| Hotline: 0983.970.780

Chuyển mạnh sang nuôi biển công nghệ cao

Thứ Hai 15/11/2021 , 18:24 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Lãnh đạo Sở NN-PTNT Khánh Hòa và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhất trí đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình nuôi biển công nghệ cao giúp nâng cao giá trị kinh tế.

Ngày 15/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) đã làm việc với Sở NN-PTNT Khánh Hòa nhằm đánh giá các mô hình nuôi biển công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu đang được TTKNQG triển khai ở địa phương.

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, hiện nay lĩnh vực thủy sản đang chiếm khoảng 55% giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bà con thường tận dụng những nguyên liệu có sẵn ở địa phương như cây gỗ, thùng phuy để chế tạo các lồng nuôi và phương pháp này đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa Lê Tấn Bản chia sẻ về các chương trình hợp tác với Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa Lê Tấn Bản chia sẻ về các chương trình hợp tác với Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh. Ảnh: Tùng Đinh.

“Năm 2017, cơn bão số 12 giật cấp 15 đổ bộ vào Khánh Hòa gây ra thiệt hại nặng nề cho tỉnh, trong đó cả tỉnh thiệt hại khoảng 16.500 tỷ đồng, riêng lĩnh vực thủy sản thiệt hại hơn 11.000 tỷ đồng”, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa nêu dẫn chứng và cho biết thêm, trong khi lồng bè truyền thống thiệt hại 100% thì hệ thống lồng HDPE áp dụng cộng nghệ của Na Uy, Mỹ lại an toàn tuyệt đối.

Do đó, Khánh Hòa xác định nuôi biển công nghệ cao là hướng phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh. Cụ thể, mô hình nuôi biển công nghệ cao ngày càng phát triển, trong đó hệ thống lồng HDPE được điều chỉnh kích thước nhỏ hơn để phù hợp hơn với nhu cầu nông hộ, ứng dụng được hình thức canh tác bán cơ khí.

Thêm một thuận lợi nữa cho đẩy mạnh nuôi biển công nghệ cao của Khánh Hòa đó là các lồng HDPE đã có thể sản xuất được trong nước với chi phí tiết kiệm khoảng 50 - 60% so với nhập khẩu nhưng vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn và độ bền vào khoảng 20 năm.

Về chủ trương của địa phương trong thời gian tới, ông Lê Tấn Bản khẳng định Khánh Hòa sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ bà con, mục tiêu từ nay đến 2030 chuyển đổi 100% nuôi biển từ lồng truyền thống sang lồng HDPE. Với mục tiêu này, tỉnh cũng định hướng khai thác thế mạnh của hệ thống lồng nuôi HDPE để nuôi biển ở các vùng biển hở mà lồng truyền thống không đáp ứng được.

Nuôi biển ứng dụng hệ thống lồng HDPE giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Kim Sơ.

Nuôi biển ứng dụng hệ thống lồng HDPE giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Kim Sơ.

Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết: “Bên cạnh chuyển đổi về lồng nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh cũng xác định sẽ chuyển đổi thức ăn cho thủy sản từ truyền thống sang công nghiệp. Không sử dụng cá tạp, cá tươi như hiện nay để giảm ô nhiễm môi trường”.

Đồng quan điểm với Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG cho biết, Bộ NN-PTNT đã có định hướng trong tương lai, ngành thủy sản sẽ đẩy mạnh nuôi biển ở vùng biển xa, đảm bảo chất lượng thủy sản, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, cần thu gọn diện tích nuôi biển, thay vào đó là áp dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi biển để dành không gian cho những lĩnh vực khác.

“Chắc chắn chúng ta phải đi theo hướng nuôi biển hiện đại, cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp và chủ trương của địa phương, sẽ đem lại hiệu quả cho ngành nuôi biển của Khánh Hòa”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Giám đốc TTKNQG cho biết đơn vị sẽ đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, huấn luyện và truyền thông để nhân rộng các mô hình nuôi biển hiệu quả của tỉnh. “Điều quan trọng là triển khai đào tạo ngay tại nơi xây dựng mô hình để người dân đào tạo lẫn nhau”, Giám đốc TTKNQG nhấn mạnh.

Khánh Hòa đang chuyển mạnh sang nuôi biển công nghệ cao. Ảnh: Kim Sơ.

Khánh Hòa đang chuyển mạnh sang nuôi biển công nghệ cao. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa kiến nghị TTKNQG quan tâm, xây dựng mô hình nuôi tôm hùm trên lồng HDPE 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là ương nuôi trong lồng gỗ đến 300 gam và giai đoạn 2 là chuyển ra nuôi ở lồng HDPE.

Ngoài ra, ông Khánh cho biết, ngành nông nghiệp Khánh Hòa đã làm chủ được công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng semi-biofloc 3 giai đoạn, nhưng muốn nhân rộng cần có sự vào cuộc, hỗ trợ xây dựng mô hình từ TTKNQG.

Liên quan vấn đề này, ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư (TTKNQG) cho biết sẽ sẵn sàng phối hợp với tỉnh Khánh Hòa để đẩy mạnh nghề nuôi biển, giảm áp lực khai thác, góp phần vào phát triển thủy sản bền vững để tiến tới mục tiêu rút "thẻ vàng" IUU của Châu Âu.

Các dự án khuyến nông trung ương đang triển khai tại Khánh Hòa năm 2021

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai 5 dự án khuyến nông trung ương và 2 nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên.

Trong đó, lĩnh vực khuyến ngư có 2 dự án là Xây dựng mô hình nuôi biển cá giò và Xây dựng mô hình nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPQ đảm bảo an toàn thực phẩm.

Với lĩnh vực trồng trọt, có 3 dự án đang được triển khai gồm: Xây dựng mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, rải vụ thu hoạch gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại Khánh Hòa; Xây dựng mô hình trồng và thâm canh cây ăn trái theo hướng VietGAP tại Ninh Thuận và Khánh Hòa và Xây dựng mô hình phát triển một số cây trồng, vật nuôi và cây phủ xanh tại Quần đảo Trường Sa.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.