Hội nghị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT- Huế Nguyễn Văn Phương chủ trì cùng các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Toàn cảnh hội nghị |
Theo đề án quy hoạch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng cao cấp trên núi Bạch Mã dự kiến thực hiện trên diện tích 387,8 ha, gồm 2 khu. Khu A được thiết kế là trạm cơ sở và hạ tầng giao thông với 97,8 ha. Ngoài tuyến đường bộ sẵn có, đơn vị tư vấn đưa ra phương án xây dựng 2 tuyến cáp treo, với chiều dài 5,6km kết nối các phân khu du lịch trên đỉnh Bạch Mã; công suất tối đa là 1.750 hành khách/giờ.
Khu B chính là khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã khoảng 290 ha, với các chức năng chính là đón tiếp, hội thảo, triển lãm, dịch vụ thương mại (lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, giải khát...); các không gian hoạt động ngoài trời (phố đi bộ, tuyến thăm quan, tuyến hành hương, lễ hội, tín ngưỡng tâm linh, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên…). Tư vấn quy hoạch về các phân khu du lịch núi Bạch Mã là một đơn vị đến từ Hoa Kỳ - Công ty Wimberly Allison Tong & Goo.
Tại hội nghị, đa số các ý kiến góp ý đều chung quan điểm, phát triển Khu du lịch sinh thái Bạch Mã phải đảm bảo hạn chế tác động đến hệ thống cảnh quan, môi trường.
Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên GĐ Sở VH-TT tỉnh đề xuất, ở khu A (dưới chân núi Bạch Mã) hiện tại nằm ngoài ranh giới VQG nên không bị ràng buộc bởi các quy chế, có tiềm năng để xây dựng các khu du lịch cộng đồng. Còn ở khu B, trên đỉnh Bạch Mã nên quy hoạch công viên hoa ôn đới, các sơn trang… Việc xây dựng cáp treo, chỉ nên làm 1 tuyến cáp treo dưới chân lên đỉnh.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, giải pháp cáp treo là tối ưu vì ít tác động môi trường nhất lại có thể tham quan được hệ sinh thái từ trên cao. Còn về mật độ xây dung thì mật độ phân bố các công trình xây dựng trên đỉnh núi như trong quy hoạch là quá dày.
Phối cảnh khu du lịch có cáp treo ở núi Bạch Mã |
Còn theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn thì, phát triển du lịch Bạch Mã không thể đánh đổi môi trường. Do vậy, cần đánh giá đúng về sức chứa (lượng khách tối đa/ngày và thời gian lưu lại) để đưa ra được giải pháp khai thác du lịch nhưng vẫn bảo tồn được hệ sinh thái Bạch Mã. Theo ông, với Bạch Mã nên chọn mô hình du lịch "lượng khách ít, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao".