| Hotline: 0983.970.780

Chuyện nhặt ở xứ Thanh

Thứ Hai 30/11/2009 , 09:55 (GMT+7)

Làm nông nghiệp ở Thanh Hóa có khi được mùa to nhưng có khi mất lớn. Có những nguyên nhân do thời tiết không mấy thuận nhưng có không ít nguyên nhân do con người gây ra.

Nông dân lắm lo âu  

Thanh Hoá là tỉnh đất rộng, người đông, thời tiết diễn biến bất thường nên làm nông nghiệp có khi được mùa to nhưng có khi mất lớn. Có những nguyên nhân do thời tiết không mấy thuận nhưng có không ít nguyên nhân do con người gây ra.  

Hai năm lại nay, Thanh Hoá liên tục được mùa cả ở vụ chiêm xuân, vụ thu mùa và vụ đông. Có thể nói sản xuất nông nghiệp ở tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực trong chỉ đạo điều hành, trong cơ cấu chuyển dịch, trong thâm canh tăng năng suất...Tuy nhiên, năng suất, sản lượng đạt cao nhưng bà con nông dân vẫn không vui lắm. Bởi lẽ sau khi khấu hao, cân đối các khoản chi phí đầu tư thì người làm nông lãi không còn là bao. Trong chăn nuôi, ngoài việc liên tục phải đối mặt với dịch bệnh thì chi phí cho thức ăn của vật nuôi là quá cao, trong khi đó giá giống cũng cao nhưng giá bán thương phẩm lại cực thấp. Bất hợp lý này không chỉ xẩy ra riêng ở Thanh Hoá mà ngay cả nhiều nơi khác.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, cùng với cơ chế của nhà nước, tỉnh Thanh Hoá cần có thêm một số chính sách mới nhằm hỗ trợ giúp người nông dân chăm lo sản xuất. Chẳng hạn như, tỉnh đã có quy hoạch vùng thâm canh lúa năng suất chất lượng hiệu quả cao thì tất yếu phải sử dụng đến một trình độ kỹ thuật cao hơn so với kiểu sản xuất truyền thống. Như vậy cần những bộ giống mới, phân bón tốt. Nhưng những thứ đó giá cả lại cao, nông dân còn khó khăn nên rất khó để tiếp cận. Vậy thì tỉnh cần có nhiều chính sách hỗ trợ giá giống, phân bón để giúp dân. Một vấn đề nữa là đầu tư vào trang thiết bị phục vụ cho cơ giới hoá trong nông nghiệp. 

Theo ông Nguyễn Xuân Sang- PGĐ Sở NN- PTNT thì “Thanh Hoá có 257 ngàn ha diện tích sản xuất nông nghiệp hàng năm nhưng việc cơ giới hoá vào đồng ruộng lại vừa yếu, vừa thiếu. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do công tác dồn điền đổi thửa một số nơi làm chưa xong, ruộng vẫn còn manh mún, chi phí đầu tư mua máy lại rất lớn". Theo tính toán của anh Nguyễn Hồng Phong- chủ Doanh nghiệp Tiến Nông, đơn vị chuyên cung ứng phân bón và máy gặt đập liên hợp tại Thanh Hoá thì việc người dân sử dụng máy gặt đập sẽ giảm được rất nhiều chi phí, lao công, đẩy nhanh được tiến độ thu hoạch và triển khai kịp thời sản xuất vụ kế tiếp, nhất là thời điểm chạy lũ lụt.

Đó là nơi sản xuất ra trực tiếp lương thực, có cái ăn, cái để nhưng với các xã vùng trồng cói ở huyện Nga Sơn thì mấy năm liền nông dân khó khăn lắm. Hai năm lại nay, người trồng cói sản xuất không đủ tiền đong gạo ăn. Một cán bộ của xã Nga Tân nói chuyện về tình hình đời sống của nhân dân mà tôi thấy ngậm ngùi về những con số mới tinh được liệt kê lớn dần theo cấp số cộng so với cái ngày tôi về cách đó 2 năm. Số dư nợ ngân hàng trong nhân dân đã tăng từ 24 tỷ đồng lên 27 tỷ đồng. Số lao động địa phương bỏ ruộng, bỏ làng đi làm ăn xa cũng chiếm hơn nửa. 

Theo tính toán của chúng tôi thì bình quân 1 nhân khẩu ăn hết 0,7kg gạo/ngày, vậy thì 7.756 nhân khẩu của xã Nga Tân sẽ xài hết 5,4 tấn gạo/ngày tức bằng 1.954 tấn gạo/năm (nếu tính giá hiện nay thì số gạo này hết gần 2 tỷ đồng) như vậy nếu bán hết cói thì đủ tiền đong gạo ăn trong 1 năm. Nhưng thực tế không đơn giản chút nào bởi không kể nợ lãi cắt cổ mà dân làng vay của một số cá nhân thì mỗi năm như vậy dân Nga Tân chỉ đóng riêng tiền lãi suất cho 2 ngân hàng trong tổng số dư nợ 27 tỷ đồng cũng chiếm xấp xỉ 2,6 tỷ đồng (bằng trị giá của vụ cói trong toàn xã). Lãi suất ngân hàng chỉ tính từ 0,65% đến 1,35%/tháng trong khi đó có những gia đình chịu lãi nợ nóng bên ngoài từ 30- 50%/tháng.

