| Hotline: 0983.970.780

Trồng rau má, cả phường khá lên

Thứ Hai 08/05/2023 , 05:59 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Hiện nay, trên địa bàn phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) có đến 213 hộ nông dân ‘đổi đời’ nhờ chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau má.

Rau má thế chân cây lúa kém hiệu quả

Cách đây khoảng 10 năm, một vài hộ dân ở khu phố Cửu Lợi Nam, phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) tiên phong trồng rau má dưới tán dừa để kiếm thêm thu nhập. Đất dưới tán dừa mênh mông thật, nhưng cằn cỗi, thiếu dinh dưỡng, tán dừa khép kín, cây rau không có ánh sáng để quang hợp nên èo uột, không phát triển nổi.

Cánh đồng rau má ở phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Cánh đồng rau má ở phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Thấy cây rau má là loại rau mang lại hiệu quả kinh tế, chính quyền địa phương đã vận động người dân đưa ra trồng tập trung theo hướng chuyên canh trên những diện tích đất lúa bị nhiễm phèn, cho năng suất kém. Những thửa ruộng thoáng đãng như “vùng đất hứa”, sống trên đất này cây rau má không còn vàng vọt, èo uột như khi sống dưới tán dừa mà xanh mướt từng lá. Đầu ra của rau má lại thênh thang nên những thửa ruộng bị nhiễm phèn trước đây không hiệu quả với cây lúa giờ lại mang tiền đến cho người dân.

Chẳng bao lâu sau, những diện tích trước đây canh tác lúa kém hiệu quả dọc các khối phố Cửu Lợi Nam, Cửu Lợi Đông, Tăng Long 1, Trung Hóa… đều được chuyển đổi, cây rau má thay cho cây lúa trải dài như tấm thảm nhung xanh mướt. Mùa nắng, trên những ruộng rau má điểm xuyết những chiếc dù đủ sắc màu, hay những tấm lưới râm che nắng cho những nông dân chăm sóc rau má.

Nông dân trồng rau má ở phường Tam Quan Nam kể: Những cánh đồng sản xuất lúa bị nhiễm phèn ở đây hầu hết bị bỏ hoang vì làm lúa chỉ thu hoạch rơm chứ lúa chẳng có là bao. Thấy những vùng trồng rau má nhỏ lẻ trong vườn nhà của bà con địa phương hàng ngày có nhiều thương lái đến tìm mua từng ký, nhưng không có rau má bán, thế là những nông dân có ruộng nhiễm phèn chuyển đổi những diện tích nói trên từ trồng lúa sang trồng rau má.

Đại lý thu mua rau má của chị Đào Thị Hương ở khu phố Cửu Lợi Nam, phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Đại lý thu mua rau má của chị Đào Thị Hương ở khu phố Cửu Lợi Nam, phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Khi ấy tôi mạnh dạn đầu tư trồng 3 sào rau má (500m2/sào), bình quân mỗi tháng thu hoạch khoảng 1 tấn, bán được 8 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 5 triệu đồng. Rau má dễ trồng, ít sâu bệnh, sau khi thu hoạch lứa đầu tôi tiếp tục tưới nước, bón phân, khoảng 20 - 25 ngày sau rau má lại cho thu hoạch, trồng rau má có thể thu hoạch quanh năm.

Bình quân cả năm, mỗi sào rau má cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Tính ra hiệu quả kinh tế của cây rau má cao gấp 3 - 4 lần so với cây lúa, nhờ vậy vợ chồng tôi xây dựng được căn nhà khang trang, có tiền nuôi con ăn học”, ông Nguyễn Kim Dũng (sinh năm 1970) ở tổ Chùa Vàng, khu phố Cửu Lợi Nam, người có hơn 8 năm gắn bó với nghề trồng rau má chia sẻ.

Theo UBND phường Tam Quan Nam, riêng khu phố Cửu Lợi Nam có gần 50% hộ nông dân trồng rau má với diện tích 7,5ha, mỗi ngày, nông dân ở khu phố này thu hoạch, cung ứng ra thị trường trên 2 tấn rau má. Hiện nay rau má có giá bình quân từ 8.000 - 10.000đ/kg, ước tính mỗi ngày bà con ở đây thu khoảng 16 - 20 triệu đồng. Nông dân các phu phố Cửu Lợi Đông, Tăng Long 1, Trung Hóa… cũng tham gia trồng hơn 10ha rau má, hiện toàn phường có 213 hộ trồng rau má với diện tích khoảng 18ha.

Đổi phận nghèo nhờ rau má

“Mùa nắng là mùa thu tiền của những người trồng rau má. Càng nắng nóng nhu cầu giải nhiệt của người tiêu dùng càng cao, rau má có tác dụng tiêu nhiệt, dưỡng âm, giải độc… nên được tiêu thụ mạnh. Người tiêu dùng mua rau má để nấu canh, ăn sống hoặc làm nước sinh tố...

Mỗi buổi chiều, trên những ruộng rau má đầy ắp tiếng nói cười của nông dân tập trung từng nhóm làm cỏ, tưới nước, bón phân cho những ruộng rau. Đến khoảng 2 - 3 giờ sáng hôm sau, bà con lại tất bật ra đồng thu hoạch rau má mang về nhập cho các đại lý”, ông Nguyễn Kim Dũng phấn khởi cho biết.

Vợ chồng ông Nguyễn Kim Dũng ở tổ Chùa Vàng, khu phố Cửu Lợi Nam chăm sóc rau má. Ảnh: V.Đ.T.

Vợ chồng ông Nguyễn Kim Dũng ở tổ Chùa Vàng, khu phố Cửu Lợi Nam chăm sóc rau má. Ảnh: V.Đ.T.

Gia đình ông Huỳnh Lập (sinh năm 1966) ở tổ Chùa Nam, khu phố Cửu Lợi Nam (phường Tam Quan Nam) cũng nhờ rau má mà đổi đời. Trước đây, cuộc sống của gia đình ông Lập luôn thiếu trước hụt sau, làm lúa trên chân ruộng phèn thu hoạch lúa ăn không giáp hạt. Bởi, bản thân ông bị liệt 1 cánh tay không thể làm việc nặng, vợ mua gánh bán bưng, thế là vợ chồng ông Lập chuyển sang trồng rau má. Công việc trồng rau má khá nhẹ nhàng, phù hợp với người khuyết tật như ông. Cũng nhờ rau má mà vợ chồng ông Lập nuôi 2 con học đại học đến nơi đến chốn.

Người có thu nhập “đỉnh” nhất trong những hộ trồng rau má ở phường Tam Quan Nam là anh Huỳnh Văn Đến (sinh năm 1980) ở khu phố Cửu Lợi Nam. Với 8 sào rau má, hàng năm gia đình anh lãi ròng hơn 100 triệu đồng. “Không riêng gì gia đình tôi, mấy năm qua cũng nhờ cây rau má mà hàng trăm hộ nông dân ở phường Tam Quan Nam có cuộc sống đủ đầy hơn, thậm chí có nhiều hộ giàu lên”, anh Đến cho biết.

Bình quân mỗi năm đại lý của chị  Đào Thị Hương ở khu phố Cửu Lợi Nam (phường Tam Quan Nam) thu mua, cung ứng ra thị trường khoảng 150 tấn rau má. Ảnh: V.Đ.T.

Bình quân mỗi năm đại lý của chị  Đào Thị Hương ở khu phố Cửu Lợi Nam (phường Tam Quan Nam) thu mua, cung ứng ra thị trường khoảng 150 tấn rau má. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện trên địa bàn Tam Quan Nam có 14 đại lý thu mua rau má lớn nhỏ, hàng ngày cung ứng ra thị trường từ 4 - 5 tấn rau má.

Chị Đào Thị Hương (sinh năm 1974), đại lý chính thu mua rau má ở khu phố Cửu Lợi Nam chia sẻ: “Trước đây, tôi buôn bán các mặt hàng hải sản, vốn bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả kinh doanh không cao. Sau khi nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rau má của các siêu thị, chợ ở các tỉnh phía Nam rất cao, nên cách đây 8 năm tôi quyết định chuyển sang làm đại lý rau má.

Bình quân mỗi năm, đại lý của tôi thu mua của bà con trên dưới 150 tấn rau má, trị giá gần 1 tỷ đồng để cung ứng cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên và TP.HCM. Để có nguồn cung ổn định cho các mối hàng, gia đình tôi còn thuê hơn 1ha đất giao cho 5 hộ dân nghèo trong khu phố trồng rau má cung ứng cho đại lý của tôi, nhờ đó họ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống”, bà Hương chia sẻ.

“Để nâng cao chất lượng, giá trị của cây rau má, thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Hội Nông dân thị xã Hoài Nhơn tổ chức tập huấn cho bà con về kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP; quy hoạch những diện tích đất màu, đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng rau má nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời tìm kiếm doanh nghiệp trong và ngoài địa phương đầu tư công nghệ chế biến các sản phẩm cao cấp từ rau má”, ông Nguyễn Văn Chữ, Phó Chủ tịch UBND phường Tam Quan Nam cho biết.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.