| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ môi trường biển quyết định sự bền vững cho nuôi biển

Thứ Tư 07/07/2021 , 13:15 (GMT+7)

Các địa phương cần xây dựng và phát triển các vùng nuôi tập trung, chuyển từ phương thức nuôi truyền thống sang nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Đó là một trong những giải pháp được PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Viện Thủy sản III) cho biết xung quanh việc hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Lồng bè tăng đột biến, mật độ quá dày

Phú Yên có bờ biển dài khoảng 189 km, có tiềm năng trên 21.000 ha mặt nước đầm, vịnh, bãi triều, cửa sông... rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn và nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên các vùng biển ven bờ, đặc biệt có vùng biển mở gần bờ và xa bờ rất thuận lợi để phát triển nuôi biển công nghiệp.

Mật độ lồng, bè nuôi quá dày đặc ở các vịnh kín là nguyên nhân khiến môi trường nuôi biển tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Ảnh: Kim Sơ.

Mật độ lồng, bè nuôi quá dày đặc ở các vịnh kín là nguyên nhân khiến môi trường nuôi biển tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Ảnh: Kim Sơ.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, nghề nuôi trồng thủy sản trên biển bằng lồng, bè thủ công trên địa bàn hình thành từ những năm 1990, đến nay phát triển khá mạnh khoảng hơn 1.000 ha mặt nước với những đối tượng nuôi chính như tôm hùm, cá biển…

Trong đó, nuôi tôm hùm chủ yếu ở vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông (Thị xã Sông Cầu) và các vùng biển mở ven bờ tại các xã An Ninh Đông, An Hòa, An Hải, An Chấn (huyện Tuy An) và vịnh Vũng Rô (Thị xã Đông Hòa). Tổng lồng nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 78.220 lồng gồm: Huyện Tuy An gần 7.700 lồng, Thị xã Đông Hòa 13.645 lồng và Thị xã Sông Cầu khoảng 56.875 lồng; tổng sản lượng đạt trên 700 tấn/năm.

Ngư dân Phú Yên có nhiều kinh nghiệm nuôi tôm hùm nhưng công nghệ nuôi vẫn còn lạc hậu theo kiểu truyền thống. Theo đó, lồng nuôi làm bằng khung sắt có lưới bao quanh với kích thước khoảng 3m × 3m × 1,5m, được treo vào các bè hoặc can nhựa.

Bè nuôi có các ô nuôi kích thước 3m × 3m × 4m, vật liệu là bè bằng tre hoặc gỗ, được giữ bởi các phuy nhựa nổi trên mặt nước. Nguồn giống tôm hùm nuôi chủ yếu nhập khẩu từ các nước Philippines, Malaysia, Indonesia. Thức ăn cho tôm ăn chủ yếu cá tạp và các loại giáp xác, nhuyễn thể; kỹ thuật chăm sóc quản lý thủ công, bè nuôi chưa có thiết bị giám sát môi trường.

Các lồng, bè nuôi kiểu truyền thống, mật độ thả nuôi dày đặc không đảm bảo môi trường trong quá trình nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS.

Các lồng, bè nuôi kiểu truyền thống, mật độ thả nuôi dày đặc không đảm bảo môi trường trong quá trình nuôi trồng thủy sản. Ảnh: KS.

Do nghề nuôi tôm hùm mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định nên khoảng 5 năm gần đây, khi có tôm hùm giống nhập khẩu, nhiều cá nhân trong và ngoài tỉnh tự phát đóng mới lồng, bè nuôi, số lồng nuôi tăng đột biến, chiếm hầu hết diện tích đầm vịnh. Từ đó gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường đầm, vịnh.

Đối với nuôi cá lồng, bè của các hộ gia đình, hiện chủ yếu được nuôi ghép một vài lồng tại các bè nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan và vùng biển mở ven bờ huyện Tuy An, Vũng Rô. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá bớp, cá mú, cá chẽm... Kỹ thuật, công nghệ nuôi đơn giản, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.

Kết cấu lồng nuôi theo kiểu truyền thống, đơn giản, chỉ có thể nuôi trong các vịnh kín mà chưa thể phát triển nuôi ở các vùng biển mở ven bờ có sóng, gió cấp 6, cấp 7. Hiện một số vùng nuôi tôm thẻ chân trắng bị ô nhiễm môi trường nên người nuôi chuyển sang nuôi một số đối tượng khác như rong biển, ốc hương, cua, ghẹ... Trong đó, diện tích nuôi cua 180 ha, ốc hương 102 ha, rong biển 33 ha, với sản lượng lần lượt đạt 150 tấn, 750 tấn và 200 tấn.

Đa số người nuôi thủy sản lồng, bè ở Phú Yên theo kiểu truyền thống, công nghệ lạc hậu. Ảnh: PC.

Đa số người nuôi thủy sản lồng, bè ở Phú Yên theo kiểu truyền thống, công nghệ lạc hậu. Ảnh: PC.

