| Hotline: 0983.970.780

Chuyển mọi hoạt động cảng cá Cát Bà về cảng cá Trân Châu

Thứ Ba 09/11/2021 , 23:52 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Từ 10/11, sẽ dừng hoạt động đối với cảng cá Cát Bà. Toàn bộ hoạt động dịch vụ hậu cần thủy sản sẽ được chuyển sang cảng cá Trân Châu.

Cảng cá Trân Châu. Ảnh: Đinh Mười.

Cảng cá Trân Châu. Ảnh: Đinh Mười.

Vấn đề này được quyết định tại văn bản số 500/TB-UBND, do ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng ký ngày 8/11. Sở NN-PTNT được giao chủ trì, phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Hải Phòng, UBND huyện Cát Hải tổ chức thực hiện.

Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, cảng cá Cát Bà có tổng diện tích 2,34 ha, trong đó vùng đất là 0,72 ha, vùng nước 1,626 ha, hiện tại không còn quỹ đất để mở rộng. Các công trình hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ.

Trang thiết bị đã hư hỏng, không đáp ứng yêu cầu về bốc dỡ hàng hóa, đồng thời thiếu thông báo hàng hải về luống của cảng và vùng nước trước cầu cảng, báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định và chưa có quyết định công bố mở cảng cá theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017.

Trên thực tế, các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng cá Cát Bà đã dừng hoạt động từ tháng 1/2018, còn tổ chức quản lý cảng cá được giải thể theo Quyết định số 57/QĐ-QLCB ngày 15/12/2017 của Ban Quản lý cảng cá, bến cá.

Cảng cá Cát Bà đã hết sứ mệnh. Ảnh: Huy Cầm.

Cảng cá Cát Bà đã hết sứ mệnh. Ảnh: Huy Cầm.

Đối với cảng cá Trân Châu, được UBND thành phố Hải Phòng quyết định phê duyệt kế hoạch lựa các gói thầu tư vấn từ ngày 1/12/2017 với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, là cảng cá được chỉ định, được xây dựng theo hướng thông minh, hiện đại gắn với du lịch, có độ sâu của luồng từ 3,5 - 5m, chiều dài cầu cảng 684,5m.

Cảng cá nằm trong quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho cảng cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, có các dịch vụ cầu cảng, bến bãi, bốc xếp, phân loại, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, xếp dỡ, vận chuyển thủy sản sau thu hoạch, dịch vụ kinh doanh xăng dầu, sản xuất đá lạnh, kho lạnh... và các nhu yếu phẩm khác cho hoạt động nghề cá.

Đồng thời, được phép cung cấp dịch vụ gia công, sửa chữa ngư lưới cụ, đóng mới, sửa chữa tàu cá, cơ khí, trang thiết bị hàng hải, máy tàu, dịch vụ ăn uống, giải khát và sinh hoạt cho thuyền viên, thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá và các hoạt động liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác.

Cảng cá Trân Châu được UBND TP Hải Phòng công bố mở cảng ngày 15/9/2020, là cảng cá loại II, tàu cá vùng khơi trở ra được cập cảng, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thuộc cấp vùng, sức chứa tại vùng nước đậu tàu là 1.000 chiếc, tàu có chiều dài lớn nhất là 30m vào được khu neo đậu.

Hiện tại, đã cơ bản đáp ứng các điều kiện cần thiết để tiếp nhận tàu cá vào neo đậu, bốc dỡ hàng hóa và tiếp nhận các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hậu cần thủy sản vào đầu tư, hoạt động, bảo đảm hoạt động sản xuất của ngư dân cũng như các tổ chức, cá nhân diễn ra bình thường.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.