| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ghi ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

Thứ Tư 25/03/2020 , 09:22 (GMT+7)

Nhiều loài động vật trong Sách Đỏ như vượn đen má vàng, mèo rừng, rái cá, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ… đã được cứu hộ ngoạn mục.

Một ngày làm việc của cán bộ Trung tâm. Ảnh: Trần Trung.

Một ngày làm việc của cán bộ Trung tâm. Ảnh: Trần Trung.

Vượt gần 200km từ TP.HCM, chúng tôi đến với Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) trong cái nóng hơn 35oC của ngày nắng hạn tháng 3/2020.

Lạ lùng thay, không khí oi nồng gần như bị bỏ quên khi mọi người bước chân vào khu Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Trung tâm) hiếm có trên trái đất này.

Nơi đây là một khu vườn trái cây đủ chủng loại xanh mát trĩu quả, hòa cùng những chú voọc, chim, sóc… đủ sắc màu nhảy nhót vui nhộn bên trong các ô chuồng chờ ngày được thả về rừng xanh. Gần đó là hình ảnh những cán bộ trung tâm tất bật chăm sóc và chuẩn bị bữa trưa cho hàng trăm cá thể động vật.

Sau lời chào thân thiện, mến khách, chúng tôi được anh Trần Văn Trưởng - Giám đốc Trung tâm dẫn đi tham quan khu nuôi nhốt loài linh trưởng. Không gian tĩnh lặng giữa trưa hè bỗng bị xé toang bởi tiếng réo rít của mấy con voọc chà vá, khỉ mặt đỏ...

Anh Trưởng lý giải: “Do chúng có bản chất hoang dã nên khi thấy người lạ vào là chúng í ới nhau cảnh giác”.

Vừa dứt lời, anh Trưởng không quên dặn dò mọi người khi đến thăm quan không nên đứng quá gần chuồng rất dễ bị tai nạn do động vật tấn công, ngoài ra không được cho động vật ăn bất kỳ thức ăn gì để tránh trường hợp chúng khó tiêu hóa, dẫn tới tử vong…

Một ngày làm việc của cán bộ Trung tâm. Ảnh: Trần Trung.

Một ngày làm việc của cán bộ Trung tâm. Ảnh: Trần Trung.

Vừa nói chuyện, chúng tôi vô tình bắt gặp một khoảnh khắc vừa đáng yêu, vô cùng thú vị: Một người phụ nữa trung niên, chừng ngoài 40 tuổi, đang tất tả chạy đến ôm trầm âu yếm chú voọc chà vá ngũ sắc. Ngạc nhiên hơn là chú voọc này cũng tỏ vẻ thích thú đón nhận.

Hỏi ra mới biết người phụ nữ tên Đỗ Thị Loan là chủ nhân của chú voọc. Chị Loan đã trao tặng chú voọc này cho Trung tâm và suốt 3 năm qua không tuần nào chị không có mặt tại đây để nhìn ngắm chú voọc đáng yêu được tự tay chị nuôi từ lúc bé xíu 0,5kg, giờ trưởng thành lên tới gần 10kg.

Một ngày làm việc của cán bộ Trung tâm. Ảnh: Trần Trung.

Một ngày làm việc của cán bộ Trung tâm. Ảnh: Trần Trung.

"Nhiều loài động vật thông minh, cũng cần tình cảm như con người. Khi được mình chữa trị, chăm sóc, nó cảm nhận được bằng ánh mắt, thế cũng vui rồi", anh Trưởng chia sẻ.

Chị Loan kể: Cách đây hơn 13 năm gia đình chị mưu sinh bằng nghề mua bán ve chai, tình cờ bắt gặp đồng bào S’tiêng trong khu vực này bẫy ở rừng được một cá thể voọc.

Thấy con voọc nhỏ nhắn, yếu ớt, tội nghiệp, chị chợt nghĩ nếu nó rơi vào tay người xấu rất dễ bị giết thịt nên đề nghị mua lại để nuôi dưỡng, đợi lớn rồi thả về rừng.

Thấm thoát sau 10 năm con voọc đã sinh trưởng khỏe mạnh, chị coi voọc như là đứa con út trong gia đình nên lo lắng từng bữa ăn đến giấc ngủ cho nó”.

Khoảnh khắc chị Đỗ Thị Loan và con vọc cưng trao nhau “nụ hôn”. Ảnh: Trần Trung.

Khoảnh khắc chị Đỗ Thị Loan và con vọc cưng trao nhau “nụ hôn”. Ảnh: Trần Trung.

“Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, thấy voọc đẹp nhiều người đã đến ngã giá hơn 50 triệu đồng để mua nó nhưng tôi quyết không bán.

Khi nghe tin Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn, phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập chuyên nhận vật nuôi hoang dã để huấn luyện bản năng sinh tồn, sau đó thả về rừng nên gia đình đã chủ động liên hệ để được bàn giao”.

Một ngày làm việc của cán bộ Trung tâm. Ảnh: Trần Trung.

Một ngày làm việc của cán bộ Trung tâm. Ảnh: Trần Trung.

Rời khu chuồng linh trưởng, anh Trưởng tiếp tục đưa chúng tôi đến nơi trú ngụ của các loài bò sát. Bất chợt phát hiện chú trăn đang chuẩn bị lột xác, bằng động tác thuần thục, anh Trưởng nhẹ nhàng ôm chú trăn đưa vào nơi trú ngụ đã được rải rơm từ trước để con vật dễ dàng thực hiện bản năng sinh tồn như ngoài tự nhiên.

