| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 10/04/2021 , 08:54 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 08:54 - 10/04/2021

Chuyện kỹ năng

Con ba tuổi, mẹ dạy không được vừa khóc vừa nói. Nín khóc mới nói rõ được, nghe không.

Con bị vấp té, mẹ không đánh cái vật khiến con bị vấp như những bà mẹ khác, mẹ chỉ dịu dàng “Không sao, không đau đúng không, con trai mẹ gan góc lắm, đúng không?” Chị gái đế thêm “Em phải chịu trách nhiệm với sơ ý của chính em, nghen!”

Bốn tuổi, mẹ để con ngồi chung mâm với người lớn, tự do với món mình thích trên mâm. Người giúp việc bất bình: “Nó sẽ làm tùm lum đầu cổ áo quần cho tới bàn ghế!”. Mẹ để yên cho cô chị giảng giải giúp: “Không được nhai khi nói, không được tùy tiện vọc hay lựa thức ăn trên mâm, không được dùng tay trét thức ăn hay cơm lên bàn mà phải biết dùng khăn, khăn đây!”.

Lớn lên chút nữa, bài học khó nhất bắt đầu: cầm đũa. “Có người cho con ăn cơm bằng tô đến hết tiểu học, khi vào cấp hai, không thể nào cầm đũa cho thạo nói gì cầm đũa cho đẹp”.

Mẹ tiếp lời ba: “Nữa em sẽ duyệt con dâu tương lai từ bàn ăn, chỉ vài lần là biết con nhà đó như thế nào”. Chị gái sốt sắng: “Nhìn Hai nè, cầm đũa cao lên, cầm khoan thai, không nắm chặt quá, khi gắp, nhấc cái chén lên cho gần với đũa để thức ăn không bị rớt dọc đường”.

Thêm phụ đạo nhỏ nữa nhưng nhất định phải thuộc bài: vét chén cơm cho sạch, mỗi hạt cơm là hạt ngọc trời ban cho con người, không được phung phí, rơi vãi!

Liên tục những bài học kỹ năng: đi học về, phải tự cất giày lên giá, vớ phải tự lộn bề mặt ra cho vào máy, quần áo phải đồ trắng giỏ riêng, đồ màu giỏ riêng. Bàn học phải tự thu xếp gọn gàng, không vì nhà có người giúp việc mà bày bộn. Đi thưa về trình, kể cả với người làm cũng phải khoanh tay cho lễ phép.

Ra đường, hay trog quán xá, bị người bán vé số đeo bám cũng không được hỗn. Khách đến nhà phải đứng lên bước ra chào dù đang bận học hay đang ôm ti-vi. Khách ra về, chờ khách đi khuất mới được đóng sập cửa, kẻo khách nghĩ nãy giờ mình đang sốt ruột.

Thời gian không chờ, những vấn đề của bé trai nhanh chóng chuyển sang giai đoạn khác. Dù mẹ ba và cả chị có trang bị cho bao nhiêu kỹ năng thì cậu chàng vẫn lóng ngóng.

Lại những bài học: không được chiếm nhà vệ sinh cho mỗi mình vào buổi sáng, không được tắm lâu, không được ăn so le với người thân nếu không có lý do chính đáng, không được chốt cửa phòng với nhu cầu tự do tuyệt đối, không được quên dọn giường, không được quên giúp ba mẹ và chị những việc thông thường, không được bắt người giíp việc dâng thức ăn tận miệng ở trong phòng…

Thời gian thấm thoát. Đã là môt chàng trai khôi ngô và tao nhã trong nhà. Biết kéo ghế bàn ăn cho mọi người, biết dọn bàn khi ăn xong, biết đỡ dần người giúp việc những việc nặng như bê quần áo từ máy giặt ra, biết làm đầy những thùng chứa phòng khi cúp nước, biết thay bóng đèn, biết đưa xe máy của ba mẹ đi rửa vào ngày cuối tuần… Siêng năng, ân cần, chu đáo.

Mười bảy tuổi tươi đẹp, “Sang bên đó con phải ngồi lại lớp 11 và sẽ lớp 12 vào năm sau”. Một bồ âu lo cho các đấng sinh thành và chị gái nhưng lại là một chân trời biếc xanh cho bất cứ ai ở tuổi ấy. Tự tin những bài học dày đặc từ khi còn bé đã thành cốt cách, thành phẩm chất. Dù vậy, vừa bước lên máy bay đường dài và khi transit ở một sân bay quốc tế xa lạ, thấy ngay mình thực ra mới chỉ là một cánh chim non sập sận, lóng ngóng, mù mờ.

Cậu trẻ homestay ở một gia đình được chỉ định. Những người da vàng gần gũi. Lần đầu ngồi ô tô của chủ nhà, ghế bên cạnh tay lái là ông chủ, cậu trẻ đã bị nhắc vì không cài dây an toàn. Bắt gặp ở người đàn ông cái cau mày ngạc nhiên.

Đến nơi, cậu trẻ không biết rằng phải xuống nhanh và mở cửa giúp bà chủ nhà ngồi ở ghế sau, lại một cái cau mày của cả ông bà. Rồi một hôm vào restaurant “Hôm nay một ngày vui, cháu được phép uống bia chàng nhỏ ạ”, ông bà chủ nhà mở lòng.

Nhưng cậu trẻ đã khiến bia trào cả ra bàn chỉ vì không biết cầm nghiêng cái cốc và rót từ từ. Thất sắc, chỉ vì hầu hết đàn ông xứ cậu, kể cả ba của cậu đã thản nhiên để bia trào ra và còn cúi thấp xuống để chu miệng húp.

Cảm ơn và Xin lỗi, cậu tự trách mình không thôi, lúc nào cũng ù lì lí nhí với hai thứ phản xạ gần như bắt buộc ấy. Phải nhìn thẳng vào người đối diện khi chuyện trò, phải tập một quan điểm riêng cho vấn đề đang thảo luận, phải trôi chảy và kềm chế, phải đi nhanh nhai chậm và nói khẽ, liên miên phải và phải…

Bỗng hiểu, thật thà tử tế mới chỉ là bộ rễ, kỹ năng mới làm nên chất lượng và dáng vóc của một cái cây. Phải, một cái cây bình thường nhưng rất cần ở nó sự thẳng thớm một cách lòa xòa, một cái cây chuẩn trong vẻ đẹp hiên ngang của nó.