Ông Nguyễn Văn Ngọc 59 tuổi ớ xóm 4 bị bệnh gan đang chờ chết vì nhà nghèo không đủ tiền thuốc thang chạy chữa. Ngoài 2 cuốn sổ nợ 40 triệu của ngân hàng, nhà ông còn 10 triệu nợ nóng của cá nhân bên ngoài với lãi suất 30.000đ/ngày tương đương 900.000đ/tháng. Cộng với lãi suất ngân hàng nữa, một tháng riêng tiền lãi, nhà ông Ngọc phải oằn cổ, thắt lưng buộc bụng, nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn cả thuốc thang cho bệnh tật để có trên 1 triệu đồng trả lãi. Gia đình ông Ngọc cũng như hàng trăm gia đình của Nga Tân cho đến thời điểm này đều có chung một hoàn cảnh là nợ nần chồng chất. Thử nhẩm tính 27 tỷ đồng nợ ngân hàng chia đều cho 1.736 hộ thì bình quân một hộ phải chịu nợ bao nhiêu?

Khi anh Trịnh Văn Chiến đang làm GĐ Sở NN- PTNT và nay là PCT UBND tỉnh, nhiều lần đi vùng cói về tôi lại tâm sự với anh rằng: “Thanh Hoá có nhiều cây trồng được xem là chủ lực và được quan tâm như cao su, mía, lúa, ngô, lạc, đậu…nhưng cây cói tỉnh quan tâm chưa nhiều, nên chăng tỉnh cần kiến nghị với các Bộ ngành làm các cuộc thăm dò, mở Hội thảo bàn tính giải pháp phát triển cho cây cói chứ đề tình trạng này kéo dài thì nguy to”. Anh Chiến cũng trăn trở về điều này: “Thực ra tỉnh cũng đã có nhiều cuộc bàn đến cói nhưng cái khó nhất là đầu ra cho sản phẩm. Những vấn đề như đầu tư hạ tầng, máy bơm, thuỷ lợi thì tỉnh cũng rốt ráo chăm lo. Nhưng đầu ra và giá cả lại phụ thuộc phía nước bạn”.

Ông Yên Tiến Luận- Chủ tịch UBND xã Nga Tân kiến nghị: “Mong muốn sản phẩm cói sẽ được xuất bán theo đường chính ngạch và ổn định về giá cả cũng như thị trường tiêu thụ. Chúng tôi mong Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống trạm bơm, thuỷ lợi nội đồng và cải tạo ruộng cói. Đồng thời được nhà nước giãn nợ, cho vay với lãi suất thấp trong thời gian dài hơn”.

Trên mặt trận nuôi trồng thuỷ sản, đánh bắt xa bờ hiện nay, ngư dân cũng có nhiều vấn đề băn khoăn. Thanh Hoá có 102 km bờ biển, với 524 tàu lớn đánh bắt xa bờ và hàng nghìn tàu có công suất nhỏ đánh ở vùng ven. Sản lượng thuỷ sản hàng năm tăng đáng kể. Để kích cầu ngư dân, Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiền xăng dầu. Chính sách được thực thi đã động viên ngư dân rất lớn. Tuy nhiên, khi triển khai chính sách này ngư dân vẫn mong muốn phía chính quyền cần công khai minh bạch, không nên ăn chặn tiền như từng xẩy ra ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá hồi đầu năm nay.

Còn về vấn đề “Hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân”, ông Trần Ngọc Ất- PCT UBND xã Quảng Tiến, TX Sầm Sơn bày tỏ: “Nhà nước hỗ trợ tàu có công suất 90 CV trở lên chỉ hỗ trợ 3 chuyến ra khơi tương đương 24 triệu đồng, như thế là rất thấp. Trong khi đó tàu có công suất từ 6 CV đến 18 CV lại được hỗ trợ 5 chuyến đi biển tương đương 15 triệu đồng, như vậy là cao”. Một vấn đề nữa theo quy định nếu mua được máy mới hoặc đóng tàu mới sẽ được hỗ trợ tiền. Tuy nhiên trong thực tế tại thời điểm này đa số ngư dân ở Sầm Sơn không có điều kiện để đóng tàu mới. Đồng thời một số ngư dân chỉ có tiền mua máy cũ để hoạt động. Như thế thì việc mua máy cũ sẽ không được hỗ trợ.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm