năm 1982, tham gia công tác mặt trận từ năm 2008, lúc đang còn là học sinh cấp hai. Chưa có ai ở bản trên, bản dưới, xã trong, xã ngoài vừa làm học sinh lại vừa làm cán bộ như Bua cả. Bảy chị em trong nhà nhưng chỉ có anh và em gái út được đi học. Sau này Bua còn làm công an viên rồi phó bản nữa. Càng được học chữ thì cái đầu của Bua mỗi lúc một sáng ra. Người Mông quê anh còn nghèo lắm nhưng lại tốn nhiều tiền của, nhiều thời gian cho những hủ tục truyền từ đời này qua đời khác. Bản thân anh tự thấy phải có trách nhiệm với bà con, không thể để cho họ lạc hậu mãi được.
“Cuộc vận động đưa người chết vào quan tài của bản Dân Quân cũ mất 3 năm. Năm đầu tiên mình thua. Họ vẫn để người chết trên tấm ván, lấy dây buộc vào để họ hàng đến có khóc lóc, động vào thì cũng không bị rơi; làm ma để 10 - 12 ngày mới chôn. Năm thứ hai mình hòa. 40% theo mình, đưa người chết vào quan tài nhưng làm ma vẫn để 5 - 6 ngày mới chôn, còn 60% không theo, cứ nghe người già, vẫn để người chết trên tấm ván, làm ma lâu ngày mới chôn. Năm thứ ba, mình vận động, họ nói: “Tổ tiên không theo người trẻ, chỉ theo người già”. Mình bảo: “Tôi chỉ theo Đảng và theo Nhà nước để người chết vào quan tài, làm ma 24 - 48 tiếng rồi chôn thôi". Giờ, dân tộc Mông mình vẫn đổ cơm cho người chết ăn nhưng không đổ vào miệng mà đổ vào quả bầu, còn áo quan thì 100%. Ai không có tiền, bản vận động dòng họ mỗi người 50.000 - 100.000 đồng mua ủng hộ”.
Nhưng để thuyết phục được mọi người anh phải nêu gương trước. Bố mất năm 2006, nhà có 7 anh chị em, là con trai thứ nhưng Bua lại quyết định thay anh, chị, cho xác vào quan tài để 2 ngày rồi chôn, không mổ nhiều trâu mà chỉ giết có 2 con bò. Người già bảo sợ phạm vào truyền thống, sau này tổ tiên trách phạt. Người trẻ sợ luật tục cũ nên cũng phản đối nhưng anh vẫn cứ kệ. Người Mông khi ấy còn chưa biết làm quan tài, anh đành phải nhờ người Kinh lên đóng cho một chiếc dạng kín. Sau khi đưa bố vào quan tài, chôn mãi mà chẳng thấy con ma nào trách phạt Bua, lời xì xào mới dần ngớt.
Dòng họ "5 có 5 không"
Rồi đến là chuyện thuyết phục dòng họ. Dòng họ Thào của Bua đã bầu ra 4 ông cầm quyền chủ tổ tiên ở các vùng, có toàn quyền cắt bỏ các hủ tục của người Mông, trong đó ông Thào A Lử ở bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn. Cầm quyền chủ tổ tiên tập hợp các trưởng họ Thào ở 12 bản tại các xã Chiềng Khừa, Chiềng Sơn, Tân Lập thuộc huyện Mộc Châu, các xã Tú Nang, Mường Lựm, Phiêng Khoài thuộc huyện Yên Châu, xã Chiềng Lương thuộc huyện Mai Sơn, các xã Tà Xùa, Xím Vàng, Háng Đồng, Hồng Ngài thuộc huyện Bắc Yên gồm hơn 500 hộ, với trên 3.000 nhân khẩu đến. Họ mở hội nghị, quyết định thực hiện cam kết “5 có 5 không” của người Mông.
Cụ thể, 5 có gồm: Có đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; có tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ, các dân tộc và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang ma, lễ hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; có ý thức xây dựng bản mới phát triển toàn diện, ấm no, hạnh phúc, đảm bảo an ninh trật tự; có nhiều người hiếu học, biết chữ, chăm làm, công tác tốt.
5 không gồm: Không du canh du cư, phá rừng làm nương, vượt biên trái phép và làm việc xấu; không truyền đạo trái phép và trái với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; không để người chết nhiều ngày, không để ngoài áo quan và mổ nhiều trâu, bò; không tái trồng cây thuốc phiện, buôn bán, vận chuyển, sử dụng các chất ma túy; không tảo hôn, thách cưới khi lấy vợ, gả chồng, sinh nhiều con.
Đây thực sự là một cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối, giữa hủ tục và phong tục tốt, đôi lúc giằng co nhau rất khó khăn, căng thẳng. Tình trạng tảo hôn, sinh đẻ không kế hoạch, vượt biên trái phép, truyền đạo trái phép vẫn còn xảy ra ở 12 bản. Bởi thế mà những người đứng đầu dòng họ Thào phải noi gương cho con cháu nhìn thấy con đường sáng phía trước. Khi một ông cầm quyền chủ tổ tiên là Thào A Lử ở bản Pa Khôm, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu mất, họ quyết thực hiện ngay 5 không, đưa vào quan tài cho sạch sẽ. Còn 5 có, các mô hình kinh tế đã dần phát triển ở cả 12 bản, trong đó có Dân Quân cũ hay Pha Luông mới xuất hiện nhiều tấm gương điển hình.
Thào A Bua nhớ đinh ninh lời của bố dặn trước khi chết rằng sau này ai rủ hút thuốc phiện cũng không được theo, hãy nhìn vào hoàn cảnh của bố nghiện khổ thế này, nhà lúc nào cũng nghèo, chẳng giúp được ai. Năm 2005, anh đi Pha Khen, Tả Phình xem người Kinh, người Thái trồng mận thu được tiền, thích lắm nên quyết định học theo. Cả bản cười: “Người Mông mình xưa nay chỉ biết trồng cây ngô mà thôi chứ không biết trồng cây mận đâu”. Nhưng miệng họ nói thì tai họ nghe chứ anh không nghe, vẫn tiếp tục công việc của mình, năm đầu trồng được 300 cây, năm thứ hai trồng được 200 cây, phủ kín 1ha đất đồi.
Trồng mận, Bua không bón phân hóa học như trồng ngô mà bón phân chuồng, lại còn biết cắt tỉa cành chứ không phải cành nào cũng để. Nhờ đó mà quả mận rất to và đẹp. Anh không bán ở xã mà đem ra tận thị trấn Mộc Châu để chào hàng. Người ta xúm đến ăn thử rồi hỏi địa chỉ, vụ sau, vào tận vườn mua: “Lúc đầu mình tìm khách, sau đó khách tìm mình. Mình trồng cây thì cây nuôi mình. Nhiều người đến thăm vườn không tin được là người Mông lại biết trồng cây đẹp như thế. Mỗi vụ, trung bình mình thu 150 triệu, trong đó đầu tư hết khoảng 30 triệu. Trồng lúa, trồng ngô không bao giờ đạt lãi cao được như thế”…
4 ông cầm quyền chủ tổ tiên của dòng họ Thào đã đi đầu trong việc phòng chống hủ tục nhưng không phải ông cầm quyền chủ tổ tiên của các dòng họ khác cũng đều gương mẫu như thế. Tôi có nghe về trường hợp của ông Giàng A Ch mới bị công an bắt 3 tháng trước nên nổi máu tò mò, quyết đi tìm hiểu. (Còn nữa)
Trong đám ma của người Mông khi trước, mỗi đứa con trai phải làm thịt 1 con trâu hay 1 con bò để cúng ma, tạ ơn bố mẹ, cỗ bàn linh đình khiến cho nợ nần có khi đến đời cháu trả mãi cũng không hết. Giờ hủ tục đó tuy đã thuyên giảm nhưng vẫn còn một số hủ tục khác chưa bớt mấy.