Tại Khánh Hòa, tiềm năng nuôi biển cũng rất lớn, với chiều dài đường biển 385 km, 200 hòn đảo lớn nhỏ, diện tích vùng đất ngập triều lên tới 1.660 km2 và nhiều đầm, eo vịnh với khoảng 400.000 km2 mặt nước biển (bao gồm cả quần đảo Trường Sa).

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản hàng năm trên địa bàn tỉnh khoảng 4.000 ha, sản lượng đạt 16 – 18.000 tấn. Đối tượng nuôi chủ yếu trong ao đìa như tôm chân trắng, tôm sú, cá biển, ốc hương, cua… Nuôi lồng, bè như tôm hùm và các loại cá biển. Trong đó, tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh, với tổng số lồng thả nuôi trong năm 2020 là 60.647 ô lồng, sản lượng đạt trên 1.500 tấn.

Theo các địa phương, việc nuôi lồng bè trong đầm, vịnh kín với mật độ dày, kéo dài nhiều năm dẫn đến môi trường bị ô nhiễm. Đặc biệt, tại vùng nuôi ở Thị xã Sông Cầu (Phú Yên), các chỉ tiêu trực tiếp tác động lên sức khỏe tôm, cá nuôi như NH3, PO4, DO, Vibrio… thường vượt ngưỡng cho phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây thiệt hại lớn cho người nuôi và xã hội khi có sự cố môi trường, dịch bệnh xảy ra.  

Chuyển nuôi truyền thống sang nuôi công nghiệp

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Thủy sản III, đối với nuôi trồng thủy sản, môi trường nước ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật thủy sản. Trong đó, những yếu tố chính liên quan đến phát triển của động vật thủy sản như: Nhiệt độ, pH, DO (oxy hòa tan), độ mặn… Các yếu tố ô nhiễm gây độc như: NH3, NO2, H2S, kim loại nặng, thuốc BVTV…

Mô hình nuôi cá chim vây vàng kiểu lồng công nghệ Na Uy trên vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Ảnh: MH.

Mô hình nuôi cá chim vây vàng kiểu lồng công nghệ Na Uy trên vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Ảnh: MH.

Do đó, chất lượng nước là yếu tố cực kỳ quan trọng trong nuôi thủy sản, quyết định hiệu quả kinh tế thông qua việc sử dụng thức ăn, tốc độ sinh trưởng và tỉ lệ sống của thủy sản nuôi. Việc duy trì chất lượng nước tốt rất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển tối ưu của các đối tượng thủy sản nuôi. Đây chính là khâu quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến sự thành công trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt trong nuôi thâm canh, công nghiệp.

Về nguyên nhân khiến môi trường nước bị ô nhiễm, PGS.TS Võ Văn Nha cho biết do nhiều nguyên nhân như chất thải của các khu dân cư, khu sản xuất công nghiệp, nông nghiệp… và cũng do chính chất thải của hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Tình trạng nuôi ngoài vùng quy hoạch, hoặc cơ sở hạ tầng nuôi chưa đảm bảo (đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải) nhưng nuôi mật độ quá cao là mối nguy lớn gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất phòng bệnh và xử lý môi trường không nằm trong danh mục cho phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản cũng là nguy cơ rất nguy hiểm.

Do đó, để đảm bảo môi trường vùng nuôi, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, PGS.TS Võ Văn Nha cho rằng, các địa phương cần xây dựng và phát triển các vùng nuôi tập trung, chuyển từ phương thức nuôi truyền thống sang nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Để phát triển môi trường nuôi thủy sản bền vững, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho ngư dân cũng như người dân vùng ven biển. Ảnh: KS.

Để phát triển môi trường nuôi thủy sản bền vững, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho ngư dân cũng như người dân vùng ven biển. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, có thể mở rộng diện tích nuôi ra các vùng biển mở, vùng biển xa bờ, nơi có độ sâu lớn; loại bỏ các vùng nuôi trồng thủy sản tự phát, không theo quy hoạch chung; siết chặt công tác quản lý, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển.

Đồng thời, cần tăng cường công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường tại các vùng nuôi thủy sản tập trung, hạn chế thấp nhất nguy cơ bùng phát bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi.

Đối với người nuôi cần chủ động, mạnh dạn đầu tư công nghệ, quy trình sản xuất hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường (mô hình nuôi an toàn sinh học không sử dụng hóa chất, kháng sinh; mô hình biofloc, VietGAP...). Coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh trên các đối tượng nuôi. Đặc biệt chú ý áp dụng phương pháp nuôi an toàn sinh học. Có ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, để bảo vệ môi trường vùng nuôi, cần tăng cường và nâng cao chất lượng quan trắc và dự báo môi trường nuôi trồng thủy sản, duy trì và phát triển các điểm quan trắc môi trường.

Thực hiện tốt chế độ báo cáo và chia sẻ thông tin quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong hoạt động này. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng các mô hình nuôi hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Quản lý, kiểm soát việc sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh và có biện pháp nghiên cứu thay thế chúng trong nuôi trồng thủy sản. Tăng cường công tác quản lý việc thu gom và xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản...

Xem thêm
Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.