Một ngày làm việc của cán bộ Trung tâm. Ảnh: Trần Trung.

Một ngày làm việc của cán bộ Trung tâm. Ảnh: Trần Trung.

Quay lại tiếp chuyện chúng tôi, anh Trưởng chia sẻ: “Chú trăn này là một trong hai cá thể trăn cũng do người dân địa phương trao cho Trung tâm bảo vệ, chăm sóc.

Cũng như các cá thể linh trưởng, do ở với gia chủ khá lâu, nên chúng không đủ điều kiện sinh tồn như mất tập tính hoang dã, mất chức năng vận động…

Chúng tôi tiếp tục theo dõi, chăm sóc đến khi nào chúng có bản năng sinh tồn thì sẽ thả về về rừng”.

Một ngày làm việc của cán bộ Trung tâm. Ảnh: Trần Trung.

Một ngày làm việc của cán bộ Trung tâm. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài 2 loài trên, chúng tôi còn được tận mắt chứng kiến nhiều loài động vật khác như hươu sao, cheo, rái cá, chim, sóc… đang được cứu hộ, chăm sóc hết sức tận tình.

Ông Vương Đức Hòa - Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập: “Việc thả động vật rừng về môi trường tự nhiên sau khi đã hoàn tất công tác cứu hộ là bước cuối cùng trong quy trình cứu hộ động vật hoang dã. Về lâu dài, việc này sẽ giúp cân bằng hệ sinh thái và có nhiều ý nghĩa to lớn khác cho môi trường tự nhiên. Người dân chủ động bàn giao động vật cho các Trung tâm cứu hộ để làm các thủ tục tái thả luôn được hoan nghênh”.

Để chủ động nguồn dinh dưỡng và thuốc tự nhiên, Trung tâm dành hơn 2ha trồng các loại cây ăn trái như mận, chuối, xoài, mít… làm nguồn thức ăn sạch cho các sinh vật, và hàng trăm cây thuốc như đinh lăng, mật gấu, cam thảo đất… nhằm phục vụ chăm sóc, chữa bệnh cho các loài động vật khi cần.

Gặp gỡ anh Nguyễn Đức Trọng, cán bộ có gần 5 năm công tác tại đây đang chăm sóc vườn cây, chia sẻ: Ðội cứu hộ động vật có 5 người, đều đặn mỗi ngày (kể cả ngày lễ) từ 7h sáng mọi người kiểm tra sức khỏe của các loài động vật, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, chăm sóc vườn cây, cho chúng ăn…, và kết thúc làm việc vào lúc 17h (nhiều bữa có thể kéo dài đến khuya vì trực chăm sóc động vật bị thương hay bệnh).

Anh Trọng cho biết, khó nhất là lo thức ăn cho rái cá, mèo rừng. Mỗi tháng, chi phí thức ăn, thuốc chữa bệnh cho động vật là không nhỏ, song nhờ công tác tự tạo nguồn thức ăn, thuốc men nên Trung tâm đã làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Kết thúc hành trình, chúng tôi lên xe chuyên dụng của đơn vị để đi thăm quan toàn cảnh khu rừng.

Hơn 2 tiếng trên xe ,vượt qua quãng đường rừng gần 60km gồ ghề với nhiều cung bậc cảm xúc, xe dần chậm lại bên thảm rừng già xanh ngắt. Các cán bộ đi cùng giới thiệu đây là khu nuôi thả bán hoang dã các loài linh trưởng.

Xuống tiếp tục đi bộ, len lỏi dưới tán rừng chừng 15 phút, từ xa bằng ống nhòm, chúng tôi thấy nhiều bầy khỉ nhào lộn trên cành cây. Khi thấy bóng người, một số con lẩn vào rừng song vẫn còn vài cá thể lao xuống tìm thức ăn, không thấy gì cho nên nhảy nhót, la hét inh ỏi.

Một cá thể linh trưởng được chăm sóc tại Trung tâm.

Một cá thể linh trưởng được chăm sóc tại Trung tâm.

Anh Trưởng tâm sự: Những vất vả được bù đắp bằng chính khoảnh khắc được thấy những cá thể động vật mình tự tay chăm sóc giờ đây khỏe mạnh, sinh trưởng và ngày càng phát triển trong môi trường tự nhiên - nơi kiến tạo Mẹ Thiên Nhiên vô cùng kỳ vĩ này.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập có tổng diện tích 25.601ha. Vườn hiện có 1.117 loài thực vật, có nhiều cây họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, trầm hương, kim giao và 278 giống cây dùng làm thuốc.

Về động vật, Vườn có hơn 400 loài, trong đó thú có 105 loài (30 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam); chim có 246 loài, có 10 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng như hồng hoàng, gà lôi hồng tía, dù dì phương đông, niệc mỏ vằn, chim công, gà tiền mặt đỏ, gà so cổ hung, chim yến hồng xám...; bò sát trên 70 loài (16 loài ghi trong Sách Đỏ).

 

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lần thứ 6, Quảng Ninh được đánh giá cải cách hành chính tốt nhất Việt Nam

Từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) cả nước (2017 đến năm 2020 và 2022 - 2023).