| Hotline: 0983.970.780

‘Hải Phòng cần quan tâm đến cơ sở hạ tầng cảng cá’

Thứ Tư 16/06/2021 , 17:23 (GMT+7)

Ngày 16/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã có buổi kiểm tra và làm việc tại Hải Phòng liên quan đến chống khai thác IUU và phòng chống dịch bệnh động vật.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng sau khi đi kiểm tra thực tế. Ảnh: Đinh Tùng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng sau khi đi kiểm tra thực tế. Ảnh: Đinh Tùng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đi kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, kiểm tra đầu tư hạ tầng thủy sản tại cảng cá Ngọc Hải và kiểm tra tình hình dịch bệnh cũng như công tác phòng chống dịch bệnh động vật, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh tại xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy.

Sau khi kiểm tra thực tế và nghe Sở NN-PTNT Hải Phòng báo cáo cụ thể, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao Hải Phòng thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa sản xuất vừa chống dịch bệnh. Trong đó về chăn nuôi, địa phương đã làm tốt việc chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Còn về thủy sản, đã cơ bản kiểm soát được 1 phần tàu ra, tàu vào cảng.

Tuy nhiên, trong chăn nuôi cần kiểm soát dịch bệnh động vật tốt hơn. Lĩnh vực thủy sản, Hải Phòng cần đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá, tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát, lắp thiết bị giám sát hành trình, mất kết nối khi đang khai thác thủy sản trên biển.

Cần quan tâm việc đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cảng cá trên địa bàn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào các cảng cá, kiên quyết xử lý các hành vi cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật về chống khai thác IUU.

Mặt khác, Hải Phòng cũng cần tiếp tục triển khai cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch khai thác cho tàu cá và hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình Movimar trên các tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên. Đồng thời tổ chức triển khai các đợt kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chống khai thác IUU tại các địa phương, Văn phòng Đại diện nghề cá và kiểm tra thực tế trên biển.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh động vật và tiêm vắc xin phòng bệnh tại xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Tùng.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh động vật và tiêm vắc xin phòng bệnh tại xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Tùng.

Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, trên địa bàn hiện tại có 68 cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ thủy sản, có 14 cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Việc kiểm soát tàu cá qua cảng, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản, Hải Phòng đã công bố mở 2 Cảng cá theo Luật thủy sản (Cảng cá loại II), UBND Bạch Long Vĩ đã công bố mở 1 cảng cá loại III.

Về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đến nay, số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã đạt hơn 90% (334/370 chiếc), Hải Phòng đã xây dựng và ban hành quy trình xử lý tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát với trạm bờ, tàu cá vi phạm vùng, tuyến khai thác để triển khai thực hiện và tổ chức trực ca 24/24 vận hành hệ thống giám sát hành trình tàu cá theo quy định.

Sở NN-PTNT Hải Phòng cũng đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và UBND các huyện, quận tăng cường rà soát, lập danh sách chủ tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm gửi UBND các quận, huyện thông báo, vận động, đôn đốc thực hiện, kiên quyết không cho các tàu xuất bến khi không đầy đủ giấy tờ theo quy định, đề xuất biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không thực hiện.

Ngoài ra, để thực hiện tốt việc chống khai thác bất hợp pháp không khai báo, không theo quy định, Hải Phòng đã có chính sách hỗ trợ người dân lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, theo đó hỗ trợ 50% kinh phí lắp đặt thiết bị và hỗ trợ 3 năm phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực, việc triển khai chống khai thác IUU cũng gặp nhiều khó khăn khi hiện nay, trong số hơn 200 tàu hoạt động dịch vụ hậu cần thủy sản, nhiều tàu không cập cảng mua, bán hàng mà mua hàng trực tiếp của các tàu cá đang đánh bắt trên biển và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch nên việc kiểm soát, đối chiếu hồ sơ, sản lượng mua bán chưa thực hiện được.

Cảng cá Trân Châu được đầu tư hơn 300 tỷ đồng, dù đã được công bố mở cảng nhưng vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. Ảnh: Đinh Tùng.

Cảng cá Trân Châu được đầu tư hơn 300 tỷ đồng, dù đã được công bố mở cảng nhưng vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. Ảnh: Đinh Tùng.

Việc tuần tra, kiểm soát các tàu cá ở các khu vực bãi ngang, cửa sông các tàu cá không vào cảng bốc dỡ thủy sản gặp nhiều khó khăn, công tác xác minh đối với các tàu cá mất kết nối gặp rất nhiều khó khăn do các tàu đi khai thác không về địa phương, không liên lạc được với chủ tàu.

Tại cảng cá Ngọc Hải chủ yếu phương tiện nhỏ (<12m) thường xuyên hoạt động tại vùng biển ven bờ nên việc báo cáo sản lượng khai thác qua cảng theo tuần khó kiểm soát. Cảng cá phụ thuộc con nước nên nhiều tàu cá có chiều dài >15 m khó ra vào, đôi lúc chuyển tải sản lượng qua thuyền nan vào cảng nên khó kiểm soát sản lượng thủy sản các tàu đó.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho công tác khai thác thủy sản còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động, xã hội hóa nguồn lực trong xã hội, trong khi một bộ phận người dân, ngư dân nhận thức còn hạn chế vì lợi ích kinh tế trước mắt vẫn còn sử dụng xung điện, kích nổ, lưới có kích thước nhỏ… để khai thác đánh bắt thủy sản.

Thêm vào đó, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, vệ sinh các cảng cá đã xuống cấp không đáp ứng đủ các điều kiện công bố cảng cá chỉ định cho tàu cá cập cảng phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản theo quy định.

Do vậy, TP Hải Phòng đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, sớm đưa vào Kế hoạch đầu tư công của Bộ giai đoạn 2021- 2025 về việc đầu tư dự án nâng cấp cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá phía Tây Nam đảo Bạch Long Vỹ thành cảng cá loại I và khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng.

Mặt khác, hỗ trợ nguồn lực, vật lực cho Hải Phòng xây dựng Trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ, hỗ trợ kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất cho hệ thống cảng cá hiện có đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định Luật Thủy sản phục vụ nhu cầu tàu thuyền của thành phố và các tỉnh bạn ra, vào bốc dỡ, giao dịch mua bán sản phẩm thủy sản.

Đồng thời hỗ trợ cán bộ chuyên môn, trang thiết bị, tập huấn chuyên sâu, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn thành phố; hướng dẫn việc thẩm định, cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho tàu cá, cảng cá theo quy định pháp luật.

Về chăn nuôi, từ đầu năm 2021 đến nay, đàn gia cầm trên địa bàn TP Hải Phòng phát triển ổn định, không phát hiện gia cầm ốm, chết, tiêu hủy do mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong đó, đàn lợn phát triển ổn định, không phát hiện lợn ốm, chết, tiêu hủy do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; tính đến nay đã qua 18 tháng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được khống chế trên địa bàn.

Đối với thủy sản nuôi, bệnh đốm trắng, Hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi đã xảy ra tại 5 xã, phường thuộc 4 huyện, quận. Tổng diện tích tôm nuôi nhiễm bệnh 54,4 ha.

Với đàn trâu, bò, bệnh Viêm da nổi cục ở trâu bò xảy ra trên địa bàn Hải Phòng từ ngày 29/3/2021- 06/5/2021, tại 5 hộ thuộc 5 xã của 4 huyện, quận (Tiên Lãng, Kiến Thụy, Cát Hải, Dương Kinh), tổng số tiêu hủy 8 con (3 con bò và 5 con bê).

Sở NN-PTNT Hải Phòng đã phối hợp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các huyện, quận kịp thời triển khai các biện pháp chống dịch, khoanh vùng dập dịch theo quy định, các ổ dịch nhanh chóng được khống chế.

Tính đến nay đã qua 38 ngày không phát hiện trâu, bò ốm, chết, buộc phải tiêu hủy do mắc bệnh Viêm da nổi cục trên địa bàn thành phố